1. Các rắc rối và hiểu nhầm trong gia đình: Việc trưởng thành trong môi trường thiếu lành mạnh rất ảnh hưởng đến trẻ. Trẻ bị người lớn trong nhà đánh thường có xu hướng bắt nạt bạn. Chúng cũng hành xử hung hăng, bạo lực, trở thành kẻ bắt nạt. Nếu bố mẹ thường xuyên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, con cũng sẽ chọn cách thống trị người khác bằng sự tàn nhẫn. |
2. Thích nổi bật và thể hiện địa vị: Trong nhiều bộ phim, các nhân vật thiếu niên nổi tiếng thường bắt nạt người khác. Trẻ chịu ảnh hưởng từ đó và bắt chước hành vi này để thể hiện địa vị trong tập thể. Trong khi thực tế, người thực sự là trung tâm của tập thể không hung hăng như những đứa trẻ muốn trở nên nổi bật. |
3. Dấu hiệu của sự yếu đuối: Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều trẻ vị thành niên không hành xử bạo lực, bắt nạt người khác vì không cần làm vậy để chứng minh bản thân. Chúng cảm thấy thoải mái với vai trò hiện tại của mình trong tập thể. Vì thế, khi trẻ cư xử độc ác, đó có thể là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng cảm thấy bất an về vị trí của mình và dùng bạo lực để che giấu điểm yếu. |
4. Áp lực từ đứa trẻ khác: Trẻ vị thành niên cũng có cộng đồng riêng và cố gắng để phù hợp với tập thể. Trong một số trường hợp, một người phải lựa chọn tham gia bắt nạt cùng người khác hoặc bản thân trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Áp lực ngang hàng với bạn bè đôi khi quá lớn khiến trẻ cảm thấy chúng không còn lựa chọn nào ngoài việc đi theo số đông, cùng hành hạ người yếu thế hơn. |
5. Trả thù việc từng bị bắt nạt: Khi bị bắt nạt, trẻ có xu hướng bắt nạt lại người khác để trả thù cho bản thân trong quá khứ. Chúng cảm thấy mình hành động chính đáng, thậm chí nhẹ nhõm khi hành hạ, làm nhục bạn học. |
6. Thiếu đồng cảm: Một số trẻ vị thành niên thích bắt nạt, thực hiện các trò đùa độc ác vì thiếu đồng cảm. Đơn giản, chúng không hiểu bạo lực khiến người khác tổn thương đến mức nào. Vì thế, người lớn cần chú ý việc giúp con phát triển cảm xúc. Việc thấu hiểu người khác giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành. |
7. Thiếu sự chú ý: Trẻ em cần tình yêu, sự quan tâm từ người lớn cùng cảm giác được chú ý, chăm sóc. Khi cảm thấy mình "vô hình", chúng chọn cách gây hấn, bắt nạt để thu hút sự chú ý, chấp thuận từ bố mẹ. Một đứa trẻ bị lãng quên trở thành kẻ bắt nạt bạn học. Và ở mức độ nào đó, nhờ hành vi tàn nhẫn, chúng trở nên "hữu hình" trong mắt bố mẹ, dĩ nhiên là theo phương thức sai lầm và khiến người khác tổn thương. |
8. Khuôn mẫu và định kiến: Tình trạng bắt nạt vì khuôn mẫu, định kiến có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Trẻ có thể bắt gặp nó ở trường, trên Internet hay quán cà phê. Tình trạng này xuất phát từ lối suy nghĩ rằng nhóm người khác nhau phải nhận sự đối xử khác nhau. Trẻ vị thành niên thường muốn mình đặc biệt. Khi chúng nghĩ bản thân tốt hơn người khác vì địa vị xã hội, cách ăn mặc, nhóm bạn chơi chung, chúng có thể hành động bạo lực, bao gồm cả việc miệt thị, bắt nạt. |