Sau 8 năm nghiên cứu ứng dụng vạt da cân thượng đòn có nối mạch vi phẫu đầu xa giúp điều trị sẹo co kéo vùng cằm cổ, BS Tống Hải (Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Quân y.
BS Tống Hải đã chia sẻ về hành trình nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vạt da cân thượng đòn có nối mạch vi phẫu đầu xa trong điều trị sẹo co kéo vùng cằm cổ” kéo dài gần một thập niên.
BS Tống Hải nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Quân y. |
- Đề tài của anh đã được 7/7 thành viên hội đồng chuyên môn đồng ý và đánh giá cao bởi tính khoa học, sáng tạo, ứng dụng thực tiễn hiệu quả, hỗ trợ tốt cho người bệnh. Những yếu tố đó được thể hiện thế nào qua nghiên cứu?
- Nghiên cứu vạt da cân thượng đòn mở rộng, với nhánh xuyên động mạch cùng vai ngực nối mạch vi phẫu trong điều trị sẹo co kéo cằm cổ là ý tưởng được PGS.TS Vũ Quang Vinh triển khai đầu tiên tại Việt Nam. Tôi may mắn nhận được sự chỉ bảo, dạy dỗ của thầy, nên bản thân cũng dốc hết mình để nghiên cứu đề tài này.
Theo đó, khi được áp dụng trên thực tế, đề tài hướng đến hỗ trợ bệnh nhân bị sẹo co kéo cằm cổ nặng, hạn chế hoặc mất chức năng vận động vùng này. Người mắc bệnh này không chỉ gặp khó trong giao tiếp, về lâu dài, đốt sống cổ của họ có thể bị biến dạng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ, giảm tự tin trong giao tiếp cũng như khả năng hoà nhập cộng đồng.
Phương pháp tôi nghiên cứu trong đề tài hứa hẹn giúp những bệnh nhân khắc phục các tồn tại trên. Đặc biệt, đề tài có mảng nghiên cứu chụp cắt lớp đa dãy đầu dò (MDCT) về nhánh xuyên động mạch cùng vai ngực, rất hữu ích cho các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
- Anh đã mất 8 năm để bảo vệ thành công đề tài. Đâu là lý do khiến quá trình nghiên cứu mất nhiều thời gian đến vậy?
- Đề tài tôi thực hiện có khối lượng số liệu rất lớn, gồm 3 phần chính là nghiên cứu xác tươi người Việt trưởng thành, chụp mạch chọn lọc và trên lâm sàng.
Theo quy định, tôi phải học tập trung trong 3 năm đầu. Giai đoạn này, tôi phải vừa học vừa làm vì đề tài nghiên cứu thu thập số liệu tại khoa lâm sàng của đơn vị đang công tác - Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Việc vừa học vừa làm kết hợp thu thập số liệu khiến BS Tống Hải nỗ lực rất nhiều. |
Bên cạnh đó, tôi vẫn phải sắp xếp thời gian bay vào TP.HCM khoảng 4 lần/năm để nghiên cứu trên xác tươi (xác người Việt hiến tặng cho y học), mỗi lần kéo dài 2-3 ngày. Những lần bay ra, bay vào như vậy tốn kém không ít thời gian và tiền bạc, đặc biệt khi tôi đang là bác sĩ chính tại Viện thẩm mỹ Như Hoa.
Năm 2017, tôi trở về học tập và làm việc tại khoa, kết hợp thu thập số liệu. Thời điểm 2019, khi tôi lấy xong số liệu cũng là lúc công nghệ hình ảnh bùng nổ. Là bác sĩ làm trực tiếp lâm sàng, tôi cần những hình ảnh minh chứng nên đã quyết định dành 2 năm nghiên cứu thêm về MDCT. Tất cả nhằm xác định về mạch máu khi dựng hình ảnh trên không gian 3 chiều (3D) để mọi người hiểu được tính khách quan khoa học của đề tài. Song song đó, tôi vẫn phải lấy số liệu trên các ca mổ vi phẫu lâm sàng đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều thời gian.
Đến khi đề tài đã hòm hòm, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Vì vậy, thay vì 6 năm như dự kiến, tôi mất thêm 2 năm nữa mới qua được các vòng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp bộ môn, cơ sở và trường trước khi nhận quả ngọt.
BS Tống Hải thực hiện các ca mổ vi phẫu. |
- Việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau 8 năm là một cột mốc lớn. Đây đồng thời là tấm bằng thứ 3 anh nhận từ Học viện Quân y. Cảm xúc của anh lúc này thế nào?
- Tôi rất vui mừng khi là thành viên của một trong những nhóm nghiên cứu sinh đầu tiên thuộc bộ môn đã bảo vệ thành công, đồng thời nhận tấm bằng cao nhất trong các bậc học tại Học viện Quân y - nơi có bề dày truyền thống đào tạo nên nhiều chuyên gia trong ngành.
Cột mốc này cũng ghi dấu sự thành công của tôi trên con đường học tập và nghiên cứu. Tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều, đặc biệt về tư duy nghiên cứu khoa học. Song song đó, tôi nhận ra trách nhiệm của bản thân là cần tiếp nối những truyền thống đã đào tạo nên nhiều thế hệ bác sĩ có tư duy khoa học cùng phẩm chất đạo đức trong học tập và nghiên cứu.
Để có được kết quả này, tôi muốn gửi lời biết ơn đến PGS.TS Vũ Quang Vinh và PGS.TS Trần Vân Anh - những thầy, cô đã hướng dẫn và đưa ra nhiều ý tưởng hay để tôi triển khai đề tài.