Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 tuổi kiếm tiền, từ kiện tướng võ thuật thành thủ khoa

Bén duyên với nghiệp võ khi mới 8 tuổi, Nguyễn Thị Anh Đào (thủ khoa ĐH Sư phạm thể dục thể thao) phải trải qua rất nhiều khó khăn để có được thành tích như ngày hôm nay.

“Nhà không có tiền, học võ làm gì?”

Là con út trong gia đình nghèo vùng ngoại thành Hà Nội, Nguyễn Thị Anh Đào - thủ khoa ĐH Sư phạm thể dục thể thao - từ bé đã ý thức được sự khó khăn ấy và chẳng bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì.

Lên lớp 3, khi nhà trường tổ chức câu lạc bộ Taekwondo, nhìn thấy các bạn được mặc bộ võ phục, cô bé Anh Đào cũng khao khát muốn được đi học.

Biết được ý định này của Anh Đào, thầy giáo phụ trách rất ngạc nhiên và hỏi “nhà em nghèo quá, không có tiền đóng học phí, đi học võ làm gì?”. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân, cô bé 8 tuổi đã đòi mẹ đi tìm việc làm thêm cho mình để có tiền theo học.

 

Ngày đó suốt 3 tháng hè, Anh Đào cùng chị gái nhận công việc đan mành ở gần nhà. Em chỉ mong mỗi tháng được 30.000 đồng đủ tiền đóng học.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô Phan Thị Châm xót xa kể: “Tôi cứ nhớ lại là thương con đến rơi nước mắt. Một lần, 10h đêm mà vẫn chưa thấy con đi làm về, tôi chạy khắp nơi tìm kiếm mới biết Đào cùng với cô chủ lên Hà Nội giao hàng. Lúc ấy, em còn bé mà đã rất ý thức hoàn cảnh của gia đình và luôn tự nỗ lực vươn lên”.

Chỉ sau vài tháng theo học, tài năng của Anh Đào đã được thầy giáo phát hiện và đưa em đi thi giải huyện và đem về tấm huy chương đầu tiên khi mới tròn 8 tuổi. Kể từ đó, cô bé nghèo bắt đầu bén duyên với nghiệp võ và gắn bó đến tận bây giờ.

Nhà nghèo, vì vậy tiền lương hàng tháng, Anh Đào luôn có ý thức tiết kiệm gửi về cho gia đình. Đến nhà em, người mẹ nghèo chia sẻ: “Sửa mái, lát nền đá hoa cũng là tiền của con bé gửi về”.

 

Thủ khoa Nguyễn Thị Anh Đào.

13 tuổi xa nhà khổ luyện

Trước khi bước vào nghiệp võ, Anh Đào luôn là học sinh giỏi của lớp. Cô Phạm Thị Châm nhớ lại: “5 tuổi, em đã bắt đầu học lớp 1 và từng được trường tiểu học Tây Mô tặng giấy khen thủ khoa vì có điểm số thi tốt nghiệp cao nhất trường. Các cô giáo đều nói với tôi rằng, sức học của Anh Đào thi trường nào cũng đỗ và khuyên gia đình không nên cho em theo nghiệp thể thao”.

Chính thức theo đuổi con đường võ thuật chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi, Anh Đào bước chân vào tham gia đội tuyển Hà Tây và bắt đầu quá trình xa nhà khổ luyện.

Cô chia sẻ: “Khi vào đội tuyển, các thầy rất nghiêm khắc và cường đồ tâp luyện cũng căng thẳng hơn rất nhiều. Thời điểm đó, việc thực hiện những động tác ép dẻo đau đớn khiến mình sợ phát khóc”. Một tháng mới được về nhà một lần, nhưng cô bé 13 tuổi vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê này.

Sau khi đạt được huy chương vàng giải toàn quốc,15 tuổi, Anh Đào tiếp tục được gọi về đội tuyển trẻ quốc gia để huấn luyện tại Đà Nẵng. Đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của em.

Anh Đào kể lại: “Ngày đó, do xuất phát điểm thể lực kém hơn các vận động viên khác, nên thời gian đầu mình gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày, chúng mình phải tập luyện 3 buổi từ sáng sớm, đến chiều với những bài tập cường độ cao thậm trí trên cát, dưới nước. Cuối tuần, cả đội phải rèn luyện sức bền bằng cách cách chạy bộ 15 km dọc bãi biển”.

5 năm huấn luyện tại Đà Nẵng cũng đã để lại cho cô những ký ức không bao giờ quên. Đó là những hình phạt “có một không hai” của thầy giáo: “Buổi tập đầu tiên, khi chạy biến tốc đổi hướng, mình mệt quá đã dừng lại đi bộ liền bị huấn luyện viên yêu cầu đi bộ xung quanh sân liên tục từ sáng đến trưa.

Khi làm sai bài tập trong lớp học văn hóa, thầy bắt cả đội lấy ca nhỏ hứng nước từ tầng một đi lên trên đổ vào xô to đến khi nào đầy thì thôi. Lúc đó, chúng mình sống trong môi trường kỷ luật như quân đội, đi đâu ra khỏi cổng cũng phải xin phép các thầy. Nhiều bạn tập luyện chưa tốt, cả tháng không được ra ngoài chơi”.

Do yêu cầu huấn luyện, nên đội tuyển trẻ lúc đó có rất nhiều em nhỏ tuổi như Đào tham gia. Cô kể: “Ngày đó, các bạn đều còn nhỏ lại phải xa nhà, nên mỗi khi nghe tiếng còi tàu, cả đội lại ôm nhau khóc và chỉ muốn về nhà”.

Năm 2009, Anh Đào được trở thành vận động viên đội tuyển quốc gia và trở về Hà Nội huấn luyện. Tại đây, cô đã đạt đỉnh cao trong sự nghiệp của mình khi giành huy chương vàng giải trẻ Đông Nam Á, hạng cân 46 kg và được phong “kiện tướng quốc tế”.

Tuy nhiên, để có được thành công đó, Anh Đào đã phải trải qua 2 tháng ép cân khổ luyện: “Ngày đó, mình được 53 kg, nhưng thầy giáo muốn cho xuống hạng cân 46 kg để có cơ hội đạt huy chương cao hơn. Để được tham gia thi đấu trong 2 tháng mình phải giảm được 7 kg”.

Không chỉ phải chịu đựng cường độ tập luyện nặng hơn các vận động viên khác, dưới cái nắng 37-38 độ C, cô còn phải mặc áo mưa, áo gió trong suốt quá trình thực hiện các bài tập.

“Không những thế, mình còn phải ăn kiêng nên lúc nào cũng cảm thấy mệt. Dù vậy, được sự động viên của các thầy, bạn bè và bố mẹ, mình đã vượt qua được chính bản thân và giành huy chương vàng”, Anh Đào tâm sự.

Sau hơn 10 năm tham gia thi đấu, Anh Đào đã nhận được 33 tấm huy chương các loại và nhiều bằng khen vận động viên có thành tích xuất sắc.

Cô giáo dạy võ

Chia sẻ về quyết định chuyển sang con đường học tập tập tại ĐH Sư phạm thể dục thể thao, Anh Đào cho biết: “Vận động viên chỉ có từng thời điểm, mình không thể theo đuổi nghiệp đấu suốt đời. Nhiều anh chị đi trước chỉ tập luyện với đam mê nên đi khi không còn nằm trong đội tuyển bị mất hết các chế độ, trở về con số 0”.

Sinh năm 1990 lại học sớm hơn các bạn một tuổi, vì vậy sau 3 năm tốt nghiệp THPT, Anh Đào mới bước chân vào giảng đường đại học. “Ngoài các môn chuyên ngành, mình cũng phải học nhiều môn khác như tâm lý, y học, toán thông kê, phương pháp dạy học… Thời gian đầu, mình gặp nhiều khó khăn để có thể đuổi kịp các bạn”.

Từ năm thứ 3, Anh Đào đã tham gia huấn luyện tại CLB võ thuật Thanh Trì. Công việc này đã giúp cô trang trải cuộc sống mà không bao giờ phải xin tiền bố mẹ.

Vừa trải qua vòng dự thi viên chức của Hà Nội, Anh Đào thông báo tin vui mình chuẩn bị trở thành cô giáo dạy thể dục tại trường tiểu học Tây Mỗ.

Cô cho biết: “Mình luôn mong muốn truyền đạt cho các em học sinh tinh thần, ý chí vượt qua chính mình và sự đoàn kết khi tham gia tập luyện võ thuật. Đây cũng là bài học sâu sắc nhất mà mình nhận được trong suốt thời gian là vận động viên”

An Hoàng- Clip: Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm