Trong vòng 5 ngày sau Tết Đinh Dậu, Quảng Ngãi xảy ra liên tiếp bốn vụ nhảy cầu và nhảy lầu bệnh viện tự tử khiến người dân địa phương bàng hoàng, lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, nhìn nhận trầm cảm là lý do phổ biến nhất dẫn đến tự sát vì khiến bệnh nhân đau khổ và dằn vặt, cảm thấy mình không còn ý nghĩa sống.
Sáng 8/2, ba bệnh nhân nhảy lầu tự tử ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, trong đó có 2 người chết và một người được ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Minh Hoàng. |
Thông thường người bị trầm cảm chịu đựng âm thầm rồi lên kế hoạch tự sát mà không để cho ai biết. Quyết định của họ thường xảy ra trong hoàn cảnh mắc một chứng bệnh nan y mà không có hy vọng sống sót.
Trường hợp của ông Lê Văn Thanh (78 tuổi, ngụ tại TP Quảng Ngãi) mắc bệnh ung thư phổi di căn qua gan, nhảy từ lầu 7, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tự tử sáng 8/2 là ví dụ đau lòng. Gia cảnh nghèo không có tiền chữa bệnh, tuổi già sống trong cô độc nên ông đã tìm đến cái chết để giải thoát đời mình.
Theo bác sĩ Vũ, trường hợp của ông Thanh rất cần cộng đồng, người thân gia đình quan tâm, chăm sóc đặc biệt giúp bệnh nhân thoát cảnh cô đơn bệnh tật, tuổi già. Cách hiệu quả nhất để bảo vệ người thân thoát khỏi hành vi tự tử là chủ động gần gũi trò chuyện, kịp thời động viên, chia sẻ nhằm giải tỏa tâm lý để dần thoát ra tình trạng trầm cảm.
Tỷ lệ tự sát ở người mắc bệnh trầm cảm là rất cao. Hành động này thường xảy ra khi người bệnh lâm vào trạng thái tuyệt vọng và cảm thấy chết là cách giải quyết khủng hoảng duy nhất. Người thân cần hiểu rằng khi nghĩ đến tự tử, họ đang tuyệt vọng cô độc cần được giúp đỡ hơn bao giờ hết. Vì thế việc nhận ra những thông điệp đó và can thiệp kịp thời là yếu tố quan trọng.
Ông Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện 103 (Hà Nội), cho biết có nhiều yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân ung thư, trong đó trầm cảm là yếu tố hàng đầu. Những biểu hiện trầm cảm chiếm khoảng 85% số bệnh nhân ung thư.
Theo bác sĩ, giải pháp hữu hiệu nhất chữa trị bệnh trầm cảm rất cần sự hỗ trợ của người thân. Ngoài việc nhắc nhở bệnh nhân dùng thuốc hàng ngày, gia đình cần thấu hiểu nỗi đau của họ và có những việc làm thiết thực để nâng đỡ họ sống lạc quan, sinh hoạt lành mạnh.
Người thân phải theo dõi những thay đổi trong hành vi, thái độ và lối sống (ăn, ngủ, vận động) của bệnh nhân và nhờ chuyên gia y khoa, tâm lý can thiệp ngay khi phát hiện điều gì bất thường nhằm ngăn chặn ý định tự tử. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được điều trị bằng hình thức đối thoại sẽ giúp họ nhận ra nguyên nhân trầm cảm và hợp tác tốt hơn khi có yêu cầu điều trị.