Gần đây, anh Phạm Nguyễn Sơn Tùng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM - HCMUS) rất vui mỗi khi nhận được lời nhắn: "Thầy ơi, con có tin vui ạ!".
"Đến nay, 4 học viên của tôi nhận được lời mời từ các công ty công nghệ lớn. Cụ thể, một bạn nữ du học Mỹ năm 2 trúng tuyển thực tập tại Microsoft, bạn nữ sinh khác được mời làm fulltime cho Twitter.
Một bạn nam đã tốt nghiệp ĐH trúng tuyển nhân viên Google. Bạn nam sinh viên năm 3 còn lại nhận 2 thư mời thực tập từ Facebook và Google. Tôi hy vọng đợt offer của Amazon tới đây sẽ có thêm học viên trúng tuyển", giảng viên trẻ chia sẻ với Zing.vn.
Giảng viên này cũng cho biết theo quy định của Facebook, Google, anh chưa muốn công khai thông tin chi tiết về 4 học trò trúng tuyển vào những "ông lớn công nghệ".
Mở trung tâm dạy thuật toán ở Việt Nam
Phạm Nguyễn Sơn Tùng tự nhận là “thầy giáo làng” bởi bản thân không chọn con đường du học. Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), 8X được giữ lại trường công tác.
Năm 2015, anh cùng nhóm sinh viên thực hiện đề tài về xe bus, nhận giải nhì cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2015. Anh còn có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thuật toán.
Anh Phạm Nguyễn Sơn Tùng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thuật toán. |
Sau nhiều năm dẫn sinh viên của đội tuyển HCMUS tham gia cuộc thi lập trình quốc tế danh giá ACM-ICPC, Sơn Tùng nhận thấy các “ông lớn công nghệ” như Facebook, Google khá quan tâm tới sân chơi này. Họ sẵn sàng dành suất thực tập, nhân viên cho sinh viên xuất sắc.
"Cách đây 2 năm, trong số 6 bạn trong đội tuyển của tôi, 5 bạn nhận lời mời làm việc tại Google, một bạn tại Facebook. Từ đó, tôi nghĩ nếu mình chỉ huấn luyện các bạn trong đội tuyển thì ít người biết tới và không nhiều cơ hội tiếp cận với thuật toán, như thế rất phí", giảng viên 32 tuổi chia sẻ.
Thời sinh viên, 8X cũng tham gia nhiều cuộc thi thuật toán nhưng chưa nhận ra tầm quan trọng của lĩnh vực này. Hơn nữa, chàng trai không có người hướng dẫn. Khi ấy anh luôn tự hỏi: "Muốn ra nước ngoài làm việc phải học gì?", nhưng bản thân không biết câu trả lời.
"Sau này có dịp ra nước ngoài nhiều, tôi mới nhận thấy phỏng vấn thực tập sinh hay toàn thời gian cho vị trí kỹ sư phần mềm tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Amazon luôn đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức thuật toán nhất định.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của mình không phải là ra nước ngoài trải nghiệm nữa mà sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ" giảng viên này chia sẻ.
Sơn Tùng dẫn đội tuyển lập trình của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia cuộc thi Asia Jakarta Regional Contest 2015. |
Sơn Tùng bàn bạc với hai người bạn là Ngô Chí Đức (CEO và Founder công ty công nghệ First Round) và Nguyễn Thành Nhân (cựu kỹ sư phần mềm của Google) việc mở trung tâm dạy thuật toán cho nhiều bạn học. Nghĩ là làm, 3 người chuẩn bị trong vòng một năm, rồi chính thức mở trung tâm từ đầu năm nay.
Đọc hơn 5.000 bài thuật toán để xây dựng bài giảng
Sau 11 tháng đi vào hoạt động, Big-O Coding đến nay đã mở 6 khóa học, mỗi khóa nhận 20 học viên và kéo dài trong 2,5 tháng. Sơn Tùng là giảng viên đứng lớp chính dạy thuật toán, một đồng nghiệp ở ĐH Khoa học Tự nhiên của 8X dạy lớp lập trình cơ bản.
Thành Nhân đảm nhận vai trò cố vấn khoa học cho kiến thức được giảng dạy và phụ trách chuẩn đầu ra. Ngô Chí Đức là người lên chiến lược cho chương trình dạy học, hướng dẫn học viên các kỹ năng như phỏng vấn.
Học viên của trung tâm là học sinh cấp 3, sinh viên, người đã đi làm có điểm chung học về công nghệ thông tin và đam mê lập trình.
"Chúng tôi dạy những người học lập trình còn yếu hoặc không giữ nền tảng được học lại và học thuật toán cho thật chắc. Thứ hai, với những học viên giỏi có kỳ vọng được làm việc trong công ty nước ngoài, chúng tôi sẽ hướng dẫn, giới thiệu thực tập. Các bạn muốn phát triển kỹ năng, thăng tiến trong nghề nghiệp, chúng tôi có thể giúp phần nào", nam giảng viên nói.
Mỗi khóa học kéo dài 2,5 tháng với giảng viên đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thuật toán. |
Sơn Tùng chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình vận hành trung tâm là xây dựng bài giảng từ đầu. Anh nhờ bạn bè, đồng nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực thuật toán góp ý, tư vấn bởi không có tài liệu nào chi tiết ở Việt Nam.
8X đọc rất nhiều sách, xem bài giảng về thuật toán bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên mạng để tìm kiếm tài liệu. Sau đó, anh cô đọng lại kiến thức để mọi người có thể dễ dàng hiểu được.
"Tôi đã đọc hơn 5.000 bài thuật toán, rồi cùng đội ngũ trợ giảng phân loại theo từng cấp độ. Điều này giúp học viên từ không biết gì về thuật toán, đi theo từng bước đến khi nắm được rồi có thể tự học tập, trau dồi kiến thức của mình. Xây dựng bài giảng thật sự rất khó", Sơn Tùng chia sẻ.
Khó khăn nữa với thầy giáo Sài Gòn là nhiều bạn chưa hiểu tầm quan trọng của thuật toán. Để thuyết phục mọi người, anh phải cho họ cơ sở để tin rằng học thuật toán giúp phát triển tư duy.
Bình thường một người nhìn bài toán chỉ thấy một cách giải, sau khi học thuật toán, họ sẽ có 3-4 cách giải khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người ngờ vực, nghĩ điều đó là không thể bởi họ học đã học rất nhiều rồi.
"Có học viên của tôi lương tháng lên tới 2.000-3.000 USD, trình độ thuộc hàng giỏi trong công ty và không nghĩ phải học thêm gì nữa. Nhưng khi vào lớp, bạn đó giống như người mới bắt đầu học lập trình, đưa bài đơn giản cũng không giải được. Cái khó là khiến mọi người hiểu được rằng nền móng của lập trình là thuật toán. Khi nền vững rồi, họ rất dễ phát triển", 8X cho biết.
Cựu kỹ sư phần mềm tại Google - Nguyễn Thành Nhân - là cố vấn khoa học cho chương trình giảng dạy của trung tâm. 8X hiện làm việc tại công ty Walmart (Mỹ). Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Trong số học viên của mình, anh Sơn Tùng ấn tượng nhất với cô gái vừa nhận được lời mời thực tập từ Microsoft. Nữ sinh học ĐH Ngoại thương TP.HCM được một năm thì du học Mỹ.
Hè vừa rồi, cô về Việt Nam chơi và tình cờ biết về Big-O Coding qua đăng bài trên Facebook. Sau 2,5 tháng, nữ du học sinh đã đạt kết quả tốt.
Còn chàng trai được cả Google và Facebook nhận thực tập mùa hè năm sau là sinh viên năm 3 của ĐH Drexel, Mỹ. Dù có nền tảng tốt, cậu vẫn học tập rất nghiêm túc trong gần 7 tháng.
Phạm Nguyễn Sơn Tùng thẳng thắn chia sẻ trung tâm của mình chưa được nhiều người biết tới. 8X muốn trước mắt tập trung xây dựng cốt lõi công ty cho thật tốt.
Bên cạnh đó, anh cũng đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng trợ giảng - đội ngũ được giao nhiệm vụ theo sát từng học viên để nắm tình hình học tập, nếu yếu sẽ được tư vấn thêm.
"Kỳ vọng lớn nhất của tôi là đào tạo thêm nhiều học viên được thực tập, làm toàn thời gian ở nước ngoài. Bên cạnh đó, họ sẽ áp dụng thuật toán để start up công ty hay phát triển ứng dụng, nâng cao trình độ", nam giảng viên chia sẻ.
Thành tích và kinh nghiệm của giảng viên Phạm Nguyễn Sơn Tùng:
- 5 năm là HLV trưởng đội tuyển ACM-ICPC của HCMUS.
- 2 lần là HLV đại diện Việt Nam tham dự VCK cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICPC 2014 (Yekaterinburg, Nga) và ACM-ICPC 2016 (Phuket, Thái Lan).
- Hơn 15 Giải thưởng về Programming Contest Asia Regionals.
- Huấn luyện đội tuyển Robotics HCMUS vào chung kết thế giới cuộc thi World Robot Olympiad 2015.
- Giải nhì cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2015.
- Tác giả 2 bài báo nghiên cứu khoa học về thuật toán tại Hội nghị quốc tế 2010 và 2014.