Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9,7 điểm/môn vẫn trượt sư phạm, hiệu trưởng nói 'bình thường'

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, tuyển sinh đại học là chọn từ cao xuống thấp để tìm ra những người đủ năng lực theo các tiêu chí và yêu cầu của trường.

Nhóm ngành sư phạm ghi nhận mức điểm chuẩn cao. Ảnh: Phương Lâm.

Năm 2024, nhóm ngành sư phạm ghi nhận mức điểm chuẩn cao kỷ lục. Nhiều ngành có mức điểm chuẩn lên đến hơn 9 điểm/môn, xét theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Điểm chuẩn Sư phạm lên ngôi

Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận mức điểm chuẩn kỷ lục, kể từ năm 2015. Theo đó, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy điểm chuẩn 29,3 điểm cho tổ hợp 3 môn. Hiện tại, đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc.

Cũng ở mốc trên 29 điểm còn có Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm. Nếu tính từ mốc điểm chuẩn 28, Sư phạm Hà Nội còn có thêm các ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,83 điểm), Giáo dục chính trị (28,83 điểm), Giáo dục công dân (28,6 điểm), Giáo dục quốc phòng và an ninh (28,26 điểm).

Như vậy, trường có 7 ngành lấy điểm chuẩn ở mức rất cao, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt tối thiểu 9,42 điểm/môn mới đỗ. Ngành cao nhất phải đạt trung bình gần 9,8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Không riêng Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn vào các trường đào tạo giáo viên cũng ở mức cao.

Tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2, điểm chuẩn cao nhất ở mức 28,83 điểm, cũng thuộc về 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử. Ngành mới mở là Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng lấy mức điểm chuẩn sát nút là 28,42 điểm.

Tương tự, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo ngành Giáo dục tiểu học lấy điểm chuẩn 28,89 điểm. Theo sau là các ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, có chung mức điểm chuẩn là 28,76.

Nhóm ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên (5 ngành) lấy điểm chuẩn 26,58.

Tại Đại học Sư phạm, Đại học Huế, ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất là 28,3 điểm. Giữ vị trí thứ 2 là Sư phạm Vật lý (đào tạo bằng tiếng Anh) với 28,2 điểm.

Hàng loạt ngành lấy điểm chuẩn từ 27 trở lên như Giáo dục tiểu học (27,75 điểm), Giáo dục công dân 27,3 (điểm), Giáo dục chính trị lấy (27,05 điểm), Sư phạm Hóa học (đào tạo bằng tiếng Anh, 28 điểm), Sư phạm Địa lý (28,05 điểm).

Ngành Sư phạm cũng dẫn đầu các trường đào tạo đa ngành như Đại học Vinh, Đại học Cần Thơ với mức điểm chuẩn trên 28.

diem chuan Su pham tang anh 1

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: MOET.

Trường đại học nói gì?

Trao đổi với Tri Thức - Znews bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/8, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá điểm chuẩn năm nay ở các trường khối sư phạm đều tăng, không riêng Sư phạm Hà Nội.

Một phần lý do đến chính sách miễn học phí và sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành Sư phạm đã thu hút nhiều thí sinh.

Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn nhất là số thí sinh đăng ký vào sư phạm năm nay tăng vọt, nhưng chỉ tiêu có hạn, do đó chỉ thí sinh top trên mới đủ điểm vào. Ông Sơn đánh giá đây là dấu hiệu tích cực.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm này tăng 85% so với năm ngoái. Ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Hà Nội 2, mức tăng khoảng gấp đôi.

"Riêng Sư phạm Hà Nội có sự khác biệt là có cơ chế tuyển học sinh giỏi quốc gia. Năm vừa rồi, nhà trường tuyển hơn 300 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có cả khối xã hội, do đó việc cạnh tranh ở các phương thức khác cao hơn", ông Sơn cho biết.

Về việc thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn vẫn trượt Sư phạm, ông Sơn cho rằng nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với năm khác thì "có vẻ điểm năm nay cao quá".

Song, đây là tuyển sinh đại học, tức là chọn từ trên xuống dưới để tìm ra những người đủ năng lực theo các tiêu chí và yêu cầu của trường.

"Nhiều người tốp trên thì người tốp dưới mất cơ hội, đấy là quy tắc của việc xét tuyển", ông nói.

Ông Sơn chia sẻ với tâm trạng của phụ huynh và những thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên mà vẫn trượt ngành yêu thích, song cho rằng với mức này, thí sinh có thể đỗ được nhiều nguyện vọng khác.

"Hiện, các em được đăng ký rất nhiều nguyện vọng, nếu không đỗ ngành yêu thích, các em vẫn sẽ đỗ ngành khác. Đây là chuyện bình thường trong cuộc sống, vì không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ một mình. Chúng ta có thể giỏi nhưng còn có những người khác giỏi hơn", hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận.

Trong khi đó, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng bộ cần có phân tích kỹ mới đánh giá được về điểm chuẩn năm nay. Tuy nhiên nhìn chung, việc xét tuyển hiện nay thuận lợi, minh bạch, nên những trường đào tạo tốt, những ngành học có nhu cầu nhân lực cao, các em sẽ tập trung lựa chọn nhiều.

Trên bình diện cả nước hoặc một khu vực nào đó, một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng thí sinh tập trung lớn, khiến điểm chuẩn bị đẩy lên cao.

Về việc điểm chuẩn khối C00 năm nay tăng cao, Thứ trưởng Sơn cho biết điều này đã được dự báo ngay từ đầu, khi bộ so sánh phổ điểm hai năm cho thấy phổ điểm nhích lên.

Thứ trưởng GD&ĐT nhìn nhận điểm chuẩn khối Sư phạm cao là tín hiệu đáng mừng bởi ngành này thu hút được thí sinh, điểm chuẩn cao cũng sẽ đẩy chất lượng lên. Ông Sơn cho biết thêm tổng chỉ tiêu các ngành Sư phạm năm nay của cả nước thấp hơn năm trước.

"Chỉ tiêu thấp hơn một chút thôi cũng đủ khiến điểm chuẩn cao lên do mức cạnh tranh cao hơn", ông Sơn nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên

Bộ GD&ĐT nhận định tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm