9 bộ phận cơ thể tưởng vô dụng lại có chức năng thú vị
Thứ hai, 29/4/2019 06:24 (GMT+7)
06:24 29/4/2019
Nhiều người nghĩ rằng ruột thừa, nhân trung, mí mắt thứ 3 không có vai trò gì đối với cơ thể. Thực tế, chúng lại có chức năng rất thú vị.
Ruột thừa: Theo This Is Insider, đây là một đoạn ruột nhỏ bị bịt kín, nối với manh tràng (đoạn đầu của ruột già). Ruột thừa không có vai trò gì, trong khi các đoạn ruột bình thường khác là để luân chuyển thức ăn. Thậm chí, nó còn dễ bị viêm nhiễm nguy hiểm, dẫn đến tử vong. Tuy vậy, một số nghiên cứu gần đây lại cho rằng ruột thừa đóng vai trò nhất định trong hệ thống miễn dịch của con người bằng cách chứa các vi khuẩn tốt giúp chống lại nhiễm trùng.
Lỗ kỳ lạ trên tai: Đây là khuyết tật bẩm sinh hiếm gặp, chỉ 2% dân số thế giới có nó. Cái lỗ này được gọi là rò luân nhĩ (preauricular sinus), do Van Heusinger ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1864. Mục đích tồn tại của cái lỗ này chưa có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, nhà cổ sinh vật học tiến hóa Neil Shubin thuộc Đại học Chicago (Mỹ) cho rằng đây có thể là dấu hiệu còn sót lại của mang cá. Điều đó cho thấy con người thực sự đã tiến hóa từ một loài thuỷ sinh.
Hiện tượng tay nhăn nheo: Nếu ngâm nước quá lâu, bạn sẽ thấy ngón tay và ngón chân bắt đầu nhăn lại. Các nhà khoa học đã thực hiện một số thí nghiệm và phát hiện việc để ngón tay nhăn nheo sẽ giúp con người dễ dàng cầm nắm vật dụng dưới nước hơn.
ADN "rác": Cơ thể con người có đến vài tỷ ADN, nhưng phần lớn trong số đó dường như chẳng có tác dụng gì. Chúng được gọi là các ADN rác. Chúng không tạo ra protein, thậm chí còn dễ khiến cơ thể chịu tổn thương và bị bệnh. Theo một nghiên cứu gần đây, thực tế ADN "rác" có vai trò quan trọng, đó là cố định các đoạn gen với nhau trong cơ thể. Nhờ đó, các nhiễm sắc thể được giữ bên trong nhân tế bào một cách chuẩn xác.
Phần màu hồng trong mắt: Nếu nhìn kỹ vào gương, bạn sẽ thấy một chút mô hồng cầu ở khóe mắt. Nó thường được gọi là mí mắt thứ 3, có chứa các tế bào giúp con người chảy nước mắt. Vì vậy, chức năng của nó thường được xem là để bảo vệ mắt, duy trì độ ẩm cho nhãn cầu. Ảnh: Brightside.
Chỗ giữa hai lông mày: Khu vực này được gọi là glabella. Đây là bộ phận quan trọng giúp bạn dễ dàng kiểm tra phản xạ của mình bất cứ lúc nào. Hãy gõ ngón tay của bạn vài lần lên vị trí này. Nếu phản xạ của bạn tốt, bạn sẽ thấy thấy mắt hơi căng và nhấp nháy.
Amiđan: Theo Bright Side, cục hạch tưởng chừng như thừa thãi trong cổ họng của chúng ta thật ra lại đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn vi khuẩn và virus hô hấp xâm nhập vào cơ thể. Khi bị viêm amiđan, giải pháp được đưa ra là cắt bỏ nó. Tuy nhiên, sau đó nguy cơ bị viêm nhiễm của con người cũng tăng cao.
Biểu bì quanh móng tay: Nhiều người có thói quen cắt bỏ lớp da bao quanh móng tay. Nhưng đây lại là điều sai lầm. Lớp biểu bì này có chức năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhậm vào cơ thể. Vì vậy, cắt gọt hết chúng đi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây nhiễm vào người. Thậm chí, việc rửa tay lúc này không còn tác dụng gì.
Nhân trung: Bác sĩ có thể dựa vào hình dáng của nhân trung để nhận định sức khỏe của một em bé đang nằm trong bụng mẹ. Đôi khi, nhân trung có hình dạng khác thường có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ, hở hàm ếch, hoặc một số căn bệnh khác.
Magiê là dưỡng chất quan trọng cho nhiều cơ chế hoạt động trong cơ thể. Đó là lý do bạn nên chú ý và phát hiện sớm nếu bị thiếu hụt dưỡng chất này để bổ sung kịp thời.