Nếu bạn ở vùng thuộc khí hậu có mùa đông lạnh giá thì nên chú ý những điểm làm đẹp được cho là có hại đến nhan sắc dưới đây:
1. Tắm nước nóng lâu
Thật khó để bước ra khỏi phòng tắm nghi ngút hơi nước ấm áp trong những ngày giá rét. Nhưng sau 15 phút thì tất cả chỗ hơi nước đó sẽ bắt đầu làm hao mòn dần lớp lipid của da. Lớp lipid này bao gồm rất nhiều axit béo phức hợp có tác dụng giữ gìn, duy trì độ ẩm quý giá cho làn da. Vì thế bạn hãy tắm nước đủ ấm và nên tắm nhanh.
2. Bỏ quên mỹ phẩm thấm dầu
Bạn đừng nghĩ rằng mùa hè mới cần dùng mỹ phẩm thấm dầu, da có thể ra dầu cả mùa đông. Mỹ phẩm thấm dầu cũng sẽ không làm da bị khô nên bạn đừng lo lắng. Các hạt xốp thấm dầu trong mỹ phẩm sẽ giúp da bạn thoáng hơn, hạn chế nổi mụn cho cả mùa đông và mùa hè.
3. Sấy tóc không đúng kiểu
Bạn đừng sấy tóc lâu và đặt sát máy sấy vào tóc bởi mùa đông tóc rất dễ bị khô và chẻ ngọn. Sấy tóc không đúng kiểu sẽ làm hỏng tóc nhanh hơn bạn tưởng rất nhiều.
4. Dùng sai sữa rửa mặt
Vì bọt xà bông còn gây khô hại cho lớp “hàng rào” lipid của da khủng khiếp hơn cả nước nóng, nên bạn tuyệt đối hãy tránh xa các loại sữa rửa mặt gốc xà bông. Bác sĩ da liễu Leslie Baumann cho hay, vào mùa đông, độ ẩm trong không khí gần như rất ít nên chúng ta cần một loại sữa rửa càng ít tạo bọt càng tốt.
5. Thoa kem nền lên da bong nẻ
Nếu da bạn bị nẻ thành những vảy trắng, bong tróc thì tuyệt đối không nên dùng kem nền, vì chúng chỉ càng làm lộ rõ vấn đề da mà bạn đang mắc phải thôi.
Để da dẻ luôn mịn màng, bạn nên tẩy da chết thường xuyên với sản phẩm dạng hạt và đổi sang một loại kem dưỡng ban đêm nhiều ẩm. Tiếp đó bạn nên chọn một loại kem nền dưỡng ẩm với lớp phủ sương hoặc sa-tanh (thay vì dạng mờ, lì) để tránh bị hiện tượng mốc mặt. Một lựa chọn cũng rất tuyệt khác là dùng kem dưỡng ẩm có màu. Những sản phẩm này sẽ tạo cho bạn lớp nền da đồng đều và không bị dày quá hay đóng bánh cứng nhắc.
6. Dùng sai son dưỡng môi
Vào mùa đông, hầu như chị em nào cũng gặp tình trạng môi khô nẻ hơn bình thường. Nhưng không phải mọi loại son dưỡng đều được tạo ra giống nhau, do vậy, việc chọn đúng được loại son phù hợp, hiệu quả là vô cùng quan trọng. Bạn nên chọn loại hơi dinh dính, sền sệt thay vì các loại sáp cứng, để các thành phần dưỡng ẩm sẽ thẩm thấu tốt hơn vào các vết nứt nẻ trên môi. Bạn cũng nên tránh dùng các loại son có chứa thành phần lanolin, đặc biệt nếu bạn bị bệnh vẩy nên hoặc sở hữu làn da nhạy cảm. Ngoài ra, nước hoa cũng là chất dị ứng làn da số một, nên bạn cần tránh mua các loại son có mùi quá đậm đặc hay có vị ngọt lừ như kẹo.
7. Không thoa kem chống nắng
Chuyên gia da liễu Ariel Ostad cho biết: “Trong mùa đông, các tia tử ngoại mặt trời vẫn tiếp tục hoạt động, và da bạn vẫn phải tiếp tục hấp thụ chúng và dần dần bị phá hủy theo thời gian”.
Để giúp việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời đơn giản hơn, bạn hãy chọn một loại kem dưỡng ẩm ban ngày có chứa thành phần chống nắng phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB) với chỉ số SPF ít nhất là 30.
8. Lãng quên đôi tay
Ngoài việc tránh được buốt giá khi giặt rửa, việc đeo găng tay còn có một công dụng tuyệt vời nữa, đó là giúp móng tay không bị nứt, hay bong tróc.
Vì các loại xà phòng rửa tay chống khuẩn có thể gây khô da, bạn hãy chọn loại sửa rửa dạng kem nhẹ, rửa sạch với nước hơi ấm và thoa kem dưỡng tay thường xuyên. Mỗi tuần, bạn nên chà dầu dưỡng tế bào biểu bì quanh móng để giữ cho chúng ẩm.
9. Để bàn chân nứt nẻ
Đôi bàn chân thô nhám sẽ chỉ làm bạn thêm mất điểm trong mắt người bạn đời. Tốt nhất bạn nên duy trì làm móng khoảng 6 tuần một lần và cố gắng thực hiện liệu pháp làm mềm da chân sau đây hàng tuần: Ngâm chân vào nước ấm có chút xà bông trong khoảng 15 phút, sau đó lấy đá kì đánh nhẹ lòng bàn chân. Để bàn chân mềm, hết nứt nẻ, bạn thoa nhiều thuốc mỡ lên gót và bàn chân, rồi mang vớ cotton vào và đi ngủ. Sáng hôm sau thức dậy bạn sẽ cảm thấy ngay sự khác biệt kì diệu.