Bạn đã dành nhiều thời gian và công sức để dọn dẹp căn nhà của mình, song vẫn cảm thấy còn điều gì đó chưa vừa ý. Đó có thể là vài vị trí bị bỏ sót, nhỏ và khó nhận ra, nhưng vẫn có thể khiến không gian không sạch đẹp như bạn mong đợi.
Dưới đây, Bright Side tổng hợp 9 chi tiết bạn cần chú ý trong quá trình dọn dẹp nơi ở của mình.
Các vết nứt trên sàn nhà
..............................................................
Sau thời gian dài sử dụng, sàn nhà của bạn rất có thể xuất hiện những vết nứt, vỡ hoặc gãy. Tất nhiên, việc sửa sàn nhà không thể tiến hành trong một sớm một chiều. Những vết nứt dưới sàn trở thành nơi tích tụ bụi bẩn, nước...
Để tạm xử lý những vết nứt này, bạn có thể "giấu" chúng dưới một tấm thảm. Ngoài việc khiến không gian thêm sinh động, thảm còn giúp che chắn bụi bẩn cho sàn, tránh cho khu vực đó bị hư hỏng nặng hơn.
Những vết bẩn li ti trên bếp
..............................................................
Phòng bếp là một trong những khu vực cần được vệ sinh kỹ lưỡng. Bạn có thể dễ dàng vứt bỏ thức ăn thừa và rác thải, nhưng rất khó lau chùi bụi bẩn và dầu cháy bám lâu ngày trên bếp.
Muốn làm sạch những vết bẩn cứng đầu, bạn có thể pha giấm và baking soda theo tỉ lệ 1:2 và thoa lên bề mặt bếp. Sau đó, để hỗn hợp ngấm trong khoảng 10-15 phút trước khi dùng khăn lau sạch nó.
Bụi tích tụ trong công tắc và ổ cắm
.............................................................
Bụi bẩn có thể tích tụ ở những nơi bạn không chú ý đến, như trong công tắc và ổ cắm.
Ngoài ra, ổ điện đôi khi cũng bị bám bẩn do sự hao mòn tự nhiên của vật liệu.
Một mẹo đơn giản là bạn hãy phủ một lớp sơn bóng lên ổ điện. Còn nếu ổ điện đã quá cũ, bạn nên thay cái mới.
Tường bị ố, nứt, hư hỏng
..............................................................
Với các căn nhà cũ, tường có thể bị bong tróc nham nhở, giấy dán tường bị rách hay lớp sơn bị mờ.
Nếu chưa có điều kiện để sửa lại toàn bộ bề mặt tường, bạn có thể sử dụng cây cối để che đi phần hư hỏng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, giúp cho phần tường hỏng không quá mất thẩm mỹ.
Vùng thảm chưa được làm sạch kỹ
.............................................................
Thảm trải sàn hoặc đệm ghế sofa thường có một góc sậm màu hơn phần còn lại.
Đó có thể là do vết bẩn từ thú cưng, hoặc do bạn làm đổ thức ăn, đồ uống mà chưa làm sạch kỹ.
Để làm sạch sâu vị trí này, bạn có thể dùng phương pháp giặt bằng nước ấm hoặc giặt khô.
Cửa kính mờ, bẩn
...........................................................
Cửa sổ, gương sẽ nhanh chóng bị mờ, bẩn hơn nếu bạn không làm sạch đúng cách.
Khi vệ sinh những bề mặt kính, bạn hãy dùng sản phẩm tẩy rửa phù hợp, lau cả trong lẫn ngoài và cuối cùng là dùng khăn khô lau lại toàn bộ.
Chất đống bát đĩa
.............................................................
Dù cho bát đĩa sạch hay bẩn, việc chất đống chúng trên kệ khiến tổng thể trông khá lộn xộn. Bởi vậy, bạn nên dành thêm thời gian xếp bát đĩa vào tủ sau khi lau khô.
Việc trưng bày bát đĩa trên kệ mở cũng khiến cho chúng dễ tích tụ bụi bẩn hơn. Như vậy, bạn sẽ tốn thêm thời gian, công sức để có thể làm sạch toàn bộ.
Đồ trang trí lộn xộn
.............................................................
Nếu có quá nhiều đồ trang trí, bạn sẽ khó lòng giữ cho căn phòng luôn gọn gàng, ngăn nắp.
Trong trường hợp này, bạn nên đặt thêm các loại tủ sách, kệ mở gắn tường, kệ để bàn...
Điều này không chỉ giải phóng không gian sàn mà còn giúp việc dọn dẹp, vệ sinh và bảo quản các đồ trang trí dễ dàng hơn.
Vết nước khô trên bồn rửa
..............................................................
Khi dọn phòng tắm, chúng ta thường không làm sạch những vệt nước hoặc xà phòng ngay lập tức. Bởi vậy, bạn hãy nhớ lau thật khô các vệt nước còn đọng lại trên bồn rửa.
Ngoài ra, bạn cần chọn sản phẩm tẩy rửa thích hợp cho bề mặt kim loại và các chất liệu khác để duy trì độ sáng bóng. Điều này về lâu dài sẽ ngăn ngừa gỉ sét xuất hiện trên các bộ phận làm bằng kim loại.