Invasion of the Body Snatchers (1978)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết kinh điển của Jack Finney, câu chuyện về sinh vật lạ “người kén” bí mật thay thế con người bằng những bản sao vô cảm là một trong những kịch bản khoa học viễn tưởng tiêu biểu nhất mọi thời đại. Bản gốc của bộ phim do Don Siegel thực hiện, ra mắt vào năm 1956.
Dù ban đầu bị giới phê bình phớt lờ, nhưng phiên bản Invasion of the Body Snatchers của thập niên 1950 sau đó vẫn được xếp vào hạng kinh điển trong thể loại giả tưởng. Thế nên, áp lực đặt lên vai đạo diễn Philip Kaufman khá nặng nề khi ông quyết định làm lại bộ phim vào năm 1978. Thật may mắn, công tác tuyển chọn diễn viên và cách tiếp cận mới mẻ giúp phiên bản phim của Kaufman có chỗ đứng riêng và thậm chí còn được nhiều người yêu mến hơn cả bản gốc.
The Thing (1982)
Đạo diễn bậc thầy John Carpenter luôn có một niềm đam mê đặc biệt đối với tác phẩm khoa học giả tưởng kinh điển The Thing from Another World của Howard Hawks. Thế nên khán giả không lấy làm ngạc nhiên khi ông quyết định làm lại nó với tựa đề đơn giản là The Thing.
Phát triển từ diễn biến của bản gốc, The Thing kể câu chuyện về đội ngũ nhà nghiên cứu ở một căn cứ tại Nam Cực bỗng nhiên bị bao vây bởi loại sinh vật ký sinh ngoài hành tinh có khả năng tiêu hóa và đội lốt vật chủ. Bộ phim là một tuyệt tác nhờ không khí căng thẳng đến từ sự chỉ đạo tài ba của John Carpenter và hiệu ứng của Rob Bottin mà cho tới giờ vẫn hiếm tác phẩm nào vượt qua được. Dù thành tích khi ra mắt không mấy khả quan nhưng trải qua năm tháng, The Thing trở thành một tượng đài trong dòng phim kinh dị.
The Fly (1986)
The Fly phiên bản gốc ra mắt năm 1958, nhưng tới nay thì hầu như chẳng còn ai nhớ tới nó. Lý do không phải vì bộ phim này dở, mà bởi phiên bản làm lại năm 1986 của David Cronenberg quá xuất sắc và là tác phẩm để đời của vị đạo diễn nổi tiếng này.
Kịch bản phim xoay quanh nhà bác học điên, vô tình biến bản thân thành ruồi khổng lồ trong quá trình thực hiện thí nghiệm dịch chuyển tức thời, tức là vẫn giống như phiên bản gốc. Nhưng David Cronenberg khéo léo lồng thêm vào đó một câu chuyện tình đầy bi kịch để lôi kéo người xem, đồng thời thêm thắt nhiều khoảnh khắc kinh dị khiến khán giả run sợ. Được hỗ trợ bởi đội ngũ hóa trang và hiệu ứng xuất sắc, cùng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên và kết thúc bất ngờ khiến khán giả phải suy nghĩ, The Fly phiên bản năm 1986 không những tiến bộ hơn trước mà còn được liệt vào danh sách một trong số các bộ phim kinh dị xuất sắc nhất mọi thời đại.
Cape Fear (1991)
Cả hai phiên bản cũ và mới của Cape Fear đều xoay quanh Max Cady - kẻ bị kết án hiếp dâm và khi ra tù đã ra tay hãm hại gia đình vị luật sư từng giúp đỡ hắn. Vào thời điểm Martin Scorsese bắt tay vào thực hiện lại phiên bản mới của bộ phim, sự cởi mở trong tâm lý các nhà kiểm duyệt cho phép đạo diễn này tập trung miêu tả tính cách Cady theo hướng phức tạp và đen tối hơn rất nhiều so với bản phim năm 1962.
Dù là một phim làm lại nhưng Cape Fear bản 1991 nhận được hai đề cử Oscar về diễn xuất cho Robert De Niro và Juliette Lewis nhờ màn trình diễn đột phá của hai người. Những cảnh quay đi trái với quan niệm đạo đức giữa hai người diễn viên trên màn ảnh khiến nhiều khán giả phải giật mình. Đây là điều mà bản phim gốc không thể làm được tại thời điểm thập niên 1960.
The Ring (2002)
Bộ phim Ringu của đạo diễn Hideo Nakata năm 1998 kể chuyện một nữ phóng viên đi điều tra những cái chết thảm khốc liên quan đến một cuốn băng kỳ bí khiến cho cộng đồng người hâm mộ phim kinh dị dậy sóng, đồng thời trở thành một trong số những bộ phim thành công nhất của nền điện ảnh Nhật Bản.
Điều tất yếu xảy ra sau đó là một phiên bản làm lại của Hollywood. Với sự giúp đỡ của Koji Suzuki - tác giả cuốn tiểu thuyết nguyên tác, trong vai trò biên kịch, vị đạo diễn Gore Verbinski tạo nên điều không tưởng. The Ring phiên bản Mỹ nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình và thậm chí còn bán được nhiều vé hơn cả bản gốc tại Nhật Bản.
Ringu hẳn là một tác phẩm tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn, nhưng phiên bản phim của Gore Verbinski lại trọn vẹn hơn về tổng thể. The Ring cũng tạo ra trào lưu làm lại phim kinh dị châu Á tại Hollywood ngay sau đó, nhưng cho tới giờ vẫn chẳng có phim nào làm tốt hơn tác phẩm tiên phong.
The Grudge (2004)
Sau khi Ringu của Hideo Nakata thành công vang dội và được làm lại, các tác phẩm kinh dị Nhật Bản trở thành hiện tượng toàn cầu và rơi vào tầm ngắm của nhiều nhà làm phim ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Một trong những bộ phim tiêu biểu của làn sóng này là The Grudge, được làm lại từ bộ phim nhựa Ju-on của đạo diễn Takashi Shimizu.
Công ty Ghosthouse Pictures của đạo diễn lừng danh Sam Raimi đề nghị chính Takashi Shimizu tham gia chỉ đạo sản xuất một phiên bản tiếng Anh của Ju-on. Để tạo ra sự khác biệt, vị đạo diễn người Nhật hợp tác với nhà biên kịch Stephen Susco, cho phép người cộng sự tiếp cận tác phẩm theo hướng mới lạ, với mục đích vừa giữ được tính nghệ thuật của bản gốc, vừa tập trung vào những diễn biến xen lẫn, không theo lối mòn và mạch lạc hơn.
Kết quả là khán giả được thưởng thức một The Grudge vẫn mang hơi hướm của phiên bản gốc, nhưng trau chuốt hơn nhờ những công nghệ làm phim tân tiến tại Hollywood. Dù không phải là một tác phẩm quá xuất sắc, nhưng phim cũng tạo ra được một dấu ấn đáng kể trong làn sóng làm lại phim kinh dị Nhật Bản của người Mỹ trong thập niên 2000.
The Hills Have Eyes (2006)
Phiên bản gốc của The Hills Have Eyes do đạo diễn Wes Craven thực hiện là một tác phẩm kinh điển, nhưng thời gian khiến cho những kẻ ăn thịt người độc ác và biến dạng của ông trở nên lỗi thời, không còn hù dọa được mấy ai. Thế nên, bộ phim xứng đáng có một phiên bản làm lại, và đạo diễn Alexandre Aja là người đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này.
Các phiên bản phim kinh dị hiện đại thường hay giảm bớt mức độ tàn bạo để tránh bị dán nhãn NC-17, hay thậm chí là R, nhằm thu hút được nhiều khán giả hơn. Nhưng Aja hiểu điều gì tạo nên thành công cho phiên bản phim của Craven. Vị đạo diễn người Pháp đẩy cao những phân đoạn máu me và khiến cho khán giả bị ám ảnh ngay cả khi bước chân ra khỏi phòng chiếu. Cảnh đám người đột biến tràn vào xe thùng của một gia đình trong phim tới giờ vẫn là một trong những trường đoạn đau đớn và kinh hoàng nhất từng được xuất hiện trên màn ảnh của Hollywood.
The Crazies (2010)
George A. Romero là một trong những người có công đưa các zombie vào văn hóa đại chúng bằng tác phẩm kinh điển Night of the Living Dead năm 1968. Sau đó 5 năm, vị đạo diễn tiếp tục thực hiện The Crazies, một bộ phim kể về loại bệnh lây nhiễm khiến con người trở nên điên loạn, và mô-típ người nhiễm bệnh mải miết chạy quanh tấn công người khác trở thành tiền đề cho tác phẩm kinh điển 28 Days Later của Danny Boyle 30 năm sau đó.
Khi mới ra mắt thì The Crazies lại không đạt thành công về doanh thu. Nhưng số lượng người hâm mộ bộ phim kéo dài qua thời gian, tới mức các nhà sản xuất quyết định thực hiện một phiên bản làm lại vào năm 2010. Bộ phim mới khai thác những tiềm năng mà bản gốc còn bỏ ngỏ, giúp các tình tiết trong kịch bản trở nên chặt chẽ hơn, thêm thắt nhiều tình huống căng thẳng, và dĩ nhiên là hiệu ứng kỹ xảo tân thời. Sự thành công của The Crazies phiên bản mới có công lớn của đạo diễn Breck Eisner, người đã tự đứng dậy sau thất bại thảm hại của bộ phim hài hành động Sahara năm 2005.
Evil Dead (2013)
Trước khi ra mắt, phiên bản làm lại của The Evil Dead vấp phải nhiều hoài nghi lẫn chỉ trích hơn mức đáng có. Tuy nhiên, đạo diễn Fede Alvarez vẫn mạnh dạn thực hiện lại một trong những bộ phim kinh dị đình đám nhất trong lịch sử điện ảnh đến từ Sam Raimi.
Nhà làm phim người Uruguay khiến người hâm mộ lẫn giới phê bình bất ngờ, bằng cách tạo ra một trong những bộ phim kinh dị máu me và bệnh hoạn nhất từng được phát hành. Súng bắn đinh, dao điện và máy cưa đều có mặt khi vị anh hùng mới Mia Allen chiến đấu với những thế lực ác quỷ. Không chỉ tái hiện những yếu tố cũ, Alvarez còn lồng thêm nhiều ý tưởng riêng một cách thông minh, vừa tỏ lòng kính trọng với bản gốc, vừa phát triển bộ phim hơn nữa bằng một nhân vật nữ chính với nhiều trường đoạn đáng nhớ.