Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9 thương hiệu phim chết yểu ngay sau phần một

Có không ít thương hiệu phim Hollywood được dự kiến sẽ kéo dài qua nhiều tập phim, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà buộc phải “im hơi lặng tiếng” chỉ ngay sau phần đầu.

The Nightmare before Christmas (1993): Lấy bối cảnh mùa Giáng Sinh, The Nightmare before Christmas là một tác phẩm hoạt hình kinh dị thuộc hàng kinh điển. Nhân vật Jack Skellington cũng trở thành một biểu tượng khó phai trong lịch sử điện ảnh, với hàng loạt sản phẩm thời trang, truyện tranh, và trò chơi ăn theo. Trên thực tế, hãng Disney từng ký hợp đồng với nhà sản xuất Tim Burton để tạo ra một thế giới rộng lớn dành riêng cho Jack Skellington thay vì chỉ gói gọn trong một tác phẩm. Tuy nhiên, thành công vang dội của Toy Story đến từ Pixar vào năm 1995 khiến Disney quyết định từ bỏ phong cách stop-motion và chạy theo kỹ xảo CGI tân tiến, khiến câu chuyện về Jack Skellington tới nay vẫn mới chỉ dừng lại ở một tập phim.

Van Helsing (2004): Bom tấn ma cà rồng đến từ Universal có doanh thu không tệ: 120 triệu USD tại Bắc Mỹ và 300 triệu USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo khổng lồ và việc một số rạp chiếu từ chối trình chiếu bộ phim khiến tiền lãi thực sự của Van Helsing không đáng là bao. Từng có một bộ phim hoạt hình Van Helsing: The London Assignment được phát hành, nhưng suốt một thập kỷ qua, khán giả vẫn chưa thấy Hugh Jackman trở lại với vai diễn nhân vật thợ săn ma cà rồng. Cũng từng có tin cho rằng tài tử Tom Cruise sẽ hóa thân thành Van Helsing trong một loạt phim reboot, nhưng tất cả cuối cùng vẫn mới chỉ dừng lại ở mức tin đồn.

Constantine (2005): Nhân vật thầy trừ quỷ của DC bước lên màn ảnh dưới bộ dạng mảnh khảnh và mái tóc đen tuyền của tài tử Keanu Reeves. Constantine chứa đựng đầy đủ các yếu tố của nguyên tác truyện tranh: thiên thần, ma quỷ, lễ trừ tà, các cảnh hành động đậm chất bạo lực. Tuy nhiên, doanh thu và đánh giá dành cho bộ phim chỉ nằm ở mức trung bình nên các nhà đầu tư không dám đi tiếp bước nữa. Tới năm 2014, nhân vật Constantine được DC cho tái xuất trên sóng truyền hình, do nam diễn viên Matt Ryan thể hiện. Thế nên, hình tượng người hùng một thuở của Keanu Reeves lúc này chỉ còn là dĩ vãng.

Eragon (2006): Cậu bé cưỡi rồng của nhà văn trẻ tuổi Christopher Paolini từng có cơ hội bay lượn trên khắp các phòng vé toàn cầu vào năm 2006. Tuy nhiên, bộ phim chuyển thể có nhiều hạt sạn lớn nhỏ khác nhau, như việc cốt truyện bị cắt xén quá nhiều, một số cảnh quay trông còn vẫn sơ sài, hay như hình tượng nàng rồng Saphira, tiên nữ Arya không được ấn tượng như mong đợi… Phản hồi tiêu cực từ giới phê bình và khán giả khiến 20th Century Fox từ bỏ Eragon ngay sau một tập phim và mau chóng trở lại với loạt phim “truyền kỳ” X-Men của hãng.

The Golden Compass (2007): Dự án phim có kinh phí siêu khủng dựa trên cuốn Northern Lights thuộc bộ ba tiểu thuyết His Dark Materials của David Pullman, có sự tham gia của hai ngôi sao hàng đầu là Nicole Kidman và Daniel Craig. Tuy nhiên, The Golden Compass vấp phải nhiều phản đối từ khi chưa ra mắt, bởi nội dung truyện có nhiều yếu tố gây tranh cãi về tôn giáo. Bộ phim chuyển thể buộc phải thay đổi nhiều chi tiết để tránh làn sóng chỉ trích đến từ Giáo hội Công giáo và điều này khiến đạo diễn Chris Weitz “đứng ngồi không yên”. Dù không có doanh thu thành công tại Bắc Mỹ nhưng phim vẫn đánh bại Transformers để giành được một tượng vàng Oscar cho phần kỹ xảo hình ảnh cực kỳ ấn tượng. Song, chừng đó là không đủ để hãng New Line Cinema kéo dài loạt phim. Tới năm 2011, nhà văn David Pullman cho biết sẽ không có bộ phim nào mới được thực hiện.

Inkheart (2009): Với sự tham gia của ngôi sao từ loạt phim Xác ướp Ai Cập là Brendan Fraser, cùng một cốt truyện được đánh giá cao đến từ bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Cornelia Funke người Đức, lẽ ra khán giả đã được chứng kiến một bộ ba phim hoàn chỉnh như nguyên tác gồm Inkheart, Inkspell Inkdeath. Rủi ro thay, khi lên màn bạc, Inkheart chỉ được đánh giá là một bộ phim thần thoại dành cho thiếu nhi có chất lượng trung bình và phần kỹ xảo bắt mắt. Kinh phí sản xuất của bộ phim không cao, chỉ 60 triệu USD, nhưng doanh thu toàn cầu của bộ phim thì thực sự thê thảm, chỉ là 62 triệu USD. Rốt cuộc, Inkspell Inkdeath giờ vẫn mới chỉ nằm trên các trang giấy.

The Last Airbender (2010): Được chuyển thể từ loạt phim hoạt hình Avatar: The Last Airbender của hãng Nickelodeon, bộ phim được kỳ vọng sẽ gây ấn tượng dưới bàn tay của đạo diễn phù thủy M. Night Shyamalan. Tuy nhiên, bất chấp doanh thu khá cao, The Last Airbender trở thành “trò cười” của giới phê bình và người hâm mộ kể từ ngày đầu ra mắt. Cốt truyện phim không mạch lạch, thiếu logic, các diễn viên diễn xuất cứng nhắc, còn khâu tuyển trạch diễn viên bị cho là phân biệt chủng tộc, bởi nhân vật chính Aang là người da trắng thay vì là người châu Á giống như nguyên tác. “Chiến thắng vang dội” tại lễ trao giải Mâm xôi vàng 2011 chính là dấu chấm hết dành cho loạt phim điện ảnh The Last Airbender của Shyamalan.

The A-Team (2010): Phiên bản điện ảnh của Biệt đội hạng A có chất lượng không tệ, nhưng lại không được khán giả Bắc Mỹ chào đón nồng nhiệt. Kết quả doanh thu Bắc Mỹ chỉ có vỏn vẹn 77 triệu USD ngăn những Liam Neeson, Bradley Cooper, Sharlto Copley và Quinton Jackson trở lại làm người hùng hành động. Ngoài ra, bản thân đạo diễn Joe Carnahan cũng không muốn tiếp tục thực hiện phần hai và dấn thân quá sâu vào The A-Team, bởi anh vốn bị hấp dẫn bởi những dự án phim độc lập kiểu như The Grey sau này.

Legend of the Guardians: The Owls of Ga'Hoole (2010): Đây là bộ phim hoạt hình duy nhất mà Zack Snyder đứng vai trò đạo diễn tính đến nay. Điểm ấn tượng nhất của bộ phim chính là phần kỹ xảo hình ảnh choáng ngợp với cảnh các chiến binh cú bay lượn khắp nơi trên các mảnh đất đầy màu sắc. Giới phê bình không mặn mà với các hộ vệ xứ Ga’Hoole, và doanh thu của bộ phim cũng không được như mong đợi, chỉ là 140 triệu USD trên toàn cầu. Chính vì lẽ đó, câu chuyện của tiểu thuyết Guardians of Ga'Hoole dù còn rất dài nhưng vẫn chưa thể được tiếp tục trên màn ảnh.

Hiếu Trịnh

Bạn có thể quan tâm