Điều đó có nghĩa hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh niên phải tự cách ly tại nhà, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc cho hay.
Theo CGTN, ít nhất 188 quốc gia đóng cửa trường học, ảnh hưởng sinh hoạt từ trẻ mầm non đến sinh viên đại học, học viên trường nghề.
Điều đáng nói, việc đóng cửa trường hàng loạt này xảy ra chỉ trong vòng vài tuần khi tình hình dịch trên thế giới nhanh chóng diễn biến xấu. Đến giữa tháng 2, một triệu học sinh chịu ảnh hưởng từ virus corona. Lúc đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đóng cửa trường học hoàn toàn.
Theo số liệu thống kê của ĐH Johns Hopkins, Mỹ, đến ngày 8/4, thế giới ghi nhận gần 1,5 triệu trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, số ca tử vong lên đến 83.424.
Với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nhiều nước chưa mở cửa trường trở lại cho đến khi có thông báo mới hoặc khi có đủ căn cứ phán đoán học sinh có thể an toàn khi đến lớp.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc cho học sinh đi học trở lại trong tháng 4. Ảnh: VCG. |
Trung Quốc lên lịch học trở lại trong tháng 4
Trường học ở Trung Quốc bắt đầu đóng cửa từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 1. Hầu hết học sinh chuyển sang học online tại nhà. Những nỗ lực ngăn chặn virus lây lan ở nước này tỏ ra hiệu quả. Nhiều tỉnh tuyên bố ngày cho học sinh đi học trở lại, chủ yếu theo đợt.
Tại Chiết Giang, học sinh năm cuối trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học từ ngày 13/4. Một tuần sau đó, học sinh các khối khác sẽ trở lại trường.
Sơn Đông cho học sinh lớp 12 đến trường từ ngày 15/4. Thời gian nghỉ dịch Covid-19 của học sinh khối khác kéo dài thêm một tuần.
Tỉnh Liêu Ninh quyết định tương tự. Các tỉnh khác như An Huy, Tứ Xuyên cũng xác định cho học sinh đi học trở lại trong tháng 4.
Theo quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc, cơ quan y tế địa phương cần kiểm tra trường học trên địa bàn trước khi mở cửa, nhằm đảm bảo vệ sinh, môi trường học tập an toàn.
Trong khi đó, hầu hết kỳ thi trong tháng 2 và tháng 3 đều bị hủy. Giữa tháng 3, Bộ Giáo dục đưa ra thông báo, yêu cầu tất cả kỳ thi phải tổ chức online hoặc hoãn cho đến khi kỳ thi tuyển sinh đại học kết thúc.
Chuyên gia lo ngại việc đóng cửa trường sẽ đẩy nguy cơ bé gái bị bạo hành ở một số nơi lên cao, học sinh nữ bị ép tảo hôn, mang thai. Ảnh: CVG. |
Lo ngại nữ sinh ở nước nghèo bị ép tảo hôn
UNESCO đánh giá việc đóng cửa trường học ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống học sinh và gia đình các em, trong đó, những bé gái ở các quốc gia nghèo chịu thiệt thòi lớn nhất.
Trong bài báo đăng tải hôm 31/3, UNESCO ước tính hơn 111 triệu trẻ em gái đang sống ở những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, nơi họ phải đấu tranh để được đến trường.
Đó là những nơi nghèo đói cùng cực, kinh tế trị trệ, dễ bị tác động, chênh lệch giới tính trong giáo dục ở mức cao nhất. UNESCO cho biết thêm ở Mali, Niger và Nam Sudan, 3 quốc gia với tỷ lệ học sinh nữ nhập học và tốt nghiệp thấp nhất thế giới, trường học tạm dừng hoạt động khiến hơn 4 triệu học sinh nữ thất học.
Chuyên gia lo ngại khủng hoảng sẽ xảy ra như hồi dịch Ebola. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ bé gái bị bạo hành, lạm dụng thể xác.