Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Ảnh: Quốc Toàn. |
Theo thông tin từ Bộ Y tế mới đây, số liệu báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đạt tỷ lệ 92% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.
Song song với đó là 4.797.796 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám, chữa bệnh bằng BHYT. Trong số này, 2.942.327 lượt tra cứu thành công. Tỷ lệ tra cứu thành công đạt 61,33%.
Tỷ lệ lượt khám, chữa bệnh có tra cứu bằng CCCD gắn chip trong thời gian này (trên tổng số khoảng 110 triệu lượt) mới chỉ đạt khoảng 4,36%.
Trước đó, ngày 28/2, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị về việc hướng dẫn thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID).
Từ các số liệu báo cáo nêu trên, Bộ Y tế nhận định sau khoảng 9 tháng thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh bằng BHYT được cơ sở y tế tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip còn rất thấp. Mặt khác, tỷ lệ tra cứu thành công cũng tương tự.
Để khắc phục vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị nhanh chóng chỉ đạo rà soát tình hình thí điểm. Khi có khó khăn, vướng mắc, cần trực tiếp trao đổi với cơ quan BHXH cấp tỉnh và phối hợp với PC 06 công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Bên cạnh đó, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip với 20% người khám BHYT tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID.
Tăng cường truyền thông trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng hiện có để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về khó khăn, vướng mắc.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.