Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT - cho biết hiện nay, 92 cơ sở đào tạo đại học và nhiều trường phổ thông đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, 13 tỉnh thành tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh.
Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học tăng cường hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Qua rà soát, đánh giá, 92/240 cơ sở đào tạo đại học (chiếm 38,3%) đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; trong đó 79 cơ sở áp dụng trực tuyến hoàn toàn, 13 cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Việc ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) có khả năng quản lý quá trình tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá trực tuyến đã được nhiều trường phổ thông triển khai.
Ứng dụng được giáo viên sử dụng nhiều nhất là dạy học trực tuyến, đồng thời theo thời gian thực, như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo... Với ứng dụng này, giáo viên có thể tạo ra các lớp học ảo và tổ chức dạy học có tương tác trực tiếp học sinh để triển khai hoạt động dạy học.
Việc dạy học trên truyền hình hiện được 13 địa phương triển khai, vừa để ôn tập kiến thức cũ, vừa cung cấp các bài học mới cho học sinh. 14 kênh truyền hình quốc gia và địa phương đang phát các bài giảng phục vụ giáo dục phổ thông hàng ngày.
Kho dữ liệu miễn phí của Bộ GD&ĐT gồm 5.000 bài giảng e-learning của các môn học giáo dục phổ thông, được tuyển chọn từ các cuộc thi quốc gia về thiết kế bài giảng e-learning. Trong 2 tháng gần đây, số lượng truy cập và học trực tuyến tăng đột biến, với hàng trăm nghìn lượt học mỗi ngày.
“Nhiều giáo viên, học sinh hào hứng khi áp dụng dạy và học trực tuyến. Ngoài việc tổ chức học kiến thức chuyên môn, hình thức này còn giúp người dạy và người học bổ sung nhiều kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo trong dạy và học”, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT - nói.
Tuy nhiên, một số trường đại học tự triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến riêng, gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khi số lượng sinh viên tham gia học trực tuyến lớn. Ở cấp học phổ thông, phần đông giáo viên và học sinh chưa được bồi dưỡng để tham gia dạy học theo hình thức này. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Internet ở nhiều nơi chưa đảm bảo.
Bộ GD&ĐT đã và đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn và có những chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình thuận lợi hơn, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục.
“Covid-19 gây khó khăn cho các hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong thách thức này, chúng ta tìm thấy cơ hội giúp học sinh, giáo viên, ngành giáo dục nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng những công nghệ số hiện đại của thế giới để đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Chúng ta cần biến 'nguy' thành 'cơ hội' để ngành giáo dục bứt phá chuyển đổi số, hướng đến một nền giáo dục hiện đại trong trong thời đại 4.0”, ông Nguyễn Sơn Hải nói.