Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMR), đến nay, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 cho tổng cộng 955 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết hoặc là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng.
Trong ngày 10/3, Việt Nam có thêm 433 người được tiêm chủng an toàn vaccine Covid-19. Đây cũng là ngày thứ 3 chúng ta triển khai tiêm chủng 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Cụ thể, những người được tiêm vaccine Covid-19 thuộc các đơn vị: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (127 người), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (474), Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (218), Bệnh viện Thanh Nhàn (36), Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai (100).
Tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo Chương trình TCMR, chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nào tiêm chủng ngày 10/3 có phản ứng sau tiêm vaccine. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy...
Trong 3 ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng được Chương trình TCMR đặt lên hàng đầu và các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Mới đây, Bộ Y tế cho biết nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với bộ để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng Covid-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca... Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, những nhà sản xuất vaccine trên hiện chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này.
Vì vậy, để đảm bảo việc cung cấp vaccine phòng Covid-19 đầy đủ và an toàn, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, tổ chức khi nhận được thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vaccine phòng Covid-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.
Trong trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể đề nghị cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, Cơ quan ngoại giao, Thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vaccine phòng Covid-19.
Đồng thời, việc đàm phán, mua vaccine phòng Covid-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để đảm bảo việc nhập khẩu, sử dụng cũng như điều hành nguồn và tổ chức tiêm chủng được thông suốt.