Gõ từ khóa "clip uống rượu nhận tiền" vào thanh tìm kiếm của Google, khoảng 2,8 triệu kết quả
Nhân vật chính trong các đoạn video đó là các nam, nữ thanh niên đi kèm với miêu tả như "hot girl 9X uống 13 ly rượu liên tục trong 3 phút nhận 5 triệu", "cô gái Hải Phòng uống cạn 27 ly rượu trong ít phút đổi lấy 10 triệu"... và mới đây là "nam sinh uống rượu đổi lấy 210.000 đồng".
Nguyễn Đức Hải - nam sinh năm thứ hai, ĐH Thủy Lợi nhận lời thách đấu uống rượu nhận tiền - bất tỉnh tại chỗ sau khi uống cạn bát rượu lớn chỉ trong vòng 2 phút.
Hệ quả của 'văn hóa ép rượu'
Đức Hải cho Zing.vn hay cậu chấp nhận lời thách đấu uống rượu lấy 210.000 đồng vì cả nể bạn bè và làm cho không khí bữa gặp mặt đầu xuân sôi nổi hơn.
Sau khi nhận nhiều "gạch đá" từ dân mạng và bị mẹ ở quê gọi điện mắng, 9X thừa nhận hành động của mình là bồng bột và thiếu suy nghĩ.
"Đây là bài học đắt giá cho những bạn trẻ có ý định uống rượu bất chấp hậu quả như mình", Đức Hải nói.
Bên cạnh ý kiến chỉ trích Hải sĩ diện, chỉ vì chút tiền mà đùa giỡn với sức khỏe của mình, nhiều dân mạng cũng lên án những người không ngừng cười cợt, thách rượu nam sinh.
Bạn bè Đức Hải vẫn không ngừng cười đùa khi thấy bạn mình bất tỉnh sau khi uống hết bát rượu lớn. Ảnh cắt từ clip. |
Tiến Lê bức xúc khi Hải xem 210.000 đồng và tiếng cười vô bổ của bạn bè còn đáng giá hơn cả mạng sống.
"Người ta mời nhau ngụm rượu để vui là chính, còn các bạn đang uống để chết à? Vui thôi đừng vui quá", Kiệt Trần nhận định.
Minh Anh cho rằng trong trường hợp kể trên, cả hai bên thách rượu và nhận tiền đều suy nghĩ nông cạn.
"Người thích thể hiện, kẻ thì bất chấp tất cả đăng clip lên Facebook nhằm câu like của cư dân mạng", tài khoản này viết.
Đức An (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) bày tỏ quan điểm uống rượu nhận tiền thực chất là biến tướng của "văn hóa ép rượu" vốn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người Việt.
"Vì sợ bị chê tửu lượng kém, thua người khác mà nhiều bạn sẵn sàng uống rượu bất chấp sức khỏe và tính mạng. Hơn nữa, món tiền thưởng thường khá 'hời' không chỉ mang đến thu nhập cho người chơi mà còn tạo niềm vui cho kẻ thách", An nhận định.
Năm 2016, uống rượu nhận tiền từng nổi lên như trào lưu nguy hại của giới trẻ. Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM - đứng ở góc độ tâm lý, những bạn tham gia có xu hướng thích thể hiện và chứng tỏ bản thân với người khác.
Trào lưu lan rộng sẽ khiến bạn trẻ có tâm lý này hùa theo, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường như bộ phận dạ dày, gan, thận sẽ bị cồn phá hỏng hay xảy ra tai nạn giao thông khi người uống không kiểm soát được bản thân.
Uống nhiều rượu có thể dẫn tới tử vong
Xét về góc độ sức khỏe, trào lưu thách rượu đổi tiền ẩn chứa nguy hại lớn. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy năm 2008, Việt Nam đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau (năm 2016) đã đứng thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia y tế, rượu chứa ancol etylic rất độc hại cho cơ thể. Uống rượu liên tục có thể gây ngộ độc, nhẹ thì kích thích, nói nhiều, bạo lực, mất định hướng; nặng thì co giật, nôn, đau bụng, tiểu, đại tiện ra quần, hô hấp bị ức chế có thể dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, uống nhiều với thời gian dài tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch. Rượu cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Trào lưu uống rượu nhận tiền tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh cắt từ clip. |
Bác sĩ Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), cho biết khi uống rượu bia với lượng nhiều và liên tục như những trường hợp thách đố nhận tiền có thể sẽ khiến người uống bị sốc, bất tỉnh ngay trên bàn nhậu do tổn thương dạ dày, gan nghiêm trọng.
Bác sĩ Bảo khuyên không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Mọi người cũng nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, xen kẽ cùng nước lọc nếu không thể từ chối.