Đây là một trong những giải thưởng truyện tranh quốc tế uy tín, ra đời từ năm 2007 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản chủ trì và xét giải thường niên.
Năm nay, theo thông tin từ ban tổ chức, 296 tác phẩm từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xét giải, trong đó có cả những cường quốc truyện tranh như Bỉ, Pháp, Ý và Trung Quốc.
Bán chạy từ trước khi được giải
Địa ngục môn xuất bản từ tháng 7/2016 theo hình thức gây quỹ cộng đồng là pre-order. Khác với cách gây quỹ truyền thống crowdfunding nếu không kêu gọi đủ số tiền ước tính thì sách có thể không xuất bản, pre-order là kiểu đặt tiền trước và kiểu gì thì đúng ngày giờ đó, độc giả cũng sẽ có sách đọc.
Địa ngục môn vừa chào bán đã nằm ngay trong top “siêu chạy” trong ngày đầu tiên. Hơn 100 bản cao cấp và 27 bản đặc biệt (giá 900.000 đồng/bản) đã được đặt trước.
Trước đó, tiến độ dự án và những hình ảnh “nhá hàng” được tác giả Can Tiểu Hy (bút danh nói lái từ tên thật Phan Cao Hà My) khoe trên Facebook đã tạo ra một đội ngũ hâm mộ vô cùng đông đảo. Trang cá nhân của tác giả có tới hơn 24.000 lượt theo dõi, hỏi về tiến độ của Địa ngục môn.
Bìa “Địa ngục môn”. Ảnh: Tiền Phong. |
Ngay từ khi xuất hiện, Địa ngục môn là cái tên được chú ý và nhắc đến nhiều nhất trong cộng đồng truyện tranh Việt Nam. Số lượng các trang Fanpage truyện tranh “mổ xẻ” Địa ngục môn có thể sánh ngang với quả bom Long thần tướng trước đó. Rất nhiều fan bày tỏ sự phấn khích khen không tiếc lời cuốn truyện “đẹp lộng lẫy” như artbook.
Địa ngục môn kể về một cô gái bất ngờ bị đưa xuống địa ngục. Cảm thấy bị oan ức, cô quyết tâm tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của mình và tìm đường về dương gian.
Trải qua cuộc hành trình dài dưới địa ngục, nhân vật chính dần hiểu thêm về giá trị của cuộc sống, cũng như thấy trân trọng những mối quan hệ, ràng buộc gắn bó của cô khi còn ở dương thế.
Tác giả dự định có bốn tập. Hiện cô trong quá trình hoàn tất tập hai. Trung bình mỗi ngày Hy ngồi vẽ từ 10h sáng đến khoảng 23h và chỉ nghỉ ăn trưa khoảng một tiếng.
Thứ bảy, chủ nhật, cô cũng không dám nghỉ để kịp tiến độ. Bạn bè hỏi Hy làm nhiều thế có mệt không, cô cười bảo không cực, chỉ rất thỏa mãn; cũng không cảm thấy phải làm việc, chỉ thấy vui vì được vẽ!
Kinh dị lãng mạn
Can Tiểu Hy giải thích tác phẩm của cô được làm theo lối kinh dị nhưng lãng mạn và đẹp. Nhiều người đọc cũng nhận xét: Hy vẽ địa ngục nhưng không thấy sợ, truyện kinh dị song chỉ xẹt qua những chi tiết hãi hùng, còn đâu chỉ thấy bay bổng, mộng mơ. Có người còn bình luận nếu đường đến địa ngục đẹp như Hy vẽ, vậy thì không sợ nữa!
Trong truyện có những cảnh nhân vật chính đi đến địa ngục do một đàn thú cưng hộ tống. Chó, thỏ trong tranh của Hy ngây thơ hăng hái, tuyệt không có nửa điểm hung dữ.
Hoàng Anh Tuấn (Trưởng nhóm vẽ B.R.O, tác giả bộ truyện Học sinh chân kinh) cho biết anh hoàn toàn tin tưởng đây không chỉ là một cuốn truyện tranh thông thường như chúng ta từng được đọc từ trước đến giờ.
Địa ngục môn là cuốn artbook dưới hình thức truyện tranh cực kỳ sáng tạo và tinh tế. Cuốn truyện phản ánh tư duy vô cùng ấn tượng của Hy về cõi địa ngục với lối dẫn dắt bằng ngôn ngữ hình ảnh không còn có thể đẹp hơn được nữa.
Anh Tuấn vừa là đồng nghiệp cũng là đàn anh, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sáng tác của Hy. Bản thân Tuấn từng vấp phải những rào cản xuất bản rất lớn khi xin phép in Học sinh chân kinh nên những cảnh và đoạn mà Tuấn bảo “phải sửa đi, cắt đi thì mới xin phép được”. Hy gần như tuân theo răm rắp.
Thế nhưng, Địa ngục môn cũng phải tam tứ phen sửa đi sửa lại, qua tay hàng chục nhà xuất bản mới được chính thức in ấn. Suốt từ tháng hai, Hy không nhớ đã phải xin lỗi độc giả bao nhiêu lần vì lý do “chưa có giấy phép xuất bản”.
Sau mỗi lần đó, cô lại nghĩ một cách đền bù cho các fan của mình: Có khi vẽ thêm bookmark, có khi vẽ poster, nghĩ chỉ làm đơn giản thôi, rồi cuối cùng lại thành “đẹp quá trời”!
Hy giao bản thảo Địa ngục môn cho Comicola (công ty truyện tranh có uy tín nhất hiện nay) và bảo rằng “tim cứ trồi sụt liên tục mỗi lần anh Nguyễn Khánh Dương (thành viên của nhóm vẽ Phong Dương comics, đồng tác giả Long thần tướng) gọi điện bảo “chỗ này lại từ chối rồi”! Đến lần thứ tư thứ năm gì đó, Dương còn cam đoan: Nếu không in được anh sẽ nghĩ cách xuất bản online.
Khi tác phẩm được giải, Dương là người loan tin cho cộng đồng truyện tranh đầu tiên. Lời chúc mừng của anh dành cho Can Tiểu Hy được người ta share nhiều lần: “Em xứng đáng với giải thưởng này, vì tình yêu vô điều kiện với truyện tranh trong sáu năm qua”.
Vẽ truyện tranh cũng sống được
Hy kể cô bị huyết áp thấp nên nếu đang ngủ mà bị đánh thức bất ngờ thì sẽ rất xấu tính. Tối 28/12, đang ngủ, cô nhận được điện thoại của Đại sứ quán Nhật Bản, còn càu nhàu hỏi “Chuyện gì không”? Đến khi nghe thông báo “Địa ngục môn” được giải bạc, cô gái “đơ” luôn rồi “mất ngủ vì sướng”.
Hiện tại, Hy làm việc ngay trong công ty Comicola chi nhánh Sài Gòn. Tuần bảy buổi đều đặn, cô đến công ty ngồi vẽ. Hy vẽ tay là chủ yếu, dù hiện tại đã có rất nhiều phần mềm hỗ trợ vẽ máy. Hy bảo các nét vẽ trên máy phần nhiều sẽ mềm mại, trau chuốt, mà các cảnh địa ngục của Hy cần cứng, khỏe nên vẽ tay ưng ý hơn.
Trong khi rất nhiều họa sĩ truyện tranh kêu không sống được bằng nghề, Hy lại bảo cũng ổn. Địa ngục môn là cuốn sách xuất bản đầu tiên của Hy. Trước đó, cô có Tam thế và Thơ Duyên phỏng theo toàn bộ thơ Xuân Diệu cũng rất hot trên mạng.
Địa ngục môn xuất bản, ngay cả những sản phẩm “ăn theo” của nó cũng “rao đến đâu có người đặt đến đó”. Từ Phán Quan Bút đến tượng Hắc vô thường bằng nhựa resin cứng, kèm lệnh bài Tần Quảng Vương sơn màu đồng đen với giá không hề rẻ: 800.000 đồng đặt trước nhưng vẫn được chào đón rất nhiệt tình.
Can Tiểu Hy ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Tiền Phong. |
Trước khi in sách, Hy sống chủ yếu bằng việc vẽ minh họa thuê cho các tác giả nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và Pháp và mấy nước khối Ả Rập. Hy có một trang cá nhân riêng, trong đó đăng tranh cô vẽ kèm giá cả. Nhiều tác giả, công ty… qua trang này đã tìm đến đặt hàng. Công việc không nhiều nhưng đều đặn, đủ cho Hy sống bình tĩnh và tiếp tục vẽ truyện tranh.
Hy sinh năm 1990, đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, chuyên ngành đồ họa.
Can Tiểu Hy bắt đầu vẽ truyện tranh từ năm lớp hai và may mắn không bị bố mẹ phản đối. Thời đại học, cô kiếm sống bằng việc vẽ bìa sách ngôn tình. Rất nhiều cuốn ngôn tình best seller của công ty Đinh Tị đều do Hy vẽ bìa, điển hình là bộ truyện ăn khách của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm.
Lúc rảnh, Hy nghe nhạc và đọc đam mỹ. Thời sinh viên, Hy từng sưu tầm cả mấy chục GB ngôn tình các loại, coi như trân bảo. Có hôm, kể khổ với ba là máy tính của con dạo này chạy chậm quá, ba bảo để ông sửa cho. Hy nhớ đống ngôn tình trong máy, sợ bị phát hiện, thế là chia nhỏ ra, đổi tên folder. Chưa an tâm, Hy giấu hẳn vào thùng rác.
Sau đấy ba Hy sửa máy bảo “làm gì thùng rác đầy thế hả con”, rồi “Ctrl+A DELETE - YES” động tác pặc pặc liên hoàn vô cùng nhanh gọn. Hy đứng bên cạnh khóc không ra nước mắt.
Không giống những người sáng tác khác, Hy ngại ngồi nhà dù có bàn làm việc nhìn ra vườn rất đẹp và yên tĩnh. Cô bảo cứ ở nhà sẽ bị chó, chim làm cho xao nhãng, chỉ toàn mất thời gian chơi với “chúng nó”.
Lên công ty, cô ngồi với một đám toàn “con ong chăm chỉ” sẽ kích thích tinh thần làm việc của mình, vậy mới đảm bảo tiến độ “mỗi ngày một trang” với fan.