Trong suốt 2 tiếng chờ máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, cha mẹ Hoàng Hữu Quốc Huy, cậu học trò ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đoạt huy chương vàng Toán quốc tế, đồng thời là thí sinh đạt điểm cao nhất cuộc thi, không trò chuyện nhiều.
Hai đấng sinh thành gần như lặng im, lặng lẽ đứng bên nhau ôm bó hoa, chăm chú chờ đợi con trai xuất hiện. Khoảnh khắc nhìn thấy con, bà Lê Thị Hương, mẹ của Huy, đã rơi nước mắt.
Cũng lúc này, sự rụt rè thường thấy trên gương mặt chàng trai 18 tuổi mới được thay thế bằng nụ cười tươi vì được thấy cha mẹ sau 2 tuần xa nhà.
“Huy đoạt giải cao, gia đình rất mừng, nhưng không có gì so sánh được với nỗi nhớ con. 14 ngày con đi, ba mẹ không dám gọi điện nhiều vì muốn Huy chú tâm thi cử, nhưng thật tình chỉ muốn nhấc máy lên, hỏi con quen đồ ăn không, thời tiết bên đó ra sao, quen được bạn mới chưa, hoặc đơn giản là nghe giọng nói con vài phút cũng đủ an lòng", ông Hoàng Hữu Hải, cha của Huy, nói rồi ôm chặt con trai.
Bà Lê Thị Hương xúc động khi đón con trai. Huy là thí sinh giành điểm cao nhất kỳ thi Toán quốc tế lần này, cùng với hai bạn nước ngoài khác. Ảnh: Hải An. |
Mong ngóng chàng trai 'vàng'
Sau 40 năm, Bà Rịa - Vũng Tàu mới có gương mặt đầu tiên lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO). Không phụ sự kỳ vọng của người thân và thầy cô, Hoàng Hữu Quốc Huy xuất sắc giành huy chương vàng với điểm số cá nhân cao nhất (cùng với hai thí sinh đến từ Nhật Bản và Iran).
Ngay khi kết thúc cuộc thi, em cùng đoàn học sinh Việt Nam lập tức trở về nước. Đường về nhà của Huy xa hơn so với các bạn. Em là đại diện duy nhất đến từ miền Nam. Trải qua chuyến bay 30 tiếng từ Brazil đến Nội Bài, cậu học trò THPT chuyên Lê Quý Đôn tiếp tục bay về Sài Gòn.
Vừa tới sân bay, ngay lập tức, Huy được đón về trường để tham dự buổi giao lưu với lãnh đạo sở, ban giám hiệu và các bạn học sinh.
Nghe tin người con vừa mang lại niềm tự hào cho tỉnh nhà trở về, rất nhiều người dân ở xa đã đến tận nơi để được nhìn thấy Huy. Ông Nguyễn Bá Lâm, người cha có con vừa đỗ vào lớp 10 trường chuyên Lê Quý Đôn, vui vẻ nói: “Tôi ở cách đây rất xa, nhưng nghe tin lập tức đến xem vì quá ngưỡng mộ, rất muốn đến bắt tay và nói với cậu ấy một lời động viên, chúc mừng".
Kể về người cháu yêu thương nhất, bác rể Huy cho biết gia đình em không khá giả: "18 tuổi thì gần như 17 năm chuyển nhà. Từ bé, Huy thường đến ở với các bác để tiện đi học. Mãi đến gần đây, khi bố mẹ 'thoát kiếp' thuê trọ, mua được nhà ven vùng ngoại ô, cậu bé mới về ở với họ".
Thầy Đinh Hữu Cẩm, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) tặng hoa cho Huy khi đón em tại sân bay. Ảnh: Hải An. |
Ba Huy là công nhân xây dựng, thường xuyên xa nhà vì phải đi theo các công trình ở miền Tây. Mọi việc gia đình chủ yếu do người mẹ làm nội trợ quán xuyến. Dưới Huy còn một em gái nhỏ cũng đang tuổi ăn, học.
Kinh tế gia đình chỉ đủ nuôi hai con học ở trường nên Huy chưa từng đi học thêm. Chi phí cho những buổi học bồi dưỡng đội tuyển, thi học giỏi, em đều được nhà trường hỗ trợ.
"Trước đây, Huy không giỏi Toán, so với nhiều bạn còn kém nhiều. Năm lớp 10, cháu chỉ đỗ Toán 2 (lớp chuyên loại 2 của trường). Đến giữa năm lớp 11, cháu tôi mới quyết tâm học và thi lên lớp Toán 1, rồi vào đội tuyển học sinh giỏi, được đi thi tỉnh, quốc gia. Nhưng tôi biết từ nhỏ, Huy là đứa sáng dạ", người bác tự hào nhớ lại.
Cha Huy khẳng định con trai thông minh nhưng đôi lúc ham chơi. Ông bảo con mình trầm tính và hơi nhút nhát nên khi cháu đi thi xa gia đình hơi lo lắng. Dù năng khiếu Toán học bộc lộ từ nhỏ, nếu không được thầy cô dạy Toán giúp đỡ, Huy có lẽ không có kết quả hôm nay.
Nhiều lúc đuối sức
Huy cũng tiết lộ đam mê các con số nhưng phải đến những năm cấp 3, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, em mới bộc lộ rõ năng khiếu của mình.
“Em không rõ mình thích Toán từ bao giờ, nhưng cảm giác giải được một bài Toán khó rất phấn khích. Sự hưng phấn đó cứ đưa đi từ bài toán này đến bài toán khác rồi trở thành niềm đam mê từ lúc nào không hay”, 9X nói.
Người đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế được bạn bè nhận xét là người trầm tính, nhút nhát. Ảnh: Hải An. |
Để có được thành tích hiện tại, Huy phải trải qua lịch học ở lớp chuyên khá dày đặc trong gần 2 năm, với nhiều cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, và khoảng thời gian dài phải ôn luyện tập trung cùng đội tuyển tại Hà Nội.
Sự căng thẳng, mệt mỏi, áp lực vì phải cố gắng hơn so với những bạn bè cùng trang lứa khiến chàng trai không ít lần cảm thấy đuối sức.
"Nhưng em không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Mình đã bắt đầu cuộc đua, phải đi tới cùng cho tới khi có kết quả. Em không phải thần đồng, nhưng em là người kiên trì nhất", cậu quả quyết.
Không chỉ vậy, niềm đam mê được nhen nhóm từ đầu những năm trung học, cộng thêm sự ngưỡng mộ dành cho những giáo sư Toán học hàng đầu Việt Nam như thầy Lê Bá Khánh Trình, thầy Trần Nam Dũng khiến quyết tâm của em càng cao.
Kết quả hôm nay vượt ra ngoài mong đợi với Huy. “Em mãn nguyện không phải vì mình đã giành thành tích cao nhất mà vì mình đã cố gắng hết khả năng có thể để không tiếc nuối điều gì”, nam sinh chia sẻ.
Ngoài ra, Huy còn tự nhận dù khá các môn tự nhiên, nhưng ngoại ngữ lại là điểm yếu của em. Bằng chứng là những ngày qua tại Brazil, cậu học trò lớp chuyên Toán không giao tiếp được nhiều với bạn bè quốc tế vì vốn tiếng Anh hạn chế.
Với ước mơ theo học các ngành kỹ thuật, Huy đã nộp hồ sơ vào Đại học Bách khoa TP.HCM. Mục tiêu sắp tới của cậu học trò trường chuyên Lê Quý Đôn Vũng Tàu là nhập học vào ngôi trường đại học mơ ước, và củng cố vốn ngoại ngữ của mình.
Hoàng Hữu Quốc Huy cũng là chàng trai khiến thầy Lê Bá Khánh Trình ấn tượng. Thầy giáo này bày tỏ trong số các bạn vào đội tuyển, chàng trai người Vũng Tàu không phải người nổi bật nhất, thậm chí so với các bạn, em học ít hơn.
Tuy nhiên, kỳ thi mang đẳng cấp quốc tế không cần các em phải nhớ nhiều mà đòi hỏi sự nhạy bén, có sức bật. Khi giáo viên đưa ra bài tập nào, Huy thường có lời giải hay và chân phương.
“Khi chấm bài thi, hội đồng khen thí sinh có lời giải hay ở câu hình học. Chỉ cần đọc lời giải, tôi biết đó là Huy. Vì không học trước hay gò bó trong kiến thức nên em có tư duy nhạy bén và đột phá”, thầy Trình nhận xét.