Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe 3 bánh

Căn bệnh dị dạng mạch máu tủy sống lấy mất khả năng đi lại của Phan Vũ Minh ở độ tuổi 20, nhưng không thể dập tắt ý muốn vươn lên, sống cuộc đời có ý nghĩa.

Ở độ tuổi 20 đẹp nhất đời người, Phan Vũ Minh (sinh năm 1991, hiện sống ở Vĩnh Long) biết đôi chân mình không thể đi lại được nữa.

Dù đã chuẩn bị tinh thần đón nhận mọi điều tồi tệ nhất từ khi phát hiện mắc căn bệnh dị dạng mạch máu tủy sống hồi còn học cấp 2, Minh vẫn sốc, không dễ dàng chấp nhận việc mình phải suốt đời ngồi trên xe lăn.

“Tại sao lại là mình?”, “Rồi mình sẽ sống như thế nào khi không thể di chuyển trên đôi chân?”, “Tương lai của mình rồi sẽ ra sao?”... những câu hỏi thay nhau hiện hữu trong đầu Minh.

Những hy vọng, hoài bão ước mơ của ngày bé vụt tắt. Cả ngày Minh tự nhốt mình trong 4 bức tường của căn phòng. Nước mắt anh cứ rơi khi nghĩ đến nỗi buồn của cha mẹ, của chính mình.

Nhưng rồi nghĩ “điều gì đến rồi cũng đến, có buồn phiền thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”, Minh dần quen với việc chấp nhận con người mình.

Ngồi lại với Zing.vn, Phan Vũ Minh chia sẻ buồn, vui của mình trong những năm tháng phát hiện bệnh, điều trị và bầu bạn với chiếc xe lăn.

chang trai khuyet tat phuot bang xe 3 banh anh 1

Căn bệnh dị dạng mạch máu tủy sống khiến Phan Vũ Minh mất khả năng đi lại.

9 năm làm bạn với xe lăn

Phan Vũ Minh được sinh ra khỏe mạnh, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ bình thường. Cho đến năm học cấp 2, anh phát hiện bị bệnh dị dạng mạch máu tuỷ sống.

Qua tìm hiểu, anh biết đây là căn bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm. Người bệnh dần bị tê yếu, sau đó có thể dẫn đến liệt tay chân, ngừng thở và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Thời điểm đó, cha mẹ đưa Minh đi tất cả bệnh viện có thể nhưng đều nhận về cái lắc đầu của bác sĩ vì không có cách chữa.

“Các bác sĩ nói bệnh của mình ở Việt Nam chưa có cách chữa. Khi ấy, mình đau nhức nhiều, chân ngày càng yếu đi. Mình cũng như gia đình vừa buồn, thất vọng và bế tắc vô cùng”, Minh nhớ lại.

Sau đó, gia đình Minh được nhen nhóm hy vọng khi biết tin một bệnh viện tại TP.HCM chữa trị thành công ca bệnh dị dạng mạch máu tủy sống đầu tiên tại Việt Nam. Minh là ca bệnh tiếp theo được chạy chữa.

Những tưởng bệnh hình đã ổn hơn sau nhiều năm điều trị, khi Minh tròn 20 tuổi, tủy sống anh không may bị phù lên dẫn đến không thể đi lại được. Từ đó, chiếc xe lăn trở thành “bạn thân” của 9X.

Khi biết mình không thể đi lại được nữa, “thật sự khủng khiếp lắm, mới ngày hôm qua còn đi lại được, hôm nay chỉ có thể ngồi một chỗ trên xe lăn”, Minh mô tả.

Những ngày đầu, Minh suy sụp, buồn chán, sinh hoạt bình thường nhất điều không thể tự làm được, phải nhờ người thân giúp đỡ. Sau nhiều hôm tự nhốt mình trong 4 bức tường, 9X bắt đầu tập di chuyển bằng xe lăn nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình.

Sau hơn 1 tuần, Minh đã thành thạo tất cả kỹ năng điều khiển xe lăn và có thể đi khắp nơi với “đôi chân” mới của mình.

Kể từ khi Minh mắc bệnh, ngoại trừ gia đình, dòng họ, chàng trai nhận thấy mọi người hầu như nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm.

"Thời điểm đó, mình từng coi khiếm khuyết là điều bất hạnh, không chỉ với bản thân mà còn với cả gia đình, dòng họ khi có một thành viên như mình", Minh nói.

Trong những năm tháng khó khăn ấy, điều khiến anh cảm kích nhất là những lời động viên từ gia đình, đặc biệt là từ mẹ. “Mẹ luôn bên cạnh chăm sóc cho mình từ lúc bắt đầu điều trị cho đến bây giờ", anh tâm sự.

Điều kỳ diệu không còn là đôi chân bình thường

Thời điểm Phan Vũ Minh chấp nhận sống chung với đôi chân không còn đi lại được nữa, anh quyết định rời TP.HCM về quê Vĩnh Long sinh sống.

Dù việc thay đổi môi trường sống giúp Minh có thể sinh hoạt thoải mái hơn khi ở thành phố, đó vẫn là lựa chọn khó khăn không chỉ với anh, mà còn với cả gia đình.

"Mẹ phải nghỉ việc tại thành phố, xa cha để về quê chăm sóc mình. Điều kiện kinh tế sẽ khó khăn hơn khi phải bỏ mọi thứ tại thành phố", Minh cho hay.

Tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán của Trung cấp Tây Sài Gòn, nhưng Minh không theo đúng nghề mà chọn mở cửa hàng bán cây cảnh.

"Công việc này rất thú vị vì đúng sở thích và tình yêu thiên nhiên của mình", Minh nói.

Cũng xuất phát từ tình yêu với thiên nhiên, Minh thích đi phượt và đều chọn những nơi còn hoang sơ, ít người sinh sống.

Năm 2017, chàng trai 29 tuổi quyết định thực hiện chuyến đi đầu tiên về Bạc Liêu để thăm một người bạn cũng mắc căn bệnh giống mình.

Trước chuyến đi, Minh lên ý tưởng chế chiếc xe 3 bánh và nhờ sự trợ giúp từ một người bà con thông thạo về xe máy. Chiếc xe đặc biệt của 9X đã ra đời 1 tuần sau đó.

Với Minh, ước mơ được đặt chân đến những miền đất mới đã hình thành từ thuở nhỏ. Vì căn bệnh, anh từng phải gác lại mong ước trên. "Rồi một ngày, đam mê ấy lại trỗi dậy cuồng nhiệt. Thế là mình quyết định phải thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở đó", Minh nói.

Khi thực hiện những chuyến hành trình, việc di chuyển với Minh khá khó khăn. Anh không được ngồi quá nhiều nên cần nghỉ ngơi liên tục trên đường đi. Thế nhưng chút mệt mỏi đó không là gì so với việc được "khám phá những miền đất mới, cảnh đẹp, món ăn và quen được nhiều người bạn dễ thương, thân thiện ở khắp nơi mình đi qua", Minh mô tả.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những chuyến “xách ba lô lên và đi” của Minh là lần đi Đà Lạt thăm người chú nằm chung phòng bệnh.

"Tới thăm, chú tiếp đón như người nhà, rồi cô chú dẫn đi thăm họ hàng người thân nữa. Mọi người rất ấm áp và tốt bụng", Minh hào hứng kể.

Đến nay, Phan Vũ Minh đã đi qua hơn 20 tỉnh, thành của Việt Nam. Thậm chí, anh còn dùng xe lăn chinh phục đỉnh Langbiang.

Trong thời gian tới, Minh nói muốn khám phá từ Tây Nguyên đến Hà Nội. Nếu có bằng lái quốc tế, 9X sẽ chạy qua nước láng giềng.

Đến giờ, điều kỳ diệu Minh mong chờ không còn là đôi chân có thể bình thường trở lại, mà là “mong muốn cha mẹ, người thân yêu và bản thân sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành mơ ước của mọi người”, anh nói.

Y tá chống corona mặc lại đồ bảo hộ từ dịch SARS 17 năm trước

Theo các nhân viên y tế Trung Quốc, việc mặc lại áo choàng cách ly từng dùng trong dịch SARS 17 năm trước không phải vì thiếu đồ bảo hộ, mà mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn.

Thảo Thu

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm