"Con có bị thần kinh không?"
Bùi Hải Minh (thôn Tây, xã Vạn Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đang là “ông chủ” của 100 con rắn hổ mang đã trưởng thành, dài từ 1,2 – 1,5m. Cái duyên đưa đẩy chàng trai 21 tuổi đến với nghề nguy hiểm này lại bắt nguồn từ chính nỗi sợ rắn của Minh.
Cậu kể rằng, từ bé đã rất sợ loài vật bò sát này. “Dù rắn đã chết mình cũng chưa dám đụng vào chứ nói chi là đi bắt rắn như mấy đứa trẻ trong xóm. Có những lần rắn bò vào tận nhà khiến mình rất khiếp sợ. Tuy nhiên, khi ở tuổi 16 mình xem phim khoa học về rắn hổ mang thấy chúng bành mang ra rất đẹp nên cảm thấy yêu thích loài vật này”, chàng trai chia sẻ.
Bùi Hải Minh. |
Ngay sau khi học xong cấp 3, trong một lần trò chuyện với bạn, Minh tình cờ biết được về nghề nuôi rắn hổ mang. Đến khi ngồi ghế giảng đường, học về ngành kỹ thuật máy lạnh thì Minh vẫn ấp ủ ý định trở thành một anh nông dân với nghề nuôi loài vật cực độc này.
Giữa năm 2012, Minh giấu gia đình, lặn lội ra tận Thanh Hóa “tầm sư học đạo” nghề nuôi rắn hổ mang. Sau nửa tháng “ăn dầm nằm dề” ở xứ Thanh để học nghề, Minh càng thêm quyết tâm khởi nghiệp.
Chàng trai chia sẻ: “Nuôi loài vật này dù nguy hiểm nhưng nếu học được cách khắc chế, quen với tập tính của chúng thì sẽ thấy an toàn. Rắn hổ mang luôn có nhu cầu thị trường cao, dễ nuôi, ít bệnh tật nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Dù thích thú lắm, nhưng để thuyết phục được gia đình cho nuôi rắn là cả một vấn đề nan giải. Minh bảo, đây có lẽ là khâu khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp. “Mình nhớ ngay từ khi mới ngỏ lời, mẹ mình đã hỏi “con có bị thần kinh không?”, cả gia đình không ai đồng ý với ý tưởng táo bạo này”. Họ cho rằng đó là ý nghĩ dại dột, kỳ quặc, và có thể mất mạng như chơi cũng như Minh còn quá trẻ để theo công việc này.
Mất hơn một tuần thuyết phục, chứng minh cho ba mẹ thấy mình đã được học nghề rất kỹ thì cậu mới được cho mượn 20 triệu đồng để khởi nghiệp. Minh lại ra Thanh Hóa, tìm mua 100 con rắn con và xây chuồng cho chúng ở phía sau nhà.
Một lần bị rắn cắn nhớ đời
Minh làm 3 chuồng, mỗi chuồng rộng 4,2 m, xây kín và cao khỏang 1,6 m để làm nơi nuôi rắn. Cậu vẫn nhớ rõ sự hiếu kì của bà con trong xóm khi mang 100 con rắn về. Mọi người sau khi thỏa trí tò mòa đều khuyên Minh không nên nuôi vì nguy hiểm cũng như sợ rắn xổng chuồng.
“Ngay cả khi nuôi, gia đình cũng rất sợ hãi, không dám lại gần chuồng và lo lắng cho mình”, cậu cho biết.
Rắn một loài vật rất ít bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là chuột, ếch nhái, rắn…. Vì thế, mỗi đêm, Minh lại ra đồng đặt bẫy và bắt khoảng 1,5 kg chuột và cóc. Sau khi ăn no rắn lại nghỉ ăn 3 ngày, sau đó mới ăn lại. Vào thời kỳ nghỉ đông, rắn có thể nghỉ ăn đến mấy tháng.
Cậu nói “Nguồn thức cho rắn lại rất dồi dào và dễ kiếm, mình chỉ cần đi bắt khoảng 2 tiếng là đủ thức ăn cho 100 con rắn ăn”. Sau này, khi đi học trở lại, Minh chuyển giao kỹ thuật nuôi cho bố và cố gắng 2 tuần về nhà một lần để chăm sóc đàn rắn hổ mang.
Minh cho biết, nuôi rắn mang lại hiệu quả nhưng cũng chứa nhiều rủ ro. |
Trong suốt thời gian nuôi, dù đã trang bị đầy đù kỹ năng nhưng Minh vẫn bị rắn cắn suýt mất mạng. Một lần, khi chăm sóc cho đàn rắn con mới vừa lột da, chàng trai quê Quảng Bình không may bị rắn cắn sượt qua tay. Đã lường trước được vấn đề này, nên minh bình tĩnh garo, đắp bài thuốc gia truyền.
“May mà đây chỉ là rắn con nên liều lượng độc chưa đủ mạnh. Nhưng mình cũng bị sốt nặng, mê man suốt cả tuần mới đỡ, gây lo lắng cho gia đình”, Minh nhớ lại. Sau lần ấy, dù chưa bị rắn cắn thêm lần nào nữa nhưng cậu tự nhủ những bất trắc vẫn có thể xảy ra và đành chấp nhận như một sự rủi ro trong công việc.
Rắn hổ mang sinh sản rất nhiều, từ khi sinh ra đến đến 1 năm là có thể cho sinh sản, mỗi lần một con có thể đẻ từ 20–25 trứng. Nhưng thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên đàn rắn của Minh chết khá nhiều. Sau gần 2 năm nuôi, đàn rắn đã cho sinh sản đề bù lại số lượng đã bị chết. Cậu dự tính năm nay sẽ xuất chuồng lứa đầu tiên.
Kinh doanh rắn hổ mang không hề dễ. Ảnh Argviet. |
“Lẽ ra mình đã bán từ năm ngoái nhưng thời điểm ấy giá thành thấp quá nên thôi" - hiện mỗi con nặng từ 1,5–2 kg, với giá bán 700.000/kg, Minh dự tính sẽ thu lời được ít nhất 50 triệu đồng.
“Nếu gia đình cho phép, mình sẽ mở rộng thêm quy mô chứ nuôi như vậy thì vẫn hơi ít. Đây là một nghề ổn định vì nhu cầu thị trường để làm thịt, lấy huyết thanh hay ngâm rượu đối với loài này rất lớn, nên mình phải cố gắng để tiếp tục phát triển”, chàng trai cho biết.