Ayse Baybars (27 tuổi) sẽ là sinh viên năm nhất, Đại học Kinh doanh Harvard (HBS) vào năm 2018.
Trước đó, cô tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2012 với bằng cử nhân về Sinh học tiến hóa của con người và sau đó bắt đầu làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ, tập trung vào STEM (lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Tiếp đó, Baybars khởi nghiệp với một tiệm đồ lót phụ nữ.
Chia sẻ với Business Insider, Ayse Baybars cho biết lời khuyên tốt nhất cho những ai muốn nhập học vào HBS là hãy chân thật khi nói về bản thân. Đừng cố gắng tạo ra câu chuyện mà bạn chưa từng trải qua. Bạn có thể chọn bất kỳ tình huống nào, miễn nó chân thực về những thứ bạn muốn làm.
Ayse Baybars sẽ trở thành sinh viên Đại học Kinh doanh Harvard năm 2018. Ảnh: Business Insider. |
Bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) của trường Havard được cho là tấm bằng danh giá nhất mà hầu hết sinh viên kinh tế đều muốn có.
Với tỷ lệ tuyển sinh 11% cho lớp năm 2018 và khoảng 80% sinh viên nộp đơn đạt điểm GMAT 690-706, quá trình được chấp nhận vào HBS rất cạnh tranh. GMAT là bài thi kiểm tra khả năng ngôn ngữ, toán học và viết luận phân tích.
Tuy nhiên, theo Baybars, trong một số trường hợp, những yếu tố phụ lại giúp sinh viên đặc biệt hơn các thí sinh khác.
"Tôi là một trong số ít nữ sinh có trình độ khoa học ứng tuyển vào trường", Baybars nói.
Theo cô gái 27 tuổi, tỷ lệ nam - nữ ở HBS là 60-40. Trong số những sinh viên có bằng khoa học, số lượng bằng kỹ sư nhiều hơn các chuyên ngành khoa học khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng yếu tố này sẽ không giúp cô được hội đồng tuyển sinh của HBS chú ý. Baybars tập trung vào việc kết nối các kiến thức, kinh nghiệm mình có để kể câu chuyện chân thực về lý do cô cần một tấm bằng kinh doanh.
"Rất nhiều sinh viên ứng tuyển tự bịa ra một câu chuyện, thêm thắt các chi tiết như việc buộc món quà bằng dây ruy băng thật đẹp và trao cho người khác. Nhưng bạn cần kể câu chuyện chân thực về chính mình", Baybars nói.
Đại học Kinh doanh Havard. Ảnh: Flickr. |
Để được nhận vào trường, Baybars đã dành hàng giờ nói chuyện qua điện thoại với vài người bạn, kể về kiến thức và kinh nghiệm của mình.
Đây là cách cô chuẩn bị để có thể truyền tải câu chuyện của bản thân một cách hợp lý trong cuộc phỏng vấn của HBS trước khi họ quyết định có nhận sinh viên hay không. Chỉ 25% ứng viên trong số những người nộp đơn được tham gia phỏng vấn và một nửa số đó được chọn.
Theo lời kể của cựu sinh viên Harvard, đó là cuộc phỏng vấn 1-1 trực tiếp với người thuộc nhóm tuyển sinh và có một người khác trong phòng để ghi chép.
"Tôi là một trong những sinh viên duy nhất có nền tảng khoa học và kinh nghiệm khởi nghiệp. Vì vậy, điều này có thể mang đến một cái nhìn rất khác trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi", Baybars chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô gái này kể rằng mình từng là nhân viên tốt nhất trong số các đồng nghiệp ở công việc trước đây. Baybars cũng đọc thêm về các sự kiện kinh doanh, công nghệ và khoa học hiện nay bởi người phỏng vấn sẽ cho thêm điểm khi hỏi về những hiểu biết tin tức của thí sinh.