Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X tình nguyện vận động người từng tới quán bar Buddha đi cách ly

Vừa về Việt Nam 2 tháng sau 11 năm sống ở nước ngoài, Anh Nguyễn tình nguyện tham gia công tác chống dịch ở quận 2, TP.HCM. Cô gặp một số khó khăn do ngoại hình khá “Tây”.

Hai tháng trước, Anh Nguyễn (sinh năm 1995, TP.HCM) trở về Việt Nam sau 1,5 năm sống tại Tây Ban Nha.

Thời điểm đó, xứ sở bò tót chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cô không được yêu cầu đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, 9X vẫn khai báo y tế online và tự cách ly tại nhà 14 ngày.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Anh Nguyễn muốn trở thành tình nguyện viên để chung tay chống dịch. Cô tin rằng bản thân có thể làm tốt vì vốn tính nhanh nhẹn, nhiệt tình, biết 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ả Rập) và có kinh nghiệm làm tình nguyện.

Sau khi đăng bài trong diễn đàn “Tôi là dân quận 2”, 9X được UBND phường Thảo Điền liên hệ và bắt đầu tham gia công tác chống dịch từ ngày 22/3.

Ban đầu, Anh Nguyễn được giao nhiệm vụ hỗ trợ phiên dịch cho cán bộ của UBND Thảo Điền và cơ quan y tế quận 2 trong quá trình điều tra dịch tễ ở các chung cư đang bị cách ly.

Sau đó, cô chủ động xin thêm việc vận động người tiếp xúc gần với các ca dương tính (F1) đi cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Đặc biệt là trường hợp ổ dịch Buddha bar với hầu hết F1 là người nước ngoài.

“Khi phát hiện F0, mình vừa vui, vừa sợ”

Chia sẻ với Zing, Anh Nguyễn cho hay thời gian biểu một ngày của cô rất thất thường. Mỗi sáng sớm, 9X lên UBND phường Thảo Điền để được giao nhiệm vụ. Bất cứ khi nào phát hiện ca nghi nhiễm mới hoặc trường hợp khẩn cấp, cô phải lập tức lên đường.

“Thời gian đầu, khi phát hiện ổ dịch Buddha bar là cực nhất. Ngày nào mình cũng phải đưa người đi cách ly, càng nhanh càng tốt để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Có khi vừa xong việc, chưa kịp nghỉ ngơi thì phải chạy qua hỗ trợ cán bộ y tế phường Thảo Điền lấy lời khai y tế của những người sống cùng chung cư với ca dương tính”, cô gái 24 tuổi nói.

Đối với Anh Nguyễn, nhiệm vụ được giao khá phức tạp vì cô không chỉ kêu gọi sự hợp tác của người có nguy cơ nhiễm bệnh, mà phải làm sao phá vỡ cảm giác sợ hãi của họ khi người người dân hiếu kỳ xúm lại xem và bàn tán.

“Được đi cách ly là tốt. Nhưng đâu đó, nỗi sợ hãi vẫn lấn át người nước ngoài để họ đồng ý bước lên trên chiếc xe buýt đang chờ trước cổng cùng 2 nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế màu xanh. Mình đồng cảm với họ vì bản thân từng sống ở xứ người hơn 10 năm. Hiểu được điều đó, mình không ngại bỏ công sức, sự kiên trì để trấn an họ”, cô nói.

Do tính chất phải thường xuyên tiếp xúc với F0 và F1, Anh Nguyễn không tránh khỏi cảm giác sợ hãi. Những ngày gần đây, mỗi khi đọc tin “phát hiện ca dương tính mới ở Buddha bar”, 9X vừa vui mừng, vừa lo sợ.

“Vui vì phát hiện kịp thời thêm 1 ca kịp trước khi họ có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Và sợ vì mình đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân này. Trong đầu mình xuất hiện đủ suy nghĩ: Hôm đó mình mang khẩu trang gì? Đứng xa đủ 2 mét không? Có lỡ chạm gì không? Mình rửa tay chưa? Phòng của họ có gió không? Nhưng sợ thì sợ, khi mình đã quyết tâm thì phải nỗ lực vượt qua”, cô lý giải.

Trường hợp Anh Nguyễn nhớ nhất là lần tới vận động 3 người đi cách ly. Sau một hồi thuyết phục, những người này mới chịu hợp tác. Trên xe đi cách ly, họ phàn nàn khá nhiều, nhưng Anh Nguyễn giữ bình tĩnh.

“Bẵng đi vài hôm, anh cán bộ phường Thảo Điền gặp và nói: ‘Ca này em đưa đi đó!’ khiến mình rùng mình vì 2 trong 3 số người họ đã dương tính. Đó là lần duy nhất mình đối mặt với nguy hiểm mà không hề biết”, cô nói.

Mỗi ngày, trung bình Anh Nguyễn thuyết phục khoảng 20 người đi cách ly. Đến bây giờ, con số đó là bao nhiêu cô không đếm xuể. Khoảng 2 hôm nay, công việc của 9X “dễ thở” hơn vì ổ dịch Buddha bar được kiểm soát sau nhiều nỗ lực.

Mong mọi người không nhìn ngoại hình để đánh giá

Khi đi làm, Anh Nguyễn phải chịu cảm giác nóng và ngứa ngáy khi phải mặc quần áo bảo hộ y tế trong nhiều giờ. 9X cũng luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m với người khác và thường xuyên sát khuẩn tay.

“Với mình, đó không đơn thuần là việc nên làm nữa, mà trở thành nỗi ám ảnh, không thể thiếu hoặc quên được. Có những hôm về muộn, mình thật sự đuối lắm, nhưng nhất định phải đi tắm để sát khuẩn ngay. Chưa bao giờ siêng tắm lâu đến mức như bây giờ”, cô nói.

Anh Nguyễn chia sẻ thêm: “Những khi mặc đồ bảo hộ, mình nhất quyết không chạm vào mặt. Lúc cởi thì phải xịt khuẩn trước rồi tháo từ từ và cẩn thận, găng tay bỏ ra cuối cùng”.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, thời gian này Anh Nguyễn chấp nhận thuê phòng trọ ở riêng, xa gia đình 1 thời gian. Bố mẹ cô không khỏi lo lắng, thường xuyên nhắn tin hỏi han. Vì bận rộn, khi xong việc, cô mới nhắn lại trấn an họ bằng lời cảm ơn và xin lỗi.

Anh Nguyễn sống ở Đức, Mỹ, Tây Ban Nha tổng cộng 11 năm và từng làm người mẫu tự do, fashionista trong thời gian dài. Bởi vậy, nhìn vào ngoại hình và phong cách của 9X, nhiều người thường nhầm cô là gái Tây.

Điều này cũng khiến cô gái 24 tuổi gặp một vài rắc rối trong thời gian đầu đi tình nguyện.

“Ban đầu, không ít người ngạc nhiên và ngần ngại khi giao trách nhiệm cho mình vì vẻ bề ngoài. Hiểu được điều đó, mình không buồn mà chỉ tập trung làm tròn trách nhiệm. Đến giờ, mỗi lần lên nhận nhiệm vụ, các cô chú ai cũng vui vẻ và tin tưởng, nhiều khi còn gọi đùa là ‘cô bé tóc vàng’ khiến mình rất vui”, Anh Nguyễn nói.

9X cũng đã quen với những ánh nhìn bất ngờ từ người xung quanh khi thấy cô gái tóc vàng, nhìn “Tây Tây” nhưng đeo bảng hiệu “tổ công tác” ở trước ngực.

“Đó là những kỷ niệm có lẽ mình sẽ không bao giờ quên”, cô nói.

Anh Nguyễn khẳng định thêm: “Cho dù bạn là ai, làm gì, ngoại hình như thế nào không quan trọng. Tuổi trẻ mình mỗi người lại có năng lực và thế mạnh khác nhau. Chung tay làm việc nhỏ để hoàn thành một việc lớn! Mình làm được, bạn làm được! Mình mong mọi người không nhìn ngoại hình để đánh giá và phê phán”..

Ấn Độ yêu cầu người dân gửi ảnh selfie báo cáo mỗi giờ cách ly tại nhà

Nếu chống đối quy định này, người dân bang Karnataka (Ấn Độ) lập tức bị đưa đi cách ly ở các trại tập trung của chính phủ, vốn được biết đến với điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh.

Thảo Thu

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm