Nurman Farieka Ramdhany (25 tuổi, người Indonesia) là chủ thương hiệu giày da Hirka tại quê nhà. Không chỉ được làm hoàn toàn bằng tay, những đôi giày mang thương hiệu Hirka còn có chất liệu đặc biệt. Đó chính là từ da chân gà. |
Vì da các loài động vật bò sát như cá sấu, rắn… vốn vấp phải nhiều sự chỉ trích và tranh cãi trong giới mộ điệu, Nurman muốn tìm đến một loại chất liệu có thể thay thế. Đó là lý do tại sao anh chọn da từ chân gà bởi chúng có kết cấu và hoa văn tương tự như da rắn hoặc da cá sấu. |
Tuy nhiên, chân gà Nurman sử dụng không phải đồ mới mà là sản phẩm bỏ đi từ các nhà hàng thức ăn nhanh và chợ. Vì đóng giày từ phế phẩm nên da chân gà phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý. Một đôi giày hoàn chỉnh phải mất tới 10 ngày gia công và lấy da từ 45 chiếc chân gà. |
Dù vậy, việc lấy nguồn nguyên liệu từ phế phẩm của các nhà hàng và chợ giúp doanh nhân trẻ 9X có thể giảm thiểu được khá nhiều chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, ý tưởng này còn giúp hạn chế lãng phí thực phẩm. Tập đoàn tư vấn Boston từng dự báo chất thải thực phẩm sẽ tăng gần 1/3 đến hơn 2 tỷ tấn vào năm 2030. |
Mỗi ngày, Nurman thu thập khoảng 55 kg chân gà từ một số người bán hàng tại chợ Bandung, gần nơi anh sinh sống. Cơ sở sản xuất của anh cũng đóng đủ loại giày cho nam, giày cao gót, thậm chí cả giày thể thao. Tuy nhiên, chỉ có 70 đôi giày được hoàn thành mỗi tháng để đảm bảo chất lượng tốt nhất. |
Theo Reuters, cha của Nurman mới là người nghiên cứu và khuyến khích anh làm giày từ chân gà. Hiện 2 cha con Nurman và một nhóm 5 người nữa đang là những nhân công chính của shop giày Hirka. |
9X cho biết một đôi giày có giá dao động trong khoảng 35-140 USD. Khách hàng cũng có những phản hồi tích cực về sản phẩm này khi trực tiếp mua và trải nghiệm giày từ chân gà. "Tôi chỉ nghĩ chân gà để làm thức ăn chứ không hề biết có thể đóng giày. Điều đó thật thú vị và độc đáo", một khách hàng chia sẻ. |
Nurman hy vọng sản phẩm này có thể thay thế những đôi giày từ da động vật bò sát trong tương lai. Anh cũng mong khách hàng hiểu được giá trị từ việc làm của mình và có cái nhìn khác về rác thải thực phẩm. |