"Mình đã đăng ký hiến tạng khi chết não. Mong rằng, mọi người luôn khỏe mạnh, giảm thiểu những ca cần ghép tạng. Mình đã làm vậy, số người đăng ký hiến tặng chỉ vài nghìn trong đất nước hơn 90 triệu dân này. Những người cần ghép tạng thường nghèo, không có kinh phí để thực hiện".
Những chia sẻ đó của T.T.N. trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ.
N. cho biết ngày 19/6, cô đã làm thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi chết tại trung tâm điều phối ghép của Bộ Y tế.
Bài chia sẻ về hiến tạng của N. được nhiều người quan tâm. |
Cô gái cho hay đã có ý định này từ năm học lớp 11, liên quan câu chuyện buồn về người bạn mắc bệnh hiểm nghèo.
“Năm đó, mình chứng kiến sự ra đi của người bạn thân mắc chứng suy thận. Chỉ vì không chờ được người tình nguyện hiến thận để ghép, bạn ấy bị trầm cảm, rồi tự tử”, N. kể lại.
Từ đó, 9X Yên Bái ấp ủ mong muốn làm việc điều gì đó để giúp những người bệnh như bạn mình.
N. có ý định đăng ký hiến tạng từ khi cô học lớp 11. Ảnh: NVCC. |
Theo cô bạn, ở nước ngoài, việc hiến tạng không phải chuyện lạ nhưng ở Việt Nam còn ít người quan tâm, đăng ký. Theo cô được biết, khoảng 5.000 người trên tổng số hơn 90 triệu dân đăng ký hiến tạng, trong khi hàng trăm nghìn bệnh nhân chờ được cứu sống.
N. bảo cô quyết định chia sẻ thông tin lên mạng xã hội không phải để khoe khoang mà mong muốn truyền đi thông điệp ý nghĩa. Cô mong mọi người tìm hiểu kỹ hơn về mục đích của việc làm này, cũng như thay đổi quan niệm để những người chờ cấy ghép tạng có thêm cơ hội được sống.
“Mọi người nên tìm hiểu kỹ hơn về việc hiến tạng và ý nghĩa nhân văn của việc này. Bạn sẽ hiến tạng sau khi không may mắn bị chết não. Mình muốn dành những phần của cơ thể của bản thân, tạo thêm cơ hội sống cho người khác”, N. nói.
Tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng N. được bệnh viện cấp. Ảnh: NVCC. |
9X cho biết thêm khoảnh khắc ký tên vào đơn xin hiến tạng, cô run không phải vì sợ mà vì biết mình vừa làm được một việc có ích.