Á khôi Cảnh sát bật khóc giữa sóng gió Trường Sa
"Khi chúng tôi nói chuyện và hát ca khúc “Xa khơi” qua bộ đàm với các chiến sĩ của giàn DK1 ai cũng khóc vì xúc động".
Đó là lời chia sẻ của nữ cảnh sát tương lai Lương Thị Thu Thảo (SN 1993), sinh viên chi đoàn B1 khóa D37, chuyên ngành Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, HV Cảnh sát Nhân dân (Hà Nội) trong chuyến đi đến 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Nghẹn ngào khi hát qua bộ đàm cho chiến sĩ Giàn DK1
- Vừa giành giải á khôi 1 cuộc thi Sinh viên Cảnh sát thanh lịch 2013, luôn có một thành tích học tập tốt, nhưng bạn còn có thời gian tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường?
- Ngay từ năm thứ nhất, mình đã tham gia Đội văn nghệ xung kích của học viện. Sở trường của mình là các ca khúc truyền thống cách mạng và cũng chính từ đây mình đã có rất nhiều chuyến đi giao lưu văn nghệ ý nghĩa. Trong đó, chuyến đi đến với Trường Sa là kỷ niệm mà mình không bao giờ quên.
Mình rất vinh dự được đại diện cho các sinh viên Học viện Cảnh sát cùng các thầy cô trong ban giám đốc nhà trường tới thăm và tặng quà các chiến sỹ của 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Chuyến đi đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với cô gái xinh xắn Lương Thị Thu Thảo (thứ 2 từ trái sang). |
- Chuyến đi đó đã để lại cho bạn ấn tượng, cảm xúc gì sâu sắc nhất?
- Có những đảo chìm, đoàn chỉ được lưu lại đảo một tiếng đồng hồ hay những lần say sóng nhưng mình cảm nhận sự nhiệt tình, hồn hậu của các chiến sĩ.
Và chuyến đi ấy, mình không thể quên được buổi giao lưu với các chiến sĩ trên nhà Giàn DK1 – là địa điểm cuối cùng của chuyến công tác 10 ngày của đoàn.
Được tận mắt chứng kiến, mình hết sức ngỡ ngàng trước hình ảnh một ngôi nhà bé, chông chênh giữa biển trên 4 thanh trụ sắt. Mỗi lần sóng đánh mạnh, tưởng chừng ngôi nhà ấy có thể bị cuốn trôi đi.
Vì thời tiết không thuận lợi, sóng biển dữ dội nên đoàn chỉ có thể giao lưu với các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 qua bộ đàm. Mặc dù nhà giàn và con tàu không cách nhau là mấy nhưng mọi người trên tàu và các chiến sĩ chỉ biết đứng nhìn và vẫy tay chào nhau thôi. Khi nói chuyện và hát qua bộ đàm ai cũng khóc vì xúc động và mình nghẹn ngào dành tặng các anh chiến sĩ ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
Khi buổi giao lưu qua bộ đàm kết thúc, con tàu bắt đầu chạy xa dần khu nhà giàn DK1, mọi người tạm biệt nhau và khi ấy các chiến sĩ đã cầm cờ tổ quốc chạy vòng qua nhà giàn đuổi theo tàu. Mình đã khóc vì tự hào, vì xúc động.
Cuộc hành trình 10 ngày mặc dù bị say sóng nhưng Thảo vẫn vui vẻ, tươi tắn. |
- Đến các đảo nhỏ thuộc Trường Sa, bạn cảm thấy cuộc sống ở đó như thế nào?
- Xung quanh mình đều là biển, những cơn gió thổi vào không chút mát lành mà chỉ mặn chát muối, đất khô cằn nên rất kén cây, nước ngọt không có, thực phẩm cung cấp từ đất liền ra cũng không phải là tươi sống mà chỉ là thịt hộp…
Mặc dù gặp vô vàn khó khăn về vật chất nhưng cuộc sống của các chiến sĩ nơi đây không hề buồn chán và tẻ nhạt. Những luống rau xanh tươi, những giỏ phong lan hoa vẫn thắm, những bữa cơm mời khách rất đặc biệt bởi những thứ mà các chiến sĩ tự làm ra được.
- Người ta thường nói các chiến sĩ ngoài hải đảo lãng mạn, yêu đời và lạc quan. Bạn có thấy thế không?
- Họ có tâm hồn rất trẻ. Mình được các chiến sĩ tặng những con ốc rất đẹp được đánh bóng cẩn thận hay những nhánh san hô không dễ gì tìm được. Ai cũng cười nói rất vui vẻ, vồn vã hỏi han chuyện ở đất liền. Các anh ấy đặc biệt bởi làn da rám nắng khỏe mạnh, bởi một vẻ ngoài phong sương và nụ cười giòn tan khi nói về những khó khăn như không hề có trên đảo.
- Giả sử có một anh chiến sĩ Trường Sa tỏ tình và nói yêu bạn, Thu Thảo có sẵn sàng đáp lại tình cảm đó?
- Nếu có một chiến sĩ tỏ tình thì mình sẽ vẫn ôn hòa nói chuyện. Nếu thấy hợp và có tình cảm thì mình không ngại gì cả. Bởi vì nếu ai cũng ngại ngần thì hạnh phúc nào sẽ dành cho các chiến sĩ ấy? Mình có quan niệm tình yêu là không biên giới, tình yêu có đẹp, có hạnh phúc trọn vẹn chỉ khi cả hai cùng biết hy sinh cho những điều lớn lao hơn cả.
Con gái cảnh sát mạnh mẽ, quyết đoán
- Bạn có nghĩ con gái học ngành cảnh sát lúc nào cũng cứng nhắc, khô khan không?
- Có lẽ đó là hình ảnh khi mọi người nhìn thấy chúng mình trên thao trường tập võ, bắn súng hay khi khoác trên mình bộ cảnh phục mà thôi. Để trở thành một chiến sĩ cảnh sát thực sự mình nghĩ rằng sự mạnh mẽ quyết đoán phải đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, không phải là tất cả. Con gái trường Cảnh sát vô cùng duyên dáng, dịu dàng, khéo léo, tài năng như sinh viên các trường khác. Bằng chứng là các bạn có thể cảm nhận qua cuộc thi thanh lịch vừa rồi của trường mình.
- Học và rèn luyện trong môi trường nhiều con trai như vậy, là phái yếu bạn có được ưu ái không?
- (Cười) Ở một khía cạnh nào đó, chúng mình luôn được ưu ái, được quan tâm hơn cả. Tuy nhiên không vì thế mà chúng mình lại mềm yếu, dựa dẫm. Ngược lại, tụi mình càng phải quyết tâm học tập rèn luyện để không thua kém các bạn nam.
- Vất vả nhiều, khó khăn nhiều khi sống trong môi trường kỷ luật, nghiêm khắc, vậy bạn có bao giờ hối hận khi chọn theo ngành này không?
- Chưa bao giờ mình thấy hối hận khi đã chọn theo ngành cảnh sát vì đây là ước mơ từ rất lâu mà mình cố gắng thực hiện.
Mình sẽ phấn đấu trở thành giảng viên của Học viện Cảnh sát để tiếp tục ươm mầm xanh cho tổ quốc. Sẽ rất khó khăn nhưng mình không bỏ cuộc bởi mình luôn tâm đắc rằng “Nếu như không quyết định được chiều dài cuộc sống thì bạn hãy quyết định lấy chất lượng cuộc sống ấy”.
- Gửi lời nhắn nhủ với các nữ sinh đang có ý định thi vào HV Cảnh sát, Thu Thảo sẽ nói điều gì?
- Nếu các em nữ đang có dự định thi vào trường thì đừng ngần ngại hay e dè vì điều gì cả. Hãy cố gắng bằng niềm tin, nghị lực và ước mơ mình đang có.
Theo TTVN