Những ông chủ Trung Quốc chưa bao giờ là điềm lành với AC Milan vĩ đại. |
Thông tin này đang khiến những CĐV Milan sống trong lo lắng, mà thật ra họ đã luôn như vậy ngay từ khi cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất diễn ra. Những người Trung Quốc chưa bao giờ cho thấy sự tin tưởng tại nửa đỏ thành Milan.
Li YongHong là ai?
Li YongHong là nhà đầu tư thứ... mười muốn mua lại Milan từ tay của Silvio Berlusconi kể từ năm 2007, thời điểm mà Milan vẫn là nhà ĐKVĐ Champions League và sở hữu trong đội hình những siêu sao lớn của bóng đá thế giới như Kaka, Andrea Pirlo, Alessandro Nesta hay Filippo Inzaghi. Trong mười năm ấy, hàng loạt những nhà đầu tư từ khắp thế giới đã muốn nắm quyền kiểm soát Milan từ tay cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi - người đã gắn bó với CLB từ năm 1986 và đưa sắc đỏ đen trở thành một đế chế vĩ đại của lục địa già.
Từ Nhật Bản, Saudi Arabia, Singapore, Thái Lan và cuối cùng là Trung Quốc, những đại gia đã tiếp cận Milan với nhiều hình thức và tham vọng khác nhau. Cuối cùng Li YongHong đã là người chiến thắng khi chấp nhận chi tới 740 triệu euro. Toàn bộ quá trình đàm phán kéo dài gần hai năm.
Trước khi những người Trung Quốc tới, Milan đã suýt thuộc về tay doanh nhân Thái Lan, Bee Taechaubol, người đã hứa hẹn về những khoản tiền kếch xù cùng tương lai xán lạn cho CLB để rồi thời gian vạch trần ra rằng “Mr Bee” chỉ dùng vụ mua bán Milan như một công cụ PR gián tiếp cho tập đoàn của mình.
Việc trở thành một “món hàng” theo đúng nghĩa đen của từ này khiến những Milanista có tư tưởng bài ngoại tỏ ra hoài nghi khi Li YongHong tiếp cận Milan. Sự thật cũng nói rằng những người Trung Quốc có tung tích và cách hành xử khá đáng ngờ. Li YongHong hoàn toàn vô danh tại Trung Quốc, những thông tin ít ỏi trên Internet cũng chỉ nói rằng Li có tổng tài sản rơi vào khoảng 500 triệu euro. Để có đủ tiền thanh toán việc mua lại Milan, Li đã phải vay tiền của quỹ Elliott tại Mỹ một khoản lên tới 300 triệu euro tính lãi suất cao. Thậm chí khi chỉ cần chuyển tiền là thương vụ được hoàn thành, tiền của Li cùng đồng sự cũng bị “trục trặc” gần một tuần tại Luxembourg - địa bàn nổi tiếng nhất châu Âu với những hoạt động... rửa tiền.
Ngay cả khi thương vụ được hoàn thành, và Li YongHong chi ra tới 200 triệu euro trong mùa hè 2017 để mang về gần như nguyên một đội hình mới cho Milan thì những hoài nghi cũng không giảm đi. Khi mùa giải mới bắt đầu, và đoàn tàu Milan không đi đúng hướng (một hệ quả tất lẽ dĩ ngẫu của việc mua quá nhiều người), tấm màn che lai lịch của Li YongHong cũng dần được hé mở.
Qua rồi thời đại Silvio Berlusconi, AC Milan những năm qua vẫn là một công trường dang dở. |
Tờ New York Times đã cử người đến Trung Quốc để tìm lai lịch của ông chủ mới Milan. Như đã đề cập, không ai ở Trung Quốc biết Li YongHong là ai. Li nói rằng mình sở hữu một công ty sản xuất phốt phát, song trên thực tế công ty này thuộc về một quỹ cho vay tại tỉnh Quảng Đông với những ông chủ được thay đổi suốt vài năm qua (một số người này đều có tên là Li).
Li ShangBing, một trong những ông chủ của quỹ này thừa nhận qua điện thoại rằng “không biết Li YongHong là ai”. Những “ông chủ” khác bên cạnh Li ShangBing thường xuyên bán cả công ty cho nhau trong vài năm qua, một chiêu trò lách luật ở mức cơ bản nhất. Ngoài công ty phốt phát này, Li ShangBing còn có liên hệ mật thiết với Guangdong Lion (một trong số những công ty miễn phí ở trên), và thật bất ngờ là Li YongHong cũng từng sở hữu công ty này. Đáng nói, GuangDong Lion giờ đã biến mất sau khi không thể thanh toán những khoản nợ.
Trước và sau khi bán đi GuangDong Lion chỉ vài ngày, Li ShangBing đã lập ra hai công ty có tên gần như giống hệ nhau là “Công ty quản lý thể thao Sino-Europe” và “Công ty đầu tư thể thao Sino-Europe”. Hai công ty này giờ đều là tài sản của Li YongHong, và sở hữu một phần cổ phần của Milan với tư cách cổ đông.
Những mối quan hệ rối rắm, cùng những giao dịch mập mờ đã vạch trần bộ mặt thật của Li YongHong. Doanh nhân sinh năm 1969 không phải ông chủ của một tập đoàn lớn nào, khối tài sản của Li chỉ có dựa trên những giao dịch bán công ty qua lại và ăn tiền chênh lệch, một kiểu tư duy chộp giật không lâu bền. Nói ngắn gọn: tài sản của Li YongHong chỉ là “hàng fake”.
Sự thực là Li YongHong đã lên kế hoạch bán Milan ngay khi thành tích trên sân cỏ của Rossoneri không đảm bảo một suất tham dự Champions League mùa tới, điều mà có thể giúp Li thu về khoảng 40 triệu euro để trả lãi cho Quỹ Elliottt. Mới đây tờ Corriere della Serra đưa tin công ty Jie Ande của Li YongHong tại Thẩm Quyến đã tuyên bố phá sản. Báo chí thế giới hay giới mộ điệu quan tâm tới Milan có thể đang phát sốt vì thông tin này, song nếu như đặt trong bối cảnh Li YongHong đã bán qua bán lại những công ty đến mức có được tài sản ròng là 500 triệu euro thì việc thêm một công ty nữa bị phá sản hoàn toàn không phải vấn đề lớn.
Điều đáng bàn ở đây đó là, Milan với Li YongHong liệu có khác gì những GuangDong Lion, “Công ty quản lý thể thao Sino-Europe” hay chính Jue Ande hay không mà thôi.
Tương lai nào cho Milan
Viện công tố thành phố Milan không phải những tay mơ đến mức không nhìn ra những điểm đáng ngờ trong phi vụ chuyển nhượng quyền sở hữu này. Báo chí Italy, dẫn đầu là tờ Corriere della Serra cho hay, công tố viên De Pasquale đã gửi mười trang báo cáo về những nghi ngờ trong vụ chuyển nhượng này tới ngân hàng, cảnh sát lẫn cơ quan thuế vụ. Sau khi nhận xét chính xác tình hình, các cơ quan này đã bật đèn xanh để Viện công tố thành phố Milan mở cuộc điều tra nhắm vào những ông chủ người Trung Quốc của Milan.
Thông tin này đến ngay sau khi có thông tin công ty Jie Ande của Li YongHong tuyên bố phá sản vì không thể thanh toán các khoản nợ, đồng thời tài sản của ông chủ Milan đang bị rao bán trên Taobao, một trang mạng bán đồ trực tuyến kiểu Ebay tại Trung Quốc. Phía Li YongHong khẳng định thông tin ông bị phá sản chỉ là tin giả. Song chuyện viện công tố Milan mở cuộc điều tra nhắm vào người đàn ông có lai lịch mờ ám này là thật.
Thành tích trên sân cỏ của Milan đang tốt dần lên trong vài tháng trở lại đây. Gennaro Gattuso đã đưa Rossoneri bất bại tại Serie A trong năm 2018, đồng thời lọt vào trận chung kết Coppa Italia gặp Juventus. Tức nếu không có một cơn động đất nào đó xảy ra trong phần còn lại của mùa giải, ít nhất Milan cũng đã có một suất tham dự Europa League mùa tới.
Gennaro Gattuso có thể giúp AC Milan thăng hoa trên sân cỏ nhưng không thể cản được cuộc khủng hoảng trong hậu trường. |
Song với tình hình như hiện tại, Milan còn đang đứng trước nguy cơ bị UEFA phạt không cho tham dự cúp châu Âu vì vi phạm “Luật công bằng tài chính” (FFP). Milan sẽ cần phải trả khoản lãi trị giá 40 triệu euro cho Quỹ Elliott trước khi mùa giải này kết thúc. Nếu ông chủ Li YongHong không thể làm điều này, Quỹ Elliott có quyền mua lại cổ phần Milan từ tay những ông chủ người Trung Quốc với giá rẻ, và chính thức chiếm quyền kiểm soát CLB.
Trong trường hợp điều này xảy ra, Milan sẽ lại trở thành một món hàng được rao bán để những người Mỹ thu hồi vốn. Mới nhất, Alliser Usmanov, tỷ phú người Nga và cũng là một cổ đông lớn của Arsenal được cho là đã có những thiện chí nhất định trong việc mua lại Milan. Cần nhấn mạnh, đây là thời điểm mà Li YongHong còn chưa chính thức bán Milan mà đã xuất hiện những tin đồn đối tác hỏi mua.
Điều này gần như một lời khẳng định gián tiếp rằng: Milan sẽ còn trải qua những rắc rối thượng tầng trong thời gian dài trước mắt. Bên bị thiệt hại nhiều nhất dĩ nhiên là CLB Milan và những CĐV trung thành của họ. Khi những giấc mơ còn chưa thể chắp cánh với bệ phóng 200 triệu euro, những Milanista đã phải cúi đầu với thực tế phũ phàng về những ông chủ mập mờ.
Để trở lại với vinh quang hiển hách trong quá khứ, Milan cần rất nhiều tiền. Nhưng tiền không phải tất cả, đó sẽ còn phải là sự quản lý sáng suốt, minh bạch ở cấp thượng tầng.