Ở Trung Quốc, khoảng 1/4 phụ nữ được cho là từng bị bạo hành. Theo Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, cứ 7,4 giây lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, theo Channel News Asia.
Sau 6 năm chịu đựng vô số trận đòn roi, Yang Xi (41 tuổi, Thiểm Tây) đã sát hại chồng.
Mô tả cuộc sống của bản thân là "tồi tệ hơn địa ngục", Yang vẫn cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng khi người chồng vũ phu tiến đến cô với một sợi dây, một chiếc rìu, đe dọa sẽ làm hại cả gia đình, thậm chí là đứa con nếu cô không tự sát đã trở thành giọt nước làm tràn ly.
“Trước đây, anh ta cũng đe dọa tôi và thường làm đúng như những gì đã nói. Cuối cùng, những uất ức bao năm trong tôi cũng bùng phát. Tôi không ngờ mình có đủ can đảm để làm một việc như vậy", Yang nói.
"Sau sự việc, tôi rất sợ hãi nhưng cũng nhẹ nhõm khi biết rằng sẽ không còn ai đánh đập bố, mẹ, tôi và con nữa".
Yang (áo đen) hai lần trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Ảnh: CNA. |
Lần đầu tiên Yang bị bạo hành là năm 17 tuổi. Hôn phu của cô trở nên bạo lực khi cô yêu cầu hoãn đám cưới. Theo lời mẹ Yang, anh ta "kém cỏi" và sợ Yang sẽ thay đổi quyết định kết hôn.
Hơn hai năm, mối quan hệ này ngày càng tồi tệ. Một ngày nọ, chồng sắp cưới bạo hành dã man, làm cô mất đi đôi mắt trong một lần hai người tranh cãi. Anh ta bị kết án tử hình.
Cảm thấy một người phụ nữ mù, không chồng khó có thể tồn tại ở vùng quê nghèo, Yang đến với người chồng vừa rồi song bi kịch vẫn tái diễn.
Sau khi gây án, Yang bị tuyên 12 năm tù và được phóng thích sau 8 năm nhờ cải tạo tốt. Khi học nghề massage trong tù, Yang gặp nhiều phụ nữ cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Quyền lực gia trưởng
Trung Quốc vẫn là một xã hội truyền thống coi trọng sự hòa thuận trong gia đình, phát sinh từ chế độ phụ hệ của Nho giáo. Ở một số vùng, đánh vợ còn được xem là biểu hiện của “quyền lực gia trưởng”, theo Ma Sainan, luật sư chuyên xử lý các vụ án hôn nhân và gia đình tại công ty luật Jiali.
“Một số đàn ông không nghĩ đánh vợ là điều gì đó trái đạo đức và thậm chí còn có thể tự hào về nó", cô nói.
Lin Shuang, tình nguyện viên chống bạo lực gia đình ở Thượng Hải trong 8 năm, cho biết nhiều phụ nữ phải chịu đựng hơn 30 đợt bạo hành trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc đến gặp cảnh sát.
Ngay cả sau khi ly hôn hoặc rời bỏ kẻ bạo hành, một số nạn nhân vẫn chưa được giải thoát.
Vào tháng 9/2020, Lạp Mẫu, vlogger người dân tộc Tạng ở châu tự trị Ngawa (tỉnh Tứ Xuyên), qua đời do bị chồng cũ thiêu sống. Cái chết của cô khiến nhiều người phẫn nộ.
Sau khi ly hôn, vlogger Lạp Mẫu bị chồng cũ sát hại. Ảnh: Weibo. |
Dù tỷ lệ nạn nhân ở nông thôn cao hơn, bạo lực gia đình vẫn xuất hiện rất nhiều ở các thành phố. Theo Ma, những kẻ bạo hành còn giữ bí mật về hành vi của mình để giữ hình tượng tốt đẹp với hàng xóm và đồng nghiệp.
Wei La (Thượng Hải, không phải tên thật) là doanh nhân thành đạt. Người đàn ông cô gặp vào năm 2019 đã nhanh chóng trở thành kẻ thao túng cuộc sống cô.
Một đêm, vì trễ hẹn vài phút, Wei hứng chịu những cú đánh vào đầu, bụng.
“Tôi cảm thấy như mình sắp chết", cô nhớ lại.
Khi Wei chớp lấy cơ hội để chạy ra khỏi nhà, bạn trai đuổi theo và lôi cô ra khỏi taxi. Chỉ sau khi được một cặp vợ chồng đi ngang giúp đỡ, cô mới đến được chỗ của một người bạn.
Gã bạn trai liên tục quấy rầy, đe dọa sẽ hại cả gia đình Wei và đến làm loạn ở công ty cô.
“Bạn bè hỏi tại sao tôi không chia tay anh ta nhưng tôi không thể giải thích được. Không phải tôi không muốn mà là anh ta giống như miếng kẹo cao su, ngay cả khi dùng tay kéo nó ra thì vẫn còn sót lại vết bẩn".
Lỗ hổng
Những năm gần đây, các nhà chức trách tại quốc gia tỷ dân đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng tồn tại. Họ cũng nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc thay đổi tư tưởng, đảm bảo rằng các chuẩn mực và quan niệm cổ hủ không được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Mỗi năm, khoảng 157.000 phụ nữ Trung Quốc tự tử. Trong một nghiên cứu năm 2016 của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, 60% các trường hợp có liên quan đến bạo lực gia đình. Cùng năm, chính phủ nước này ban hành luật bạo lực gia đình, cho phép nạn nhân yêu cầu lệnh bảo vệ chống lại những kẻ bạo hành họ.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các khiếu nại về bạo lực gia đình gửi đến liên đoàn phụ nữ trong năm 2019 đã giảm 8,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng đây không phải là bức tranh toàn cảnh.
Wei không thể thoát khỏi gã bạn trai bạo lực vì bị anh ta đeo bám. Ảnh: CNA. |
“Khi nạn nhân chịu tổn thương nặng nề, thẩm phán vẫn tính đến 'mâu thuẫn gia đình' như một yếu tố giảm nhẹ để đưa ra bản án nhẹ hơn. Thật khó hiểu. Nếu bạn đánh ai đó trên đường phố, bạn có thể phải đối mặt với án tù 3-7 năm. Tuy nhiên, đối với bạo lực trong môi trường gia đình, án phạt thường là 3 năm, hiếm khi lên đến 7 năm", luật sư Ma nhận xét. Cô cho rằng luật pháp hiện hành chưa đi đủ sâu và đủ tính răn đe.
"Bên cạnh đó, nhiều cảnh sát chưa được đào tạo đầy đủ khi giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Chẳng hạn, họ thường cho rằng vết thương của nạn nhân 'quá nhẹ'", Lin nói.
Theo cô, nạn nhân thường phải làm "rất nhiều việc" sau khi đến gặp cảnh sát, ví dụ như tự thu thập bằng chứng và ghi lại thương tích của họ.
Feng Yuan, đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ về quyền phụ nữ và bình đẳng giới ở Bắc Kinh, cho biết thêm nhiều nạn nhân hiện sẵn sàng gọi đến đường dây nóng của cảnh sát và luật pháp quy định tất cả cuộc gọi này phải được trả lời.
“Nhưng vấn đề là phần lớn cuộc gọi không được phản hồi đúng cách. Khi cảnh sát biết đó là vấn đề gia đình, họ thường chỉ cho nạn nhân một số lời khuyên bình thường, thậm chí xem đó là chuyện riêng của vợ chồng và không giải quyết một cách hợp lý”, Feng nhận định.