Streamer nữ thường xuyên bị quấy rối trên sóng trực tiếp. Ảnh: Park Min Jeong. |
Vào 5h18 ngày 3/9, streamer Seo Mi Do (31 tuổi) giật mình tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng bấm nút trên ổ khóa vào căn hộ của mình. Một người đàn ông đội mũ đen, đeo khẩu trang che mặt xuất hiện cạnh giá để giày ở lối vào nhà cô.
Trong khi Seo còn đang chết lặng vì sợ hãi, một thành viên trong gia đình hét lớn vào mặt kẻ đột nhập: "Mày là ai?".
Nghe thấy tiếng đàn ông, kẻ đột nhập thốt lên "chết tiệt" và nhanh chóng chạy khỏi nhà.
"Hôm đó nếu ở nhà một mình, không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với tôi", Seo nói với Hankyoreh.
Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, Seo mới biết danh tính kẻ đột nhập là A (42 tuổi), người thường xuyên xem các chương trình phát sóng của cô trên AfreecaTV.
Rình rập, quấy rối
Mỗi khi Seo livestream, A thường để lại tin nhắn trò chuyện và gửi tiền donate cho cô nhiều lần. Tần suất người này tương tác nhiều đến mức nữ streamer nhớ cả biệt danh của anh ta.
Dường như A đã tìm ra mật khẩu khóa nhà Seo - ngày tháng năm sinh cô - thông qua thông tin thu thập được khi xem chương trình của nữ streamer.
"Tôi thường phát trực tiếp khoảng 3-4 tiếng nên hay đề cập đến thông tin cá nhân mà không để ý. Cho dù cẩn thận đến đâu, thật khó để không tiết lộ bất kỳ thông tin nào khi nói chuyện nhiều giờ", Seo chia sẻ.
Căn phòng nơi Seo livestream, nói chuyện với người hâm mộ. Ảnh: Jang Na-rye/The Hankyoreh. |
Khai với cảnh sát, A nói đã đột nhập vào nhà Seo vì "tò mò" về cuộc sống của cô. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại, máy tính của người này và xem xét khả năng áp dụng luật chống rình rập.
Tuy nhiên cuối cùng, cảnh sát gặp khó khăn trong việc buộc A tội rình rập vì ngoài vụ việc trên, họ không thể tìm thấy bằng chứng khác cho thấy A liên tục theo dõi hoặc liên lạc với Seo. Điều này khiến cô càng thêm lo lắng.
"Việc chuyển đi không dễ vì tôi còn vướng thời hạn thuê nhà và nhiều lý do khác. Tôi cũng không biết tại sao nạn nhân lại phải chạy trốn như vậy".
Khi làm streamer, Seo thường xuyên bị nhiều người tiếp cận, nói rằng muốn cô dạy họ cách điều chỉnh camera hay thể hiện những hành động ám ảnh như muốn hẹn hò hoặc theo dõi cô. Cũng vì tính chất công việc, cô thường phải giao tiếp gần gũi với người xem trong thời gian thực để kiếm tiền và rất khó để thoát khỏi cảnh bị lợi dụng.
"Khi người xem donate, tôi nhận được rất nhiều yêu cầu như đi hẹn hò, nói 'em yêu anh' kèm tên cụ thể hoặc mặc đồ hở hang. Họ nghĩ những điều đó là bình thường vì đã gửi tiền tặng tôi", Seo kể.
Seo bỏ công việc livestream vì không chịu được áp lực. Ảnh: Jang Na-rye/The Hankyoreh. |
Quấy rối tình dục, chửi rủa hay các kiểu tấn công khác nhắm vào các streamer là điều không lạ ở Hàn Quốc.
"Ngay cả khi bị quấy rối trước mặt nhiều người xem, tôi vẫn phải cười trừ chịu đựng vì họ đã gửi quà. Nhưng tôi thực sự không thể kiểm soát được vẻ mặt của mình".
Mệt mỏi với những gì phải đối mặt, Seo đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát đối với 4 người xem vì tội quấy rối tình dục. Song cuối cùng, không thể chịu đựng thêm, cô từ bỏ công việc streamer sau 6 tháng.
"Tôi dằn vặt khi nghĩ rằng việc tôi giao tiếp thân thiết với người xem để nhận quà có thể đã khơi dậy những cảm xúc lãng mạn trong họ", cô chia sẻ.
Khó xử lý
Việc streamer chia sẻ về bản thân - làm tăng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân - là nhằm thu hẹp khoảng cách giữa họ và người xem. Vấn đề này cũng liên quan đến chuyện donate, nguồn thu quan trọng của người làm phát sóng.
"Những nghệ sĩ giải trí thường được xem như đối tượng ngưỡng mộ từ xa trong khi streamer có phần gần gũi hơn, không khác là bao so với người xem họ", Lee In Hwan, luật sư công ty luật Jeha, từng đại diện cho một số streamer trong các vụ án liên quan đến rình rập, cho biết.
"Nhìn vào động cơ đằng sau hành vi phạm tội của những kẻ theo dõi, có thể thấy nhiều trường hợp họ hiểu nhầm phản hồi của streamer với họ trong các cuộc trò chuyện là 'sự thân mật' hoặc có yếu tố lãng mạn", anh nói thêm.
Chính vì những lý do như vậy mà Kim, streamer ở độ tuổi 20, phải chuyển đến căn hộ có camera giám sát ở mỗi tầng vào tháng trước. Sau khi đề cập trong một buổi phát sóng rằng cô cảm thấy không khỏe, cô liền nhận được một túi thuốc treo ở tay nắm cửa.
Một lần khác, Kim bắt gặp một người đàn ông đang áp tai vào cánh cửa căn hộ của cô nghe ngóng. Người này tự nhận là fan của Kim. Cô cũng liên tục thấy một người hâm mộ khác ngồi đợi ở quán cà phê gần nhà mỗi khi ra ngoài.
Nhiều streamer bị fan cuồng làm phiền, rình rập cuộc sống riêng dưới danh nghĩa hâm mộ. Ảnh minh họa: Minmin. |
Khi được Kim hỏi làm thế nào biết nơi cô sống, những người này cho biết cánh cửa phòng cô thường lấp ló trên màn hình. Nhờ đó, họ có thể lờ mờ đoán ra vị trí thông qua nhìn những biển hiệu hàng quán gần đó, phía sau cửa sổ.
Những người hâm mộ còn tiếp cận các thành viên gia đình Kim.
"Tôi luôn bảo với fan rằng điều này rất đáng sợ nhưng họ chỉ nói: 'Có chuyện gì vậy? Chúng tôi không làm hại bạn. Chúng tôi rất tốt'. Đối với streamer, việc chuyển đến địa điểm mới đồng nghĩa chúng tôi phải bỏ ra hàng chục triệu won để lắp đặt lại phòng phát sóng. Nhưng tôi không thể để điều này diễn ra với gia đình mình nữa, đây không phải là một quyết định dễ dàng".
Kim đã trình báo về người đàn ông áp tai nghe vào cửa nhà cô song kể từ đó, cô không báo cáo thêm về những trường hợp rình rập khác. Lần đầu tiên cô trình báo, cảnh sát từ chối buộc tội vì thiếu bằng chứng.
"Có tin đồn lan truyền giữa những người hâm mộ rằng tôi là người tồi tệ khi trình báo fan với cảnh sát dù họ không làm gì sai, kéo theo đó là tiền donate giảm đáng kể. Cũng vì lý do này, nhiều streamer không báo cáo vụ việc trừ khi nó thực sự nghiêm trọng".
Kim cho biết cú sốc khiến cô phải tạm dừng phát sóng nhưng sau đó phải quay trở lại.
"Tôi cần tiếp tục phát sóng, tôi cần tiền", cô bày tỏ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.