Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ác mộng Itaewon khiến Halloween trở thành cú sốc với giới trẻ Hàn Quốc

Nhiều người trẻ xứ kim chi từng coi việc dự tiệc Halloween ở Itaewon là biểu tượng cho sự "trưởng thành", "thú vị". Nhưng điều đó đã thay đổi sau thảm kịch hôm 29/10.

Đa số nạn nhân trong vụ hỗn loạn ở Itaewon là người trẻ tuổi. Ảnh: Reuters.

Đêm 29/10, Kim Seo-jeong (17 tuổi, một nữ sinh trung học) diện chiếc áo sườn xám, cầm trên tay chiếc quạt gấp cùng bạn mình - người hóa trang thành cô hầu gái - bước vào đám đông dự tiệc mừng lễ hội ma ở Itaewon, khu vui chơi nổi tiếng bậc nhất Seoul.

Nhưng sự phấn khích trước đêm hội thú vị nhanh chóng biến thành cơn ác mộng khi hàng nghìn người chen chúc, dẫm đạp lên nhau.

"Người ta bắt đầu xô đẩy và hô hào. Một người trước mặt tôi bị xô ngã, đẩy tôi ngã xuống theo. Tôi cố gắng la hét để kêu cứu nhưng tiếng nhạc quá lớn khiến giọng tôi chìm nghỉm", Kim nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi trả lời phỏng vấn New York Times.

Kim và người bạn cố gắng bò ra ngoài, rời khỏi con hẻm bằng cách nhích dần theo các bức tường. Những gì Kim chứng kiến ​​trên đường đi là sự hỗn loạn tuyệt đối.

Hơn 150 người đã thiệt mạng trong thảm kịch ở Itaewon. Theo Choi Seong-beom, một quan chức cấp cao của sở cứu hỏa Seoul, họ hầu hết đều là thanh thiếu niên hoặc ở độ tuổi 20.

Nhiều người coi vụ việc đau lòng là biểu tượng cho sự cách biệt thế hệ ở xứ củ sâm. Trong khi những người lớn tuổi ở quốc gia này đơn giản là không quan tâm đến Halloween, thì giới trẻ - đặc biệt là Gen Z - đã quen tổ chức lễ hội này hàng năm.

Nhưng thảm kịch ở Itaewon đã làm giảm sự phấn khích của những người trẻ Hàn Quốc như Kim đối với lễ hội này, theo Korea Times.

Lễ hội gắn liền với Gen Z

Có những lý giải khác nhau về cách Halloween - một nét văn hóa phương Tây - du nhập và trở nên phổ biến ở Hàn Quốc.

Lễ hội ma trở nên quen thuộc ở xứ kim chi từ những năm 1990, khi một số quán bar, câu lạc bộ đêm và khách sạn nằm xung quanh khu Itaewon bắt đầu tổ chức tiệc.

Nhiều phương tiện truyền thông khi đó mô tả sự kiện này là "kỳ quặc" và cáo buộc là "lai căng văn hóa", do trang phục và bầu không khí, cũng như thực tế nó có nguồn gốc từ các nước phương Tây.

Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, chỉ ra rằng những năm 1990 là thời điểm công dân nước ngoài - chủ yếu là thanh niên - bắt đầu đến Hàn Quốc. Họ đã đóng vai trò trong việc quảng bá Halloween tới giới trẻ, nhưng các sự kiện được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với bây giờ.

tham kich halloween anh 1

Những người dự tiệc rời đi sau vụ hỗn loạn ở Itaewon. Ảnh: Yonhap.

Koo cho biết Gen Z chính là thế hệ biến Halloween thành ngày hội bùng nổ, tạo nên bầu không khí náo nhiệt tại các khu vực giải trí về đêm, trong đó có Itaewon.

"Gen Z là nhóm có mong muốn thể hiện bản thân lớn nhất. Trước đây, nhiều người không dám mặc đồ hóa trang ra đường. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Gen Z bước vào tuổi trưởng thành", vị giáo sư bày tỏ.

Lee Taek-gwang, giáo sư văn học Anh tại Đại học Kyung Hee, cho biết "cơn sốt" tiếng Anh ở Hàn Quốc cũng góp phần vào việc giới trẻ nước này ăn mừng lễ hội vốn là truyền thống phương Tây hàng năm.

Theo ông, thanh thiếu niên và những người trẻ trong độ tuổi 20 đã học tiếng Anh từ thời mẫu giáo, và lễ hội ma chính là một trong những kiến thức họ được dạy.

"Vì vậy, những người đã tiếp xúc với Halloween trong những năm tháng ấu thơ cũng tự nhiên coi nó như một phần văn hóa của mình và tiếp tục ăn mừng khi đến tuổi trưởng thành", Lee nói trong một cuộc phỏng vấn truyền thông.

Lee nói thêm rằng các doanh nghiệp đã sử dụng Halloween như một phần trong chiến lược tiếp thị, góp phần lan tỏa sức ảnh hưởng của ngày hội này. Các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò trong việc biến Itaewon thành địa điểm hấp dẫn cho các cuộc vui chơi.

Không còn phấn khích

Kim Jae-jeong (24 tuổi) nói rằng truyền thông mạng xã hội đã định hình ấn tượng và niềm yêu thích của cô với lễ hội ma.

"Tôi dùng mạng xã hội từ thời trung học. Tôi luôn tin Halloween dành cho những người trưởng thành 'thú vị', 'nổi tiếng', vì nó được tổ chức vào ban đêm và mọi người hóa trang đẹp mắt".

Kim cũng muốn mình là một người trưởng thành "thú vị", "nổi tiếng", "giỏi giang" bằng những bức ảnh check-in khi tham gia lễ hội hóa trang ở Itaewon. Đến thăm khu phố này vào dịp Halloween đã nằm trong danh sách những việc cô muốn làm từ lâu.

tham kich halloween anh 2

Nhiều người trẻ không còn muốn lao vào lễ hội Halloween sau thảm kịch.

Thế nhưng, sự việc đau lòng ở Itaewon hôm 29/10 đã gây nên cú sốc tinh thần lớn đối với người dân Hàn Quốc và cả thế giới. Cảm xúc đau buồn bao trùm cùng ám ảnh với khung cảnh chết chóc khiến nhiều người nhìn nhận lại cách họ tham gia lễ hội ma trong tương lai.

"Tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể tận hưởng không khí lễ hội Halloween trong một thời gian vì tiếc thương những người đã chết ở Itaewon", Han Si-ha (26 tuổi) nói với Korea Times.

Han cho biết cô đã quen với việc tham dự Halloween từ thời là sinh viên năm nhất. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động tập trung bị hạn chế, cô từng có cơ hội ghé thăm Itaewon vài lần để tận hưởng không khí lễ hội và được hóa trang.

"Tôi thấy lễ hội này thực sự hấp dẫn vì bạn có thể trang điểm và khoác lên mình những bộ trang phục mà bình thường sẽ không dám mặc. Thật thú vị khi chia sẻ trải nghiệm tương tự với những người khác trên đường phố dù chẳng quen biết nhau", Han bày tỏ.

Thảm kịch ở Itaewon không đơn thuần là một vụ giẫm đạp

Các chuyên gia cho rằng trong thảm kịch ở Itaewon, mọi người thậm chí không có khoảng không để di chuyển. Đám đông xô đẩy, ngã lên nhau và chết chủ yếu do ngạt thở.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm