Adrian Anh Tuấn: 'Chỉ có những người không thông minh mới sao chép'
"Ảnh hưởng và sao chép là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, tôi nghĩ chỉ có những người không thông minh mới sao chép lại mẫu thiết kế của một ai đó", Adrian Anh Tuấn cho biết.
>> Thanh Trúc: 'Tôi chưa bao giờ có ý định từ giã sàn diễn'
>> Hoàng Yến - Ngọc Quyên quý phái trong sắc đen
>> Hoàng Yến, Ngọc Quyên làm mẫu cho bạn trẻ yêu thời trang
- Từng tốt nghiệp học viện thời trang quốc tế, có cơ hội tiếp cận cũng như làm việc cùng các thương hiệu nổi tiếng thế giới, điều gì đã khiến anh quay về Việt Nam và thành lập nên thương hiệu riêng?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản tôi là người Việt và yêu nơi tôi đang sinh sống nên muốn tạo dựng thương hiệu của mình tại đây, muốn góp một phần nhỏ vào ngành thời trang trong nước. Tôi nghĩ điều đó tạo điều kiện cho những tín đồ thời trang có được những sản phẩm đẹp, chất lượng, theo sát xu hướng thế giới mà không phải đi nước ngoài hoặc bỏ ra một số tiền quá lớn.
- Đã đi xa và mở mang tầm mắt, anh thấy nền thời trang Việt Nam có những cơ hội cũng như khiếm khuyết gì mà những người như anh có thể đầu tư và khai thác?
- Thời trang Việt Nam đang trên đường phát triển và đương nhiên trong quá trình ấy sẽ tạo ra nhiều cơ hội. Nếu nhạy bén, bạn sẽ nắm bắt được và cùng phát triển với nó. Vài năm trở lại đây, chúng ta đã dần hình thành một nền công nghiệp thời trang trong nuớc và mở ra càng nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Tôi nghĩ cần nhiều hơn nữa những thương hiệu thời trang Việt Nam chất lượng cao để phục vụ khách hàng trong nước cũng như các nước trong khu vực lân cận.
- Anh nghĩ sao về sự sáng tạo trong thiết kế? Sẽ là một cảm giác không hài lòng, bực bội và khó chịu khi ai đó lỡ phán rằng một vài mẫu thiết kế của anh bị ảnh hưởng từ ai đó chứ?
- Tôi nghĩ sự ảnh hưởng bởi một người hoặc một thương hiệu nào đó là điều tất yếu trong thời trang, ngay cả chính thời trang cũng quay vòng và bị ảnh hưởng bởi chính nó nên tôi không có gì phải khó chịu về vấn đề này. Ngược lại, tôi còn có thể cảm thấy thích thú với các nhà phê bình thời trang có kiến thức và hiểu những gì mình đang nói, còn ngược lại thì không đáng quan tâm. Tôi không phải là người bị ảnh hưởng nhiều với những gì người khác nói về mình. Ai cũng có quyền nói lên những gì họ nghĩ hoặc cho là đúng. Chẳng có ai nhận mình sai bao giờ.
- Còn sự sao chép trong thiết kế, theo anh đây có phải là căn bệnh trầm kha của làng thời trang, các nhà thiết kế Việt?
- Ảnh hưởng và sao chép là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, tôi nghĩ chỉ có những người không thông minh mới sao chép lại mẫu thiết kế của một ai đó. Đồng ý là cái đẹp thì nhiều người thích, nhưng bạn cũng có thể cảm nhận về cái đẹp đó theo phong cách riêng của mình.
- Trong thời gian qua, làng thời trang phải chịu cơn bão scandal người mẫu bán dâm, trong đó, nhiều stylist, chuyên viên trang điểm cũng bị ngầm tố cáo có vai trò dắt mối. Anh đánh giá sao về những người này? Theo anh, hiện tượng stylist biến chất ở Việt Nam có trầm trọng không?
- Tôi thật sự không có cơ hội được tiếp xúc với các nhân vật này nên cũng không thể đưa ra nhận xét gì về họ. Các bạn mà tôi đã và đang hợp tác đều đặt công việc chính là thời trang của mình lên trên hết, và đều rất chuyên nghiệp cũng như tận tâm với nghề. Nó thể hiện rõ ở các bộ hình mà bạn thấy từ các thương hiệu của tôi.
- Trong vai trò của một giám khảo của “Belve – Tin vào bản năng, khẳng định cá tính 2012”, anh có lo ngại mình sẽ bỏ qua và thiếu sót khi không kịp nhận ra một bài thi nào đó là sự sao chép hay cóp nhặt ở đâu đó không? Với những trường hợp phát hiện muộn, giả sử là thế, anh sẽ chọn cách xử lý ra sao?
- Tôi không lo ngại mình sẽ thiếu sót. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì rất khó để bỏ qua được một trường hợp như vậy. Bản thân tôi luôn có sự trợ giúp đắc lực từ các bạn thí sinh cũng như các bạn yêu thích thời trang hoặc quan tâm đến cuộc thi. Tôi nghĩ các bạn thí sinh cũng đủ thông minh để hạn chế các vấn đề này.
Giả sử có những trường hợp như thế xảy ra, tôi và các thành viên ban giám khảo còn lại sẽ xem xét và đưa ra quyết định nên giữ hay loại tùy theo mức độ của từng trường hợp cụ thể.
- Năm nay, Việt Nam cử một số người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế. Việc chọn trang phục luôn là vấn đề tranh cãi. Dưới góc độ cá nhân, anh nhận xét gì về những bộ trang phục các người đẹp chọn mặc khi đi thi? Với những thiết kế tham gia phần thi trang phục quốc gia, trang phục dân tộc, theo anh nên lưu ý những điểm gì?
- Tôi nghĩ mỗi người đều có một gu (gout) thẩm mỹ riêng, và việc chọn lựa trang phục cho những sự kiện quan trọng như vậy không dễ dàng. Tôi hy vọng các bạn ấy tìm được sự trợ giúp từ các stylist chuyên nghiệp để có thể làm mình nổi bật. Chúng ta cũng có những nhà tiết kế chuyên về trang phục quốc gia hoặc dân tộc, tôi cũng mong các anh chị ấy cũng góp phần chuyên môn để hỗ trợ các bạn đi thi.
- Không chỉ có hiện tượng ồ ạt tự xưng người mẫu, nhiếp ảnh gia, stylist, bây giờ ai cũng có thể phong mình là nhà thiết kế. Theo anh điều đó tốt hay xấu, có gì bất cập? Có gì ảnh hưởng đến sự phát triển chung cho nền thời trang Việt?
- Nhiều áo thì ấm, đông bạn thì vui mà. Tuy nhiên nghề nào cũng có quy luật của nó và sự đào thải trong ngành thời trang cũng rất khắc nghiệt. Bạn cần có kiến thức về thời trang thật vững vàng, gu thẩm mỹ tốt cũng như kiến thức may mặc và nhiều thứ khác để có thể trở thành một nhà thiết kế thực thụ, tồn tại được với nghề và cả sự đón nhận của công chúng cùng giới mộ điệu thời trang nữa.
- Cuộc sống của một nhà thiết kế vất vả, bon chen hay thiếu thốn quỹ thời gian và lịch hoạt động, làm việc khác như thế nào so với những ngành nghề bình thường?
- Thiết kế thời trang cũng là một nghề và nghề nào thì cũng có những nét đặc trưng của nó. Tôi không nghĩ đây là một nghề vất vả hay cần sự bon chen. Theo tôi đã là một nhà thiết kế thì bạn phải là một người có niềm đam mê rất lớn với công việc mình đang làm, vì nếu không, sản phẩm của bạn sẽ không thuyết phục được khách hàng. Nếu đã có niềm đam mê lớn thì vất vả sẽ không còn là một vấn đề nữa.
- Không ít bạn trẻ đang chọn thiết kế thời trang như là một nghề nghiệp chính cho tương lai. Có phải những người không có điều kiện về kinh tế thì không nên theo đuổi ngành này?
- Thời trang là một ngành công nghiệp có bề nổi nhiều hơn nên mọi người có thể lầm tưởng bạn cần một nguồn tài chính dồi dào để theo đuổi nó. Thật sự để thành lập một thương hiệu riêng thì đây là một vấn đề quan trọng, nhưng với những nhà thiết kể trẻ mới khởi nghiệp đều có thể chọn cho mình một vị trí trong một hãng thời trang nào đó để bắt đầu sự nghiệp của mình.
- Sau "Đẹp Fashion Show" và "Elle Fashion Show", sắp tới anh có dự kiến trình làng bộ sưu tập nào mới không? Anh có thể chia sẻ cụ thể về dự định này?
- Tháng 8 năm nay, cả 2 thương hiệu của tôi đều có bộ sưu tập Thu Đông mới, một bộ sưu tập sẽ được trình diễn tại Đẹp Runway Show vào cuối tháng do đội ngũ thiết kế của tôi và các sinh viên thời trang trẻ thực hiện. Tôi cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với thời trang thực tế khi còn đang ngồi ở ghế nhà trường, để mang đến cho các bạn một ít kinh nghiệm về ngành mình đang học.
Trương Quốc Phong
Theo Infonet.vn