Tôi muốn tiêm vaccine bạch hầu cho bé 1 tháng tuổi và bố mẹ 28 tuổi thì lộ trình tiêm như thế nào? Vaccine này có giới hạn độ tuổi tiêm không thưa bác sĩ? Sau tiêm sẽ có những phản ứng nào?
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM
Thông tư số 10 của Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024 quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc thì bệnh bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng bắt buộc cho trẻ em khi đủ 2 tháng tuổi.
Cụ thể là vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, tiêm lần 2 ít nhất một tháng sau lần 1, tiêm lần 3 ít nhất một tháng sau lần 2. Mũi tiêm nhắc lại (tiêm lần 4) cần được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, cần lưu ý vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều sẽ tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi để duy trì miễn dịch lâu dài. Phụ huynh có thể lựa chọn tiêm vaccine miễn phí theo chương trình tiêm chủng quốc gia hoặc tiêm vaccine dịch vụ.
Đối với người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng thì cần tiêm các mũi cơ bản như sau: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều). Trong đó, mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt. Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần. Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng. Sau đó các mũi tiêm nhắc lại có thể tiêm cách nhau mỗi 10 năm.
Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi, miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.
Quan niệm chỉ cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em là không đúng. Người lớn không tiêm nhắc vaccine mỗi 10 năm sẽ gây hậu quả xuất hiện ca bệnh ở người lớn vì lượng kháng thể trong người giảm dần đến ngưỡng không đủ bảo vệ nữa cũng như suy giảm miễn dịch cộng đồng khiến dịch bệnh bùng phát
Hiện nay, vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván còn được Hội Y học Dự phòng Việt Nam cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm cho phụ nữ đang mang thai từ 27 đến 36 tuần thai.
Theo WHO hiệu quả phòng bệnh bạch hầu ở các quốc gia khi tiêm đủ liều vaccine là rất cao từ 96,9% đến 98,2%.
Triệu chứng tại chỗ sau tiêm ở người lớn được báo cáo thường xuyên nhất là đau tại chỗ tiêm (62–94%), nhưng không có báo cáo nào về tình trạng đau dữ dội; đỏ và sưng tấy có đường kính từ 5 cm trở lên khoảng 13%.
Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ tương tự nhau sau khi chủng ngừa TdaP (vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván) và Td (vaccine bạch hầu - uốn ván). Các triệu chứng chung được báo cáo thường xuyên nhất là đau đầu và mệt mỏi (20–50%). Có thể sốt nhẹ, không có báo cáo sốt trên 39°C. Không tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.