Ai Cập là một quốc gia nằm ở Bắc Phi và Tây Nam Á, từ lâu đã là điểm đến thu hút du khách thế giới bởi những công trình kiến trúc đồ sộ và sự bí ẩn của một nền văn hóa cổ như các kim tự tháp, thành phố Luxor, tu viện Saint Catherine…
Trong nhiều năm qua, các địa danh này được bảo tồn nhờ dựa vào thu nhập từ du lịch. Nhưng kể từ khi cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011 với hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo động diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước, lượng khách du lịch đến đây đã suy giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu hụt doanh thu.
Từ hơn 15 triệu năm 2010, số lượng du khách đến Ai Cập giảm xuống còn 6,3 triệu trong năm 2015. Doanh thu từ việc bán vé tham quan các di tích lịch sử theo đó cũng giảm từ từ 220 triệu USD năm 2010 xuống còn 38 triệu USD năm 2015.
Trước tình trạng này, Fayza Haikal, giáo sư tại một trường đại học của Mỹ, đồng thời là một nhà Ai Cập học phải thốt lên đây thực sự là cơn ác mộng.
Zahi Hawass, một nhà khảo cổ học, cho biết các di sản của đất nước này đang phải chịu hậu quả của suy giảm kinh tế. “Thiếu kinh phí thì không thể khôi phục lại bất cứ thứ gì. Chúng tôi cũng không thể yêu cầu chính phủ hỗ trợ trong khi nền kinh tế chẳng khá khẩm gì”, ông nói.
Chính phủ Ai Cập cũng đã đưa ra và thực hiện một số biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế, đồng thời cố gắng để tăng lượng du khách đến thăm - nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.
Nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu bị dừng lại, nhường kinh phí cho việc bảo tồn. Bảo tàng Cairo, nơi bảo quản mặt nạ mai táng bằng vàng của vua Tutankhamun và xác ướp của các pharaoh xưa nay chỉ đón du khách vào ban ngày, giờ đây vẫn mở cả ban đêm. Dự kiến trong năm 2018, một bảo tàng khổng lồ sẽ được mở ra gần kim tự tháp Giza, trưng bày hàng chục nghìn mẫu vật có giá trị từ trước đến nay.