Các tàu kéo tiến hành giải cứu tàu chở dầu "SEAVIGOUR" bị mắc kẹt tại kênh đào Suez vào hôm 4/6. Ảnh: Reuters. |
Reuters dẫn tuyên bố của ông Osama Rabie - người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez - cho biết giao thông tại tuyến đường vận tải huyết mạch này đã được khôi phục sau khi 3 tàu kéo di dời thành công con tàu bị mắc kẹt.
Theo dữ liệu vận tải biển của Refinitiv Eikon, con tàu chở dầu thô bị hỏng động cơ có tên "SEAVIGOUR", được đóng vào năm 2016 và treo cờ Malta. Tàu này có chiều dài 274 m và rộng 48,63 m. Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập bổ sung thêm rằng con tàu này đang trên đường di chuyển từ Nga đến Trung Quốc.
Tình trạng gián đoạn thường xuyên xảy ra tại kênh đào Suez do các hỏng hóc kỹ thuật. Tuy nhiên, sự gián đoạn thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Chưa đến 2 tuần trước, các tàu kéo đã phải giải cứu một con tàu chở hàng lớn bị mắc kẹt nhiều giờ tại kênh đào này.
Theo India Times, kênh đào Suez, bắt đầu hoạt động vào năm 1869, là tuyến đường vận tải huyết mạch cho dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa trên thế giới. Khoảng 10% lượng hàng hóa được vận chuyển trên toàn cầu đi qua kênh đào này, cung cấp nguồn lợi nhuận lớn cho chính phủ Ai Cập.
Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez, có 23.851 con tàu di chuyển qua tuyến giao thông này vào năm 2022, so với mức 20.649 con tàu vào năm 2021, đem lại cho chính quyền Ai Cập khoản thu nhập kỷ lục lên tới 8 tỷ USD.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này...