Tối 19/5, bố cháu N.H.L. (sinh năm 2019, ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đăng tải thông tin lên mạng xã hội về việc con trai còn sống nhưng bị mẹ khai tử.
Theo đó, mẹ cháu bé là bà T.T.N.P. làm thủ tục khai tử cho con tại trụ sở UBND phường Tân An. Cán bộ phường cho biết khi tới nơi, bà P. khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn. Người này khai cháu tử vong tại nhà vào ngày 4/5 do bệnh viêm phổi và cam kết những gì mình khai là đúng sự thật. Đến ngày 11/5, UBND phường cấp giấy chứng tử cho bé trai.
Ngày 21/5, lãnh đạo phường cho biết đã chỉ đạo thu hồi giấy chứng tử, đồng thời phối hợp với công an phường làm rõ mục đích của bà P.
Trường hợp này, người mẹ có thể bị xử lý ra sao? Cán bộ phường phải chịu trách nhiệm như thế nào khi cấp giấy chứng tử sai quy định?
Trích lục khai tử của cháu L. Ảnh: NLĐ. |
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết đây là vụ việc hy hữu, khá hiếm gặp.
Dù động cơ thực hiện là để ngăn chồng cũ không gặp con (theo lời khai của bà P.) hay vì nguyên nhân nào khác, hành động này thể hiện sự ích kỷ, đáng lên án và đã vi phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, khai tử là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và phải được người thân thích của người chết thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người chết theo quy định tại Điều 33 Luật Hộ tịch 2014.
Tuy nhiên, qua xác minh, UBND phường Tân An xác nhận cháu bé còn sống và đang được người quen nuôi dưỡng tại huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Như vậy, hành vi của người mẹ đã vi phạm pháp luật về đăng ký khai tử.
Hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người còn sống của bà P. đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chế tài áp dụng đối với hành vi này là phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét huỷ bỏ giấy chứng tử đã cấp đối với người còn sống.
Đồng quan điểm, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cũng cho rằng hành vi của người mẹ đã vi phạm quy định về đăng ký khai tử và sẽ đối diện mức phạt 10-20 triệu đồng về hành vi Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống.
Bên cạnh đó, luật sư nhận định cán bộ cấp giấy chứng tử cũng phải chịu trách nhiệm bởi sự tắc trách của mình.
Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung khai tử sẽ bao gồm các thông tin sau: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ cấp xã, phường có trách nhiệm xác minh. Trường hợp cần xác minh, thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày làm việc.
Nếu sau khi xác minh và thấy việc khai tử là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ ghi vào sổ hộ tịch và cùng người yêu cầu đăng ký khai tử ký, ghi rõ họ tên vào sổ hộ tịch, sau đó báo cáo Chủ tịch UBND xã/phường ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
"Cán bộ cùng lãnh đạo phường đã chủ quan, chỉ căn cứ vào khai báo của mẹ mà thiếu kiểm tra, xác minh thực tế. Nếu những người có trách nhiệm liên quan là công chức xã, phường, họ sẽ phải kiểm điểm theo Luật cán bộ, công chức. Đồng thời, căn cứ vào Luật cán bộ, công chức, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm, những người này có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức… và hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc", luật sư Trang phân tích.