1. Ai là người có công khai mở đất Hà Tiên khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18?
Mạc Cửu (1655-1735) là một thương nhân người Hoa, trước biến động thời cuộc đã di cư xuống miền Nam khoảng cuối thế kỷ 17. Ông chọn vùng đất nay là Hà Tiên để dừng chân khai khẩn, chiêu tập dân, lập xã thôn, xác lập sự cai quản trên một vùng rộng lớn. Năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu xin sáp nhập vùng đất trù phú này vào lãnh thổ các chúa Nguyễn. Trấn Hà Tiên chính thức thành lập. Cột mốc trọng đại này đánh dấu quá trình mở rộng bờ cõi nước Việt đến tận vùng biển Tây Nam. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên. |
2. Đền thờ, lăng mộ người có công khai mở Hà Tiên hiện tọa lạc tại địa điểm nào ở vùng đất này?
Năm 1735, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu qua đời, thọ 80 tuổi, được truy phong tước vị Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ nghị công, sau là Thụ công Thuận nghĩa Trung đẳng thần. Đền thờ, lăng mộ Mạc Cửu và dòng họ Mạc hiện tọa lạc tại núi Bình San, còn gọi là núi Lăng ở Hà Tiên. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia núi Bình San được xếp hạng năm 1989. Hàng năm, lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu được chính quyền, nhân dân Hà Tiên tổ chức long trọng. Ảnh: Hải Lê Phước. |
3. Sau năm 1975, đơn vị hành chính thị xã Hà Tiên đã hình thành, tồn tại trong bao nhiêu năm trước khi trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Kiên Giang?
Năm 1998, thị xã Hà Tiên được thành lập, trên cơ sở tách ra từ huyện Hà Tiên cũ. Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay thị xã Hà Tiên đã chính thức trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích tự nhiên 100,49 km2. Hiện Kiên Giang có 2 thành phố trực thuộc là Rạch Giá, Hà Tiên cùng 13 huyện khác. Ảnh: Qui Phu. |
4. Là vùng đất biên giới Tây Nam của đất nước, Hà Tiên tiếp giáp với quốc gia nào về phía bắc?
Phía bắc Hà Tiên tiếp giáp Campuchia với đường biên giới trên đất liền dài gần 14 km. Từ cột mốc 313 ở Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, bạn chỉ cần đi thêm khoảng hơn cây số là đến cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Những cột mốc này là điểm check-in rất được yêu thích của các "phượt thủ". Ảnh: Khoai Nguyen Cong. |
5. Địa phương nào là xã đảo duy nhất của TP Hà Tiên?
Sau khi lên thành phố, Hà Tiên hiện có 7 đơn vị hành chính, gồm 5 phường: Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức (vừa thành lập trên cơ sở xã Mỹ Đức cũ) và 2 xã: Thuận Yên, Tiên Hải. Trong đó, Tiên Hải là xã đảo duy nhất của thành phố này. Ảnh: @ngoc.reigna. |
6. Quần đảo nổi tiếng nào ở Hà Tiên đã được công nhận là khu du lịch địa phương?
Quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải) ở Hà Tiên có khoảng gần 20 đảo lớn nhỏ, chìm nổi khác nhau phân bố khá tập trung như hòn Tre Lớn (đảo lớn nhất), hòn Tre Nhỏ, hòn Đồi Mồi Lớn, hòn Đồi Mồi Nhỏ, hòn Giang, hòn Đước, hòn Ụ, hòn Bánh Tét, hòn Bánh Ít, hòn Kiến Vàng... Được chính quyền công nhận là khu du lịch địa phương, quần đảo Hải Tặc có nhiều lý do để thu hút du khách tìm đến, nhất là các bãi biển xanh trong, cát trắng còn nguyên nét hoang sơ. Ảnh: @h_quochuy. |
7. Thạch Động, điểm đến thu hút nhiều du khách bậc nhất Hà Tiên được xếp hạng thắng cảnh quốc gia vào năm nào?
Thắng cảnh Thạch Động thuộc quần thể núi đá vôi duy nhất ở phía nam Việt Nam, dọc theo dải ven biển từ Hà Tiên đến Kiên Lương (Kiên Giang). Nơi đây có nhiều thạch nhũ với hình thù đa dạng, độc đáo, gắn với những câu chuyện lý thú được truyền kể trong dân gian, ví dụ như chuyện Thạch Sanh chém chằn tinh. Địa danh kỳ ảo này của Hà Tiên từng đi vào thơ ca với mỹ danh "Thạch Động thôn vân", nghĩa là động đá nuốt mây. Năm 1989, Thạch Động được xếp hạng thắng cảnh quốc gia. Ảnh: @yann.nguyen0404. |