Vừa qua, Tiền Phong nhận được đơn cầu cứu của một số sinh viên khóa I14 học chương trình cử nhân quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Kinh doanh quốc tế tại Viện Đào tạo Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là chương trình liên kết giữa ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH West Of England (UWE) của Vương quốc Anh.
Trong đơn cầu cứu, các sinh viên cho biết trước 5 ngày diễn ra lễ tốt nghiệp, Viện Đào tạo Quốc tế đã cử người đại diện gọi điện, thông báo từ chối trả bằng tốt nghiệp với lý do: Không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86 của Chính phủ Quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ 1/8/2018.
Theo các sinh viên, đây là điều vô lý vì sinh viên đã hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh TEG theo đúng yêu cầu ghi rõ trong thông báo tuyển sinh đầu vào khóa 14 mùa xuân, mùa thu (2018) và kể cả thông báo tuyển sinh các khóa sau như Khóa 15 mùa xuân (2019).
Thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế của Viện Đào tạo Quốc tế năm 2018 ghi rõ: Hoàn thành giai đoạn 1 (hết năm thứ nhất), sinh viên sẽ nhận chứng chỉ tiếng Anh cấp độ 4 của Trường quốc tế TEG, Singapore.Từ năm 2016, theo quy định của Bộ GD&ĐT để được công nhận công nhận văn bằng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, sinh viên cần hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 hoặc tương đương trong thời gian học tập tại chương trình. TEG cấp độ 4 này có giá trị tương đương với Chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 80.
Mặt khác, trong quá trình làm việc với bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, các sinh viên được giải thích rằng chứng chỉ tiếng Anh đầu vào bậc 4/6 (hoặc tương đương) là điều kiện bắt buộc theo Luật Việt Nam để được lên chuyên ngành, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
Thông báo của nhà trường gửi đến sinh viên về việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh vào tháng 5/2022. |
Tuy vậy, toàn bộ sinh viên các khóa trường và 2 khóa sau đều lên học chuyên ngành theo đúng tiến độ trong thông báo tuyển sinh mà không có bất kỳ điều kiện bắt buộc nào về chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 trong khung ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT hoặc tương đương; cũng không thông báo tổ chức kỳ thi chứng chỉ bắt buộc đó cho sinh viên.
Vì vậy, phần lớn sinh viên các khóa, trong đó có những sinh viên này vẫn lên chuyên ngành, học đúng tiến độ trong chương trình và đã được trường UWE cấp bằng mà không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào bậc 4/6 đúng như thỏa thuận ban đầu theo thông báo Tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Những sinh viên này cũng khẳng định trong suốt quá trình đọc thông báo tuyển sinh trên website của ĐH Kinh tế Quốc dân cho đến thời điểm hiện tại, các em chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Viện Đào tạo Quốc tế và ĐH Kinh tế Quốc dân về việc phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 4/6 hoặc tương đương mới được công nhận tốt nghiệp và lấy bằng.
Do đó, hiện tại ĐH Kinh tế Quốc dân chưa trả bằng cho sinh viên là không hợp lý và dẫn đến những khó khăn cho họ khi đi xin việc làm.
Thu chi chưa minh bạch
Trong đơn phản ánh, nhóm sinh viên cho hay Viện Đào tạo Quốc tế lần lượt ra các thông báo thu phí thi lại và học lại không thông qua tài khoản của nhà trường mà yêu cầu sinh viên chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của một cá nhân tại viện.
Cụ thể, ngày 18/9/2021 (17h30), viện thông báo trên hệ thống moodle về việc thu phí thi lại 600.000 đồng/sinh viên đối với môn Tiếng Anh, cấp độ 3 dành cho sinh viên khoá 17 mùa thu.
Ngày 29/12/2021 (10h29), viện thông báo trên hệ thống moodle về việc thu phí học lại 10.000.000 VNĐ/sinh viên đối với môn Tiếng Anh, cấp độ 3 dành cho sinh viên khoá 17 mùa thu.
Viện cũng thu phí làm lại bài (rework/resit) 250.000 đồng/sinh viên/bài đối với các môn học chuyên ngành (Ví dụ: BBE) với thời hạn nộp bài ngày 3/1.
Ngày 1/4 (15h41), viện thông báo trên hệ thống moodle về việc thu phí học lại 10.000.000 VNĐ/sinh viên đối với môn Tiếng Anh, cấp độ 4 dành cho sinh viên khoá 17 mùa thu.
Ngoài 4 thông báo cung cấp nêu trên, sinh viên còn bị thu phí học lại thi lại của nhiều môn học bao gồm các level ở chương trình TEG và môn Kinh tế cơ sở học ở năm 1 thông qua tài khoản trên của cá nhân trên. Các biên lai chuyển tiền này đều được yêu cầu gửi vào email: hltl.isme@isneu.org.
Điều đặc biệt, từ trước tới nay, các khoản học phí chính khoá đều được ĐH Kinh tế Quốc dân thông báo bằng văn bản trước mỗi học kỳ và sinh viên được yêu cầu chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của nhà trường.
Chính vì vậy, việc thu tiền học lại, thi lại nêu trên đối với các sinh viên chương trình cử nhân quốc tế thông qua tài khoản cá nhân khiến các sinh viên băn khoăn.
Kịp thời “sửa sai” để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên
Thông tin với phóng viên, cử nhân quốc tế khóa 14 - Lưu Thị Phương Mai, cho biết nhà trường mời 3 người đứng đơn phản ánh vụ việc đến nhận bằng tốt nghiệp trong ngày 30/9. Nơi nhận bằng là văn phòng Viện Đào tạo Quốc tế, Phòng 1409, Nhà A1. Các sinh viên khác đến nhận bằng vào ngày 3/10.
Cử nhân Lưu Thị Phương Mai chia sẻ sau khi nhận được thông tin trên, em và các bạn không đồng ý với đề nghị của nhà trường mà yêu cầu nhà trường phải có văn bản xin lỗi công khai và bồi thường. Lý do là trường đã làm mất danh dự của sinh viên về việc không cho các em dự lễ tốt nghiệp đúng nghĩa.
Về phía Bộ GD&ĐT, PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ sinh viên, ngày 15/9, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã họp với các bên liên quan, bao gồm ĐH Kinh tế quốc dân và các đơn vị quản lý chức năng của Bộ GD&ĐT để làm rõ được các vấn đề.
Các bên đã rà soát thông tin, thống nhất phương án giải quyết đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người học và đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo của chương trình đào tạo.
ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ bổ sung đầy đủ thông tin, giải trình (kèm theo các minh chứng) để báo cáo Bộ GD&ĐT trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, trường cam kết và phải giải trình, có minh chứng là chứng chỉ ngoại ngữ TEG4 tương đương bậc 4, được bên trường đối tác và nhiều nơi khác công nhận.
PGS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo bổ sung của ĐH Kinh tế Quốc dân.