Ốm nghén là tình trạng xảy ra phổ biến ở hầu hết phụ nữ mang thai. Ảnh: News18. |
Ốm nghén là tình trạng buồn nôn và nôn xảy ra với khoảng 3/4 phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ốm nghén thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Một số người thấy rằng cảm giác buồn nôn xuất hiện muộn hơn một chút trong khoảng từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 9, nhưng may mắn, triệu chứng mang thai không mấy thú vị này thường biến mất vào khoảng đầu tam cá nguyệt thứ hai.
Với đại đa số người, buồn nôn và nôn thường giảm dần trong khoảng từ tuần 12 đến 16 của thai kỳ, với các triệu chứng nặng nhất từ tuần 10 đến 16. Tuy nhiên, một số người tiếp tục bị ốm nghén trong tam cá nguyệt thứ hai. Thậm chí, một số người, đặc biệt là những người mang đa thai, có thể bị buồn nôn và nôn trong suốt thai kỳ.
Yếu tố nguy cơ
Theo Baby Center, không ai chắc chắn nguyên nhân gây buồn nôn và nôn khi mang thai, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng là do hormone thai kỳ. Nội tiết tố hCG khi mang thai đạt đỉnh điểm vào khoảng thời gian ốm nghén nặng nhất, đồng thời nồng độ estrogen và progesterone tăng cao làm thư giãn các cơ của đường tiêu hóa và khiến quá trình tiêu hóa kém hiệu quả hơn.
Ốm nghén có thể tấn công bất cứ ai, nhưng bạn có thể có nguy cơ cao hơn nếu:
- Bạn có tiền sử đau nửa đầu.
- Bạn có dạ dày nhạy cảm (ví dụ, luôn bị say xe hoặc say sóng).
- Bạn mang đa thai (sẽ có mức hCG cao hơn).
- Đây là lần mang thai đầu tiên.
- Bạn bị buồn nôn và nôn khi mang thai trong lần mang thai trước.
- Mẹ hoặc chị gái của bạn bị ốm nghén.
Ốm nghén có gây hại em bé không?
Mặc dù bạn có thể cảm thấy ốm, em bé của bạn gần như chắc chắn là không. Trong khoảng thời gian ngắn, không ăn nhiều không phải là vấn đề. Ngay cả những phụ nữ gặp khó khăn trong việc giữ thức ăn đến mức họ thực sự giảm cân trong 3 tháng đầu cũng không gây hại cho em bé, miễn là họ bù được số cân nặng đã mất, khi cần thiết, trong những tháng sau đó.
Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Nước tiểu sẫm màu hoặc không đi tiểu/tiểu ít, đó là dấu hiệu mất nước.
- Nôn nhiều lần trong ngày.
- Nhầm lẫn hoặc chóng mặt, thờ ơ.
- Bị sụt giảm cân nhiều.
- Nghi ngờ việc bổ sung vitamin trước khi sinh khiến chứng buồn nôn khi mang thai của bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Bị sốt hoặc các triệu chứng giống cúm.
Ốm nghén thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Ảnh: Clevelandclinic. |
Không ốm nghén có sao không?
Đối với một số người, ốm nghén chỉ đơn giản là triệu chứng mang thai mà họ không bao giờ gặp phải. Về bản chất, việc không buồn nôn và nôn không có nghĩa là có gì đó không ổn. Các nhà khoa học ước tính khoảng 70-80% phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Điều đó có nghĩa là 20-25% người không bị nghén.
Nếu bạn nằm trong số những người ít hoặc không bị ốm nghén, hãy coi mình không chỉ mang thai mà còn là người may mắn. Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ việc không bị ốm nghén khi mang thai khi được 6 tuần có thể chỉ là tạm thời vì buồn nôn và nôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong tháng thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ.
Theo tạp chí Parents, tiến sĩ Marra Francis, chuyên gia sản phụ khoa ở Helotes, Texas (Mỹ), cho biết: "Một số phụ nữ có thể bị ốm nghén và một số phụ nữ thì không. Một số phụ nữ bị ốm nghén trong lần mang thai này và không phải trong lần mang thai tiếp theo. Không phải ai cũng bị ốm nghén, giống như không phải ai cũng bị say tàu xe".
Nếu bạn không bị ốm nghén, cơ thể có thể có khả năng xử lý tốt hơn sự gia tăng nhanh chóng nồng độ hCG, estrogen và các hormone khác xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Tuy nhiên, đôi khi, việc ít ốm nghén có thể là do nồng độ hormone thấp hơn nhiều so với bình thường, điều này có thể cho thấy nguy cơ sảy thai tăng lên, nhưng thường không xảy ra. Thật vậy, bạn không nên lo lắng về việc không cảm thấy ốm nghén miễn là bạn không có dấu hiệu sảy thai.
"Nhiều bệnh nhân của tôi lo lắng vì họ không bị ốm nghén và nghĩ rằng họ có nguy cơ sảy thai cao hơn. Nhưng nếu bạn không bị ốm nghén, điều đó không có nghĩa là bạn có lượng hormone bất thường. Nó chỉ có nghĩa là bạn chịu đựng tốt hơn khi mang thai", tiến sĩ Francis chia sẻ.
Bạn đã từng cảm thấy muốn ăn uống gì đó khi buồn bực, tức giận? Hay thậm chí vui vẻ cũng làm bạn ngon miệng và ăn nhiều hơn? Đặc biệt là thèm ăn rất nhiều thực phẩm không lành mạnh? Đây thực sự là tâm lý của rất nhiều người nhưng thực tế, nó không tốt cho sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo sẽ cho bạn thấy tác hại của việc ăn uống theo tâm trạng. Cuốn sách cũng là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần.