Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ai cũng nói về khẩu vị rủi ro khi đầu tư, đó là gì?

Khẩu vị rủi ro là công cụ quan trọng trong việc ra quyết định hiệu quả và quản lý về hiệu suất của một dự án đầu tư. Xác định rõ khẩu vị rủi ro giúp bạn đưa ra quyết sách phù hợp.

khau vi rui ro anh 1khau vi rui ro anh 2
  • Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính cá nhân, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA)
  • Tổng giám đốc Công ty cổ phần OneSecond
  • Chứng chỉ Nhà giáo dục tài chính của Hội đồng tài chính quốc gia Mỹ NFEC

"Khẩu vị rủi ro" được nhắc đến rất nhiều trong đầu tư. Trước khi làm rõ về khái niệm này, chúng ta cần hiểu thế nào là rủi ro?

Có nhiều cách hiểu khác nhau về rủi ro. Ví dụ, nhiều người thường dùng độ lệch chuẩn để đo lượng rủi ro đầu tư, tức là tài sản có biến động giá càng lớn, độ rủi ro càng cao.

Tuy nhiên, hãy xem ví dụ về 2 cổ phiếu Tesla và Apple.

Cổ phiếu Apple có giá trị trung bình trong 5 năm là 50 USD, nhưng trong 5 năm đó nhiều lần tăng lên mức 120, 130 USD. Tương tự, cổ phiếu Tesla cũng có giá trị trung bình trong 5 năm là 50 USD, nhưng trong chừng đó thời gian, giá cổ phiếu này chỉ tăng cao nhất lên mức 80 USD.

Theo giới học thuật, do giá cổ phiếu Apple có đã biến động lớn so với giá trị trung bình là 50 USD, nên độ lệch chuẩn của Apple cao hơn Tesla. Từ đó, họ kết luận rằng cổ phiếu Apple rủi ro hơn cổ phiếu Tesla.

Tôi không chắc điều này là đúng. Rõ ràng khi giá cổ phiếu biến động mạnh so với giá trị trung bình, nhưng biến động đó có chiều hướng tăng lên thì không thể gọi là rủi ro, đó là lợi nhuận.

Vậy nên, tôi thường mượn cách Warren Buffett - nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử thế giới - đã nói để định nghĩa rủi ro trong đầu tư như sau:

  • Rủi ro trong đầu tư là khi bạn đầu tư nhưng không thể hoàn vốn, không thể thu lại số tiền đầu tư ban đầu.
  • Là khi lợi nhuận quá thấp so với lạm phát, tài sản bị hao mòn dần, lợi nhuận thực tế nhỏ hoặc âm.
  • Tài sản được đầu tư không có giá trị thật, không có khả năng tạo ra lợi nhuận bằng tiền mặt.
khau vi rui ro anh 3

Trước khi đầu tư, nhà đầu tư phải xác định khẩu vị rủi ro cũng như khả năng thành công. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Xác định khẩu vị rủi ro của bạn

Từ những khái niệm về "rủi ro", tôi đúc kết cách hiểu về "khẩu vị rủi ro". Theo đó, đây là khái niệm chỉ sự ưa thích rủi ro của bạn khi rót tiền vào một kênh đầu tư nhất định.

Tôi thường phân khẩu vị rủi ro thành 3 loại mạnh - trung bình - yếu và xác định khẩu vị rủi ro của từng người như sau:

  • Khẩu vị rủi ro mạnh:

Bạn là người trẻ, ưa thích những khoản đầu tư có lợi nhuận cao, chấp nhận mất vốn lớn để đầu tư vào những dự án khởi nghiệp không chắc chắn 100% với kỳ vọng nhận lãi suất cao. Bạn có nhiều thời gian làm lại nếu chẳng may thất bại, cũng như có thể nắm giữ một khoản đầu tư trong thời gian dài hạn lên đến 10 năm.

  • Khẩu vị rủi ro trung bình:

Bạn không phải là người ưa thích mạo hiểm hay có thể chấp nhận việc mất vốn lớn, tuy nhiên vẫn kỳ vọng lãi suất đạt được cao hơn mức lãi suất cố định có được khi gửi tiết kiệm ngân hàng, lãi suất trái phiếu.

Vì vậy, thay vì phân bổ 100% danh mục vào những sản phẩm mang tính rủi ro với kỳ vọng lãi suất cao, bạn thường phân bổ danh mục 50% vào những sản phẩm có lãi cố định và 50% vào những sản phẩm khác với kỳ vọng nhận lãi suất cao. Thời gian đầu tư của bạn trong khoảng từ 5-10 năm.

  • Khẩu vị rủi ro yếu:

Bạn là người thận trọng, không chấp nhận những gì ít chắc chắn, sợ mất vốn. Thời gian nắm giữ các khoản đầu tư của bạn ngắn.

Điều gì quan trọng hơn cả khẩu vị rủi ro?

Khẩu vị rủi ro là công cụ quan trọng trong việc ra quyết định hiệu quả và quản lý về hiệu suất của một dự án đầu tư. Trước khi đầu tư, nhà đầu tư phải xác định khẩu vị rủi ro cũng như khả năng thành công.

Tuy nhiên, xác định được khẩu vị rủi ro chưa thể giúp bạn ra đưa ra quyết định nên phân bổ tài sản đầu tư như thế nào. Bởi yếu tố này chỉ đánh giá được "mức độ ưa thích rủi ro", chứ không đánh giá được khả năng chịu rủi ro thực sự của bạn.

Khẩu vị hay khả năng chịu rủi ro cũng tương tự khẩu vị trong ăn uống. Có người thích ăn cay, có người thích ăn ngọt. Nhưng không phải người nào thích ăn cay thì có thể ăn cay thoải mái, tương tự ngọt cũng vậy.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người không quan tâm căn bệnh dạ dày của anh ta và tiếp tục ăn cay theo sở thích hay bị bệnh tiểu đường vẫn muốn ăn ngọt?

khau vi rui ro anh 4

Xác định khẩu vị rủi ro quan trọng, nhưng quan trọng hơn là khả năng chịu rủi ro thực tế. Ảnh minh họa: Alesia Kozik/Pexels.

Để đánh giá đúng đắn nhất về rủi ro của bạn khi đầu tư, bạn phải xác định đồng thời khẩu vị rủi ro và khả năng chịu được rủi ro thực tế của bản thân.

Khả năng chịu được rủi ro thực tế được đánh giá bằng cách kiểm tra sức khỏe tài chính thông qua phân tích bảng cân đối tài sản, bảng cân đối thu chi của bạn. Điều này có thể được đánh giá qua các câu hỏi sau:

  • Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra khiến thu nhập của bạn giảm 40-50%, gia đình bạn vẫn không bị khó khăn về kinh tế?
  • Nếu khủng hoảng xảy ra và các khoản đầu tư trên thị trường tài chính như chứng khoán, bất động sản, forex, coin bị sụt giảm mạnh, tương lai tài chính và thu nhập của gia đình bạn vẫn không bị ảnh hưởng?
  • Nếu không may mắc bệnh, ốm đau hoặc gặp tai nạn trong cuộc sống, bạn sẽ không trở thành gánh nặng của gia đình và vẫn chu cấp cho con của mình đầy đủ đến khi chúng trưởng thành?

Hiểu rõ và phân biệt được 2 khái niệm, chúng ta sẽ nhận ra rằng khả năng chịu rủi ro đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư chứ không chỉ là khẩu vị rủi ro.

Cụ thể, việc xác định khả năng chịu rủi ro thực tế giúp nhà đầu tư có thể đưa ra mục tiêu đầu tư phù hợp: Các nhà đầu tư có khả năng chịu rủi ro thực tế cao hơn có thể sẵn sàng chấp nhận những biến động lớn hơn về lợi nhuận và theo đuổi các chiến lược đầu tư tích cực hơn. Ngược lại, các nhà đầu tư có khả năng chịu rủi ro thấp hơn có thể ưu tiên bảo toàn vốn và lựa chọn các phương pháp đầu tư thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, việc đánh giá khả năng rủi ro thực tế giúp bạn tránh các quyết định dựa trên cảm xúc khi thị trường biến động, không bị FOMO (sợ bị bỏ lỡ) theo tâm lý đám đông hoặc cảm thấy hoảng loạn khi thị trường downtrend (đi xuống) hay uptrend (đi lên). Nắm rõ khả năng chịu rủi ro thực tế của mình, bạn có thể duy trì sự điều độ và không để cảm xúc chi phối quyết định đầu tư của mình.

Cuối cùng, việc nhận thức được khả năng chịu rủi ro thực tế là điều cần thiết trong đầu tư vì nó cho phép các nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhằm cân bằng giữa lợi nhuận kỳ vọng và khả năng chịu được những biến động, rủi ro của thị trường.

Làm gì sau khi xác định khẩu vị rủi ro và khả năng chịu rủi ro thực tế?

Khi đã nhận thức được sự khác biệt giữa khẩu vị rủi rokhả năng chịu rủi ro thực tế, nhà đầu tư có thể áp dụng vào việc lựa chọn chiến lược đầu tư, phân bổ phù hợp bằng cách trả lời những câu hỏi:

  • Khả năng chịu rủi ro thực tế của mình là gì?
  • Các nhu cầu an toàn tài chính như quỹ dự phòng, bảo hiểm đã được đảm bảo đầy đủ hay chưa?
  • Thời gian nắm giữ các khoản đầu tư có khớp với đặc tính thanh khoản của các loại tài sản đầu tư mà mình ưa thích hay không?

Về chiến lược cụ thể, dưới góc nhìn cá nhân, tôi đưa ra một số lời khuyên như sau:

Trường hợp 1: Khi bạn dự định thời gian nắm giữ khoản đầu tư dài trên 5 năm, đã có đầy đủ hoặc thừa các khoản tiền dự phòng cho quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm, các trường hợp ốm đau bệnh tật.

Bạn có thể đầu tư phần lớn tài sản của mình vào các tài sản có tính biến động giá cao như cổ phiếu, bất động sản. Tỷ lệ phân bổ có thể lên đến 80-90% vào cổ phiếu bất động sản và 10-20% vào lãi cố định như tiết kiệm, trái phiếu.

Trường hợp 2: Khi bạn dự định thời gian nắm giữ khoản đầu tư dài 3-5 năm (khoảng thời gian gần đủ một chu kỳ kinh tế thông thường); bạn đã có đầy đủ hoặc thừa các khoản tiền dự phòng cho quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm, các trường hợp ốm đau bệnh tật.

Lúc này, bạn có thể phân bổ tỷ lệ đầu tư lên đến 50% vào cổ phiếu bất động sản và 50% vào lãi cố định như tiết kiệm, trái phiếu.

Trường hợp 3: Khi bạn dự định thời gian nắm giữ khoản đầu tư ngắn 1-2 năm; bạn chưa có đủ tiền cho các khoản tiền dự phòng cho quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm, các trường hợp ốm đau bệnh tật.

Lúc này, tỷ lệ phân bổ có thể lên đến 80- 90% vào sản phẩm có lãi cố định như trái phiếu, gửi tiết kiệm và 10% vào cổ phiếu, bất động sản.

9 người trẻ dưới 30 tuổi và lần đầu tư thất bại đầu đời

Không phải người trẻ nào cũng dễ dàng thành công với lần kinh doanh đầu tiên. Sau thất bại, những nhà đầu tư thu về nhiều bài học.

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.

Lâm Tùng

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm