Hành động của Tử Dạ - chàng trai 8X Sài Gòn tự nhận mình từng ăn cắp và lên tiếng kêu gọi cộng đồng hãy vị tha và đối xử nhân văn với những lỗi lầm của trẻ em vừa qua gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng mạng.
Từ câu chuyện có thật năm 13 tuổi mà Tử Dạ chia sẻ, nhiều độc giả Zing.vn chủ động lên tiếng, thừa nhận mình đã đôi lần trở thành kẻ cắp vì ham muốn bản thân quá lớn hoặc do suy nghĩ non trẻ trong quá khứ, chưa ý thức được hành động sai trái của mình.
May mắn hơn cô bé, họ không bị ai bôi xấu, hạ nhục mà nhận được sự răn đe, giáo dục đúng mức của người lớn, giúp bản thân nhận ra: Ăn cắp rất tệ. Cũng chính nhờ thế, hôm nay, khi đã là những người trưởng thành, họ mới có cơ hội nhìn lại lỗi lầm của mình ngày xưa và quyết tâm phải sống tốt hơn.
Tử Dạ ôm tấm bảng với nội dung "Tôi từng ăn cắp sách" đứng trước nhà sách Nguyễn Huệ thu hút sự chú ý của nhiều người. |
Đừng ảo tưởng bản thân là cao quý
"Không mắc lỗi thì không thể lớn khôn, không nhìn thấy cái sai thì làm sao mà sửa sai. Những ai đồng tình với cách làm thiếu vị tha của các nhân viên siêu thị xin trả lời thành thật một lần câu hỏi này: Có thật là từ lớn đến bé, bạn chưa bao giờ đánh cắp thứ gì đó không thuộc về mình? Một cây bút? Tờ giấy kiểm tra hay viên kẹo của bất cứ ai?
Tôi cũng từng ăn cắp, đó là những trái xoài non trên cây, hay quả ổi xanh chưa kịp chín trong vườn nhà hàng xóm. Không ai bắt được nhưng nếu có, tôi không biết mình có rơi vào trường hợp của cô bé ấy không. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem nó như những kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi thơ.
Tôi trộm xoài nhưng chưa bao giờ trộm tiền. Cũng như cô bé trộm sách, chưa hẳn em đã là một người xấu. Nếu các bạn học được cách sống tha thứ và khoan dung thì biết đâu, cuộc đời sẽ đẹp hơn rất nhiều!" - độc giả Nguyễn Lê Huỳnh chia sẻ.
Thành viên N. Nguyễn cũng đồng ý rằng ai trong chúng ta mà chẳng có lần bị lòng tham làm mờ mắt nhưng nếu biết nhận ra điều đó là xấu và từ bỏ thì rất đáng trân trọng.
"Thích câu chuyện của bạn Lê Huỳnh. Trẻ nhỏ mà. Tất nhiên không ai khuyến khích, cổ xúy cho hành động trộm cắp, nhưng cũng không nên vì một lỗi lầm nhỏ của một đứa trẻ mà dằn mặt chúng như thế. Có ai làm dám khẳng định rằng từ bé đến giờ chưa từng trộm cắp vặt một cái gì đó chưa? Nếu có, thì chắc cũng chỉ là vì mấy bạn không đủ can đảm để thừa nhận mà thôi.
Ở mỗi độ tuổi chúng ta có một sở thích riêng. Trẻ con nhiều khi thích trộm cắp trái xoài, trái ổi, thích xem phim Hàn Quốc, thích những anh chàng đẹp trai... Nhưng lớn lên chút nữa thì có để trước mặt cũng chẳng thèm. Sai lầm thì ai chẳng có, quan trọng là ở cách dạy dỗ của người lớn để trẻ nhỏ không mắc sai lầm tương tự. Lên án hành vi trộm cắp thì ít mà chán ngán cho quan điểm dạy dỗ thì nhiều".
"Tôi thừa nhận đã từng ăn cắp rất nhiều lần. Vâng, là những quả xoài non trên cây nhà hàng xóm, cũng giống như Lê Huỳnh đã nói, với tôi, chúng là những kỷ niệm rất đáng giá.
Ai trong chúng ta đều có những sai lầm vì vậy đừng ảo tưởng rằng mình sẽ trong sáng và cao quý hơn bất kỳ người nào. Tôi muốn mọi người hãy tự phán xét bản thân mình trước khi đem những tiêu chuẩn sáo rỗng ra để bình phẩm danh dự của người khác" - Nguyễn Chí Cảnh bức xúc trước nhiều ý kiến cho rằng hành động của Tử Dạ nhằm mục đích đánh bóng thương hiệu bản thân.
Nghiêm khắc không đồng nghĩa với hạ nhục danh dự người khác
Trong số rất nhiều ý kiến quan tâm, thể hiện sự đồng cảm với hành động dại dột của cô bé, cũng có không ít độc giả cho rằng không nên bao che, biện hộ cho cô bé vì từ hành vi phạm tội nhỏ, nếu không có hình pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ rất dễ cấu thành tội lớn. Xã hội Việt Nam chậm tiến cũng là vì dung dưỡng, nhẹ tay với những người có nhân cách không tốt.
"Vì những lỗi ăn cắp vặt mà bỏ qua nên người Việt khi ra nước ngoài vẫn giữ thói quen này. Nó đã trở thành một ấn tượng khi bạn giới thiệu mình là người Việt khi đi xin việc làm ở nước như Nhật Bản, Thái Lan. Chua xót thay".
Ý kiến của bạn Mi Bum lập tức bị thành viên có nickname Bí Đao bác bỏ:
"Chẳng ai sinh ra là xấu hoàn toàn hay tốt hoàn toàn. Bạn chỉ nhìn thấy vấn đề ở mặt tiêu cực mà không chịu nhìn vào mặt tích cực. Nếu hôm nay, chuyện này không xảy ra thì làm sao chúng ta biết cách giáo dục lại cô bé để mai này, em không trở thành một trong những người Việt như bạn đang nói đến.
Trừng phạt nghiêm khắc không có nghĩa là phải hạ nhục danh dự của người khác. Ai trong số những người ở đây thấu hiểu được cảm giác bị kỳ thị, coi khinh giữa cộng đồng đáng sợ đến thế nào thì sẽ không bao giờ dám làm những điều như thế với một đứa trẻ. Rồi đây, cô bé ấy sẽ đến lớp ra sao? Đối diện với bạn bè như thế nào? Vài cuốn sách bị đánh cắp để đổi lại tuổi thơ một con người? Có đắt quá chăng!".
"Đúng thế! Chúng ta phải biết bao dung và tha thứ những lỗi lầm cho những người mới phạm phải lần đầu, không phải cái gì cũng dùng biện pháp mạnh thì mới gọi là thích đáng, là đúng chuẩn pháp luật. Tôi nghĩ rằng, chúng ta khiến một người có lỗi nhìn thấy được lỗi lầm của họ mới là điều đáng mừng, biết đâu, nó sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh hơn, không có bạo lực cũng không còn tội phạm" - Thái Hồng Vinh nói.