1. Bút danh Nam Cao có nguồn gốc từ đâu?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1 nâng cao, NXB Giáo dục, Nam Cao (1917-1951) có tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam. Bút danh Nam Cao được ghép bởi hai chữ đầu của địa danh quê ông: huyện Nam Sang và tổng Cao Đà. Ảnh: Thể thao & Văn hóa (Nam Cao ở ngoài cùng bên phải). |
2. Nhan đề tác phẩm Chí Phèo từng được đổi tên mấy lần?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, truyện ngắn Chí Phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ, khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), NXB tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên là Chí Phèo. Ảnh: Tần Tần. |
3. Ai là hình mẫu của nhân vật Chí Phèo?
Theo Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao, NXB Công an nhân dân, tác giả Trần Thị Hồng (người con gái đầu của nhà văn Nam Cao) kể nhân vật Chí Phèo được viết dựa vào hình mẫu của ba người trong làng Đại Hoàng. Người thứ nhất tên là Chí, mổ lợn giúp người làng nhưng không đòi tiền, chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Khi say lảo đảo, ông thường tìm lều chợ để ngủ, hễ ai hỏi đi đâu thì ông nói "đi phèo", ý là đi ngủ. Vì vậy, người làng gọi ông là Chí Phèo. Người thứ hai tên là Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng. Khi say ông thương chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ. Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính (nhân vật Bá Kiến). Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược. Ảnh: Trang Đàm. |
4. Nhà văn Nam Cao có bao nhiêu người con?
Theo lời kể của bà Trần Thị Sen (vợ nhà văn Nam Cao) trong cuốn Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao, gia đình có tất cả năm người con. Con gái đầu là Trần Thị Hồng, tiếp theo là Trần Mai Thiên, Trần Thị Bình Yên, Trần Hữu Thành và Trần Hữu Thực. Trong đó, Trần Thị Bình Yên đã mất lúc còn nhỏ vì bệnh, trong năm đói 1945. Người con út là Trần Hữu Thực (sinh năm 1950) chưa một lần được gặp cha. Báo Dân Việt. |
5. Nhân vật nào được Nam Cao lấy hình mẫu từ chính mình?
Theo Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao, NXB Công an nhân dân, bà Trần Thị Hồng kể, trong tiểu thuyết Sống mòn, tất cả cốt truyện hầu như Nam Cao nói về những người thân yêu nhất. Nhân vật chính, thầy giáo Thứ được xây dựng từ chính bản thân ông, nhân vật Liên (vợ Thứ) là vợ ông, cùng nhiều nhân vật khác là hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của ông. Nam Cao cũng dùng ngay cuộc đời của mình để xây dựng lên khá nhiều nhân vật như Cao trong Những chuyện không muốn viết, Điền trong Giăng sáng. Ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. |
"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình” được trích trong tác phẩm nào?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1 nâng cao, NXB Giáo dục, truyện ngắn Đời thừa được đăng lần đầu trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy. Truyện tập trung đi sâu vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn, dai dẳng của người trí thức nghèo, khao khát một cuộc sống có ý nghĩa, ôm ấp một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương có ích cho xã hội, nhưng cuối cùng chỉ vì gánh nặng cơm áo gia đình mà phải sống cuộc sống vô nghĩa, vô ích, một “đời thừa”. Ảnh: Thảo Điền. |
7. Ai đóng vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy?
Theo Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Làng Vũ Đại ngày ấy là một bộ phim nổi tiếng được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ XX. Phim được sản xuất năm 1982 bởi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao (gồm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc). Sau gần 40 năm phim công chiếu, hầu hết vai diễn trong phim như giáo Thứ (diễn viên Hữu Mười), Chí Phèo (diễn viên Bùi Cường), Thị Nở (diễn viên Đức Lưu) và Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) vẫn để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Ảnh: Đài Truyền hình Việt Nam. |