"Mẹ ơi, sau này lên lớp 2, con có được ăn liên hoan không?"
Đó là câu hỏi ngô nghê của đứa trẻ đang học lớp 1, khiến bà mẹ phải bức xúc đăng lên mạng xã hội “bóc phốt" ban phụ huynh và giáo viên.
Dư luận chia phe, người chê trách giáo viên và ban phụ huynh, người chỉ trích người mẹ đã quá ích kỷ, không đóng tiền nhưng lại tỏ ra bức xúc khi con bị đối xử bất công. Nhưng liệu ai mới là người sai, ai mới là người bị tổn thương trong câu chuyện này?
Cả phụ huynh và giáo viên đều chưa khéo léo
Trao đổi với Tri thức - Znews, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy khẳng định cả người mẹ, ban phụ huynh và giáo viên đều chưa khéo léo, còn thiếu sót trong vụ việc này.
Theo bà Thúy, việc tham gia quỹ phụ huynh hiện nay trên tinh thần tự nguyện nên có người đóng góp, có người không. Thế nhưng, không thể chỉ vì một phụ huynh không đóng mà đứa trẻ bị cắt quyền lợi.
“Dù lý do là gì, việc học sinh không được suất ăn riêng vẫn là lỗi của người lớn. Người ta bàn luận em bé vẫn được ăn bánh kẹo nhưng thực tế, những đứa trẻ phải được đối xử công bằng”, bà Thúy nhận định.
Tiến sĩ xã hội học cho rằng giáo viên và ban phụ huynh đang chỉ quan tâm đến việc người mẹ có đóng tiền hay không mà bỏ qua tâm lý của đứa trẻ. Trong khi đó, suất ăn 40.000 đồng không nhiều nhặn gì. Bằng nhiều cách, giáo viên và ban phụ huynh hoàn toàn có thể giải quyết câu chuyện này, tránh cảnh một đứa trẻ phải lạc lõng trong chính lớp học của mình.
“Về mặt giáo dục, giáo viên và ban phụ huynh đang cho trẻ cảm thấy bị phân biệt đối xử vì mẹ không đóng tiền. Đứa trẻ rất nhạy cảm, nếu thấy không công bằng, các em sẽ thắc mắc, sẽ buồn dù không nói ra”, bà Thúy nhận định.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, theo bà Thúy, rất có thể ban phụ huynh và giáo viên cũng e ngại khi trước đó có thông tin phụ huynh này phản ứng khi con được ăn bánh trung thu cùng lớp.
Trong vụ việc này, người mẹ cũng có lỗi khi tự đẩy con mình tách biệt ra khỏi tập thể. Điều đáng buồn hơn là người mẹ này đã quá nóng vội, đưa thông tin lên mạng mà không tìm hiểu ngọn ngành vấn đề.
“Chính người mẹ chưa hiểu rõ sự việc, chưa biết con được đối xử thế nào, mới chỉ nghe con nói đã đăng đàn trách móc người khác, chê bai giáo viên, chê bai các phụ huynh khác mà không lường trước được hậu quả. Đó không phải là đòi công bằng cho con mà là đang đẩy sự việc đi quá xa”, bà Thúy nói.
Đồng quan điểm, nhà truyền thông giáo dục Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD), cảm thấy tiếc với cách hành xử nóng vội của người mẹ trong câu chuyện này.
Thực tế, nếu bình tĩnh và cân nhắc, người mẹ sẽ có nhiều phương án giải quyết hợp tình, hợp lý hơn mà quan trọng là không làm ảnh hưởng tới em bé trong vụ việc cũng như không làm ảnh hưởng tới chính bản thân, gia đình, cô giáo và nhà trường.
Thế nhưng, người mẹ đã liên tiếp đẩy vụ việc đi quá xa khi liên tục đăng tải các bài viết trên trang cá nhân nhằm giải toả bức xúc.
"Việc người mẹ không cân nhắc lợi ích, thiệt hại của các con mà 'đòi công lý' theo kiểu này sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc trong tương lai", bà Hà nói.
TS Phạm Thị Thúy nhận định đứa trẻ đang là người gánh chịu hậu quả lớn nhất, là nạn nhân của một chuỗi vấn đề. Ảnh: NVCC. |
Cuối cùng, người tổn thương nhất lại là đứa trẻ
TS Phạm Thị Thúy nhận định trong câu chuyện này, đứa trẻ hoàn toàn không có lỗi, nhưng chính em lại đang là người gánh chịu hậu quả lớn nhất, là nạn nhân của một chuỗi vấn đề.
Nhiều người nói rằng trẻ lớp 1 chưa biết gì nhưng thực tế, các em đã biết đọc, đã biết nghe và hiểu thông tin từ những người xung quanh hay trên mạng xã hội, truyền thông.
Thứ nhất, ngay bây giờ, đứa trẻ đang phải chịu những lời xì xào, bàn tán của bạn bè, hàng xóm, thầy cô hay cộng đồng mạng. Em có thể đang là nạn nhân của bắt nạt, tẩy chay, cô lập nếu gia đình, thầy cô không xử lý tốt vấn đề.
“Cách hành xử của phụ huynh và giáo viên, nhà trường sau khi vụ việc xảy ra là cực kỳ quan trọng. Nếu họ xử lý tốt, phân tích cho các em hiểu, những đứa trẻ hoàn toàn có thể vui vẻ như bình thường. Ngược lại, nếu không xoa dịu tốt, không làm tốt tâm lý cho trẻ, em Ng. rất có thể bị trêu chọc, tẩy chay, cô lập", bà Thúy nhận định.
Về lâu dài, câu chuyện này sẽ là vết hằn trong tâm lý trẻ, nó sẽ là câu chuyện không vui trong suốt cuộc đời đứa bé. Rất có thể sau này, vụ việc vẫn có thể bị “đào” lên bởi người mẹ đã đưa nó lên mạng, không dễ gì xóa sạch dấu vết.
Bất cứ lúc nào, đứa trẻ đều có thể bị khơi lại câu chuyện không vui này. Trong tương lai, nếu em gặp trục trặc trong các mối quan hệ xã hội, họ hoàn toàn có thể dùng câu chuyện này để bình phẩm về em và mẹ em với góc nhìn rất tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo bà Thúy, cách người mẹ trong câu chuyện ứng xử, bộc lộ cảm xúc rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ bởi cha mẹ chính là tấm gương của con.
“Những đứa trẻ đều học từ cha mẹ, học một cách tự nhiên và bản năng. Người mẹ sau này có thể xin lỗi con, nói những lời tốt đẹp nhưng cách người mẹ phản ứng rất tiêu cực, hơn thua trong những ngày vừa qua có thể ảnh hưởng lên những đứa con của họ chứ không riêng em Ng.”, tiến sĩ xã hội học phân tích.
Nhưng dù vậy, bà Thúy nhận định tính cách của trẻ bị ảnh hưởng như thế nào còn tùy thuộc vào nhận thức. Có đứa trẻ sẽ học theo và hành xử tương tự người mẹ đã làm, nhưng cũng có đứa trẻ tự rút ra bài học cho mình và tránh lặp lại lỗi sai đó.
Những đứa trẻ có thể bị tổn thương ở cả hiện tại và tương lai. Ảnh minh họa: Pexels. |
Đồng quan điểm, theo bà Lê Thị Thu Hà, người mẹ đã xử lý cảm xúc nhất thời rất nóng vội mà chưa ý thức được hệ lụy của vụ việc với các con của mình cũng như với gia đình và chính bản thân mình. Đây sẽ là một “vết” xấu trong hành trình phát triển của con.
Với một em bé 6 tuổi, rất có thể, cảm giác hụt hẫng khi không nhận được một suất gà rán như các bạn cùng lớp sẽ là một ký ức không tốt với em, em có thể buồn, có thể bị tổn thương.
“Nhưng nghĩ tích cực hơn, tôi cảm thấy may mắn vì con mới học lớp 1, hy vọng các bạn cùng trang lứa sẽ chưa đủ nhận thức để trêu hay tẩy chay bạn. Dù vậy, với dư âm của câu chuyện này, với cách xử lý vụ việc của người mẹ và câu chuyện vẫn đang chưa có hồi kết, chưa thể kết luận diễn biến tiếp theo là gì”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, em Ng. có thể chưa bị ảnh hưởng quá lớn nhưng với các bé lớn là anh, chị của em, khi thông tin đang tràn lan trên mạng xã hội và việc tiếp cận dễ dàng có thể khiến các em bị trêu chọc, đùa cợt.
Ngay cả bản thân người mẹ cũng sẽ khó xử trong các giao tiếp về sau với giáo viên và phụ huynh trong lớp, nếu có chuyển trường thì giáo viên và phụ huynh tại trường mới cũng sẽ dè chừng trong quan hệ với người mẹ này.
Bà Hà cũng cho rằng không chỉ đứa trẻ, ban phụ huynh và giáo viên cũng là nạn nhân trong vụ việc. Ảnh: NVCC. |
Còn nhiều nạn nhân khác
Trao đổi thêm với Tri thức - Znews, bà Phạm Thị Thúy cũng nhấn mạnh trong vụ việc này, không chỉ em Ng. mà những đứa trẻ khác trong lớp, ban phụ huynh và giáo viên cũng tổn thương khi phải chịu “bạo lực mạng" vì hành động đăng tải vụ việc lên mạng xã hội của người mẹ.
Theo bà Thúy, ứng xử trên không gian mạng của một bộ phận người Việt còn rất kém, có biểu hiện của thiếu văn minh khi vội phán xét, quy kết khi chưa tường tận thông tin. Những người trong cuộc đang bị nhục mạ, bình phẩm, công kích bởi những người không quen biết, không hiểu rõ vụ việc.
Bà Hà cũng cho rằng ban phụ huynh và giáo viên cũng là nạn nhân trong vụ việc. Họ cũng không lường được sự việc lại diễn tiến như vậy. Thông thường, quỹ phụ huynh ở trường sẽ do đại diện hội cha mẹ học sinh quản lý và cân đối thu chi theo hoạt động của lớp. Cô giáo không can thiệp và cũng không phải là người giữ quỹ này.
Nhưng rõ ràng, xét ở góc độ truyền thông, dư luận không quan tâm ai là người giữ quỹ, ai là người tổ chức và mua đồ ăn cho buổi liên hoan. Họ chỉ biết đây là một buổi liên hoan cuối học kỳ của một lớp tiểu học và có một cháu bé không được ăn để mẹ cháu phải lên mạng “bóc phốt”.
“Việc này thực ra có thể giải quyết tốt hơn khi đầu mỗi học kỳ, trong buổi họp lớp, đại diện ban phụ huynh công khai dự toán thu chi. Dự toán đó cần lấy ý kiến đồng thuận từ cha mẹ trong lớp và thông qua ngày đầu năm. Sau đó, trong quá trình triển khai nếu phát sinh khoản chi ngoài dự kiến thì tiếp tục lấy ý kiến thông qua trước khi triển khai”, bà Hà tư vấn.
Nhìn rộng hơn, theo bà Hà, các nhà trường đang thiếu chính sách bảo vệ trẻ em và dự phòng xử lý khủng hoảng truyền thông với nguyên tắc chung vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Chính sách bảo vệ trẻ em với 9 tiêu chuẩn và 3 cấp độ bảo vệ trẻ em (gồm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp) sẽ giúp tổ chức giáo dục có bộ quy tắc ứng xử chung và quy trình, quy chuẩn tương tác giữa chủ thể nhà trường, giáo viên, cán bộ cơ sở giáo dục và các bên liên quan bao gồm cơ quan quản lý, phụ huynh, đối tác.
“Chính sách bảo vệ trẻ em sẽ giúp nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, tránh những vụ việc đáng tiếc như trên", bà Hà nhận định.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.