Câu 1. Ai là tác giả câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”?
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí", đó là câu nói nổi tiếng đã đi vào sử sách của danh sĩ Thân Nhân Trung. |
Câu 2. Thân Nhân Trung là danh sĩ sống vào thời nào?
Thân Nhân Trung (1419-1499) là danh sĩ nổi tiếng sống và làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê. Sinh thời, ông từng giữ chức Đông các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, kiêm Thượng thư Bộ lễ. |
Câu 3. Thân Nhân Trung quê ở đâu?
Thân Nhân Trung còn được gọi là Thân Trọng Đức. Ông quê ở làng Yên Ninh, tục gọi là làng Nếnh, phủ Bắc Giang (nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). |
Câu 4. Danh sĩ Thân Nhân Trung là người dân tộc nào?
Theo sách Đăng khoa lục, Thân Nhân Trung là người dân tộc Tày. Ông đỗ tiến sĩ vào năm Quang Thuận thứ 10 đời vua Lê Thánh Tông (1469). |
Câu 5. Trong Hội Tao đàn tập hợp 28 vị tiến sĩ giỏi thơ thời vua Lê Thánh Tông, Thân Nhân Trung giữ chức vụ gì?
Trong Hội Tao Đàn hay Tao Đàn nhị thập bát tú tập hợp 28 vị tiến sĩ giỏi thơ, vua Lê Thánh Tông là người đứng đầu (Nguyên súy), Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận giữ chức Phó Nguyên súy. |
Câu 6. Dòng họ của Thân Nhân Trung có 3 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ dưới thời vua nào?
Thân Nhân Trung là người mở đầu cho một gia tộc khoa bảng, ba đời liên tiếp với 4 vị đỗ tiến sĩ và đều làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau ông lần lượt là 2 con trai (Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ), cháu nội (Thân Cảnh Vân) đều đỗ tiến sĩ. |
Câu 7. Đâu là tác phẩm văn học của Thân Nhân Trung để lại cho đời?
Sinh thời, Thân Nhân Trung để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị như Thiên nam dư hạ tập, Thân chinh ký sự, đặc biệt là 2 bài văn của ông khắc trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào các khoa thi 1442 và 1448. |
Câu 8. Hiện nay, Bắc Giang có giải thưởng thuộc lĩnh vực nào mang tên Thân Nhân Trung?
Để tưởng nhớ công đức của người con quê nhà, hiện nay, Bắc Giang có giải thưởng báo chí mang tên của Thân Nhân Trung được trao tặng hàng năm. |