Sáng 3/4, cây cổ thụ trong sân trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) bật gốc, đổ ra phía đường Nguyễn Văn Thủ gây sập tường. Theo lãnh đạo địa phương, sự cố làm 6 người bị thương và 9 xe máy bị hư hỏng.
Đại diện trường THCS Trần Văn Ơn cho biết cây bật gốc thuộc loại me tây. Trước khi xảy ra tai nạn, ngày 22/2, nhà trường đã thuê người kiểm tra nhưng cây này không có dấu hiệu bất thường, hoa vẫn nở.
Trường hợp này, THCS Trần Văn Ơn có phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về sức khỏe và tài sản do cây xanh thuộc đơn vị quản lý gây ra không?
Lực lượng chức năng đang cắt cành, thu dọn hiện trường. Ảnh: M.H. |
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá đây là sự việc đáng tiếc, gây thiệt hại về sức khỏe con người và tài sản. Do theo Bộ luật Dân sự 2015, đây là thiệt hại ngoài hợp đồng nên việc xác định trách nhiệm pháp lý và bồi thường sẽ tuân theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại bộ luật này.
Trích dẫn Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, ông Dũng cho biết người nào xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ được miễn trừ nếu thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
"Việc cây đổ đã gây ra thiệt hại về sức khỏe con người và tài sản. Do đó, cần xác định cây này có thuộc sở hữu của nhà trường không. Nếu có, căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trường THCS Trần Văn Ơn có trách nhiệm bồi thường với những người bị thiệt hại. Việc nhà trường cho biết đã kiểm tra cây vào tháng 2 và không phát hiện vấn đề không phải cơ sở miễn trách nhiệm pháp lý", ông Dũng phân tích.
Bình luận thêm, luật sư đánh giá quá trình chăm sóc và quản lý cây, có thể xảy ra trường hợp nhà trường thuê đơn vị ngoài có chuyên môn về cây xanh để quản lý. Nếu rơi vào tình huống này, cần làm rõ nội dung hợp đồng đã ký giữa đơn vị đó với nhà trường cũng như quá trình kiểm tra, giám sát của đơn vị này diễn ra ra sao.
Nếu có cơ sở cho thấy họ đã thực hiện đúng trách nhiệm, việc cây đổ không phải lỗi của họ thì cần xem trong hợp đồng có quy định về trách nhiệm liên đới bồi thường của đơn vị này với nhà trường nếu xảy ra thiệt hại không. Trường hợp đơn vị không hoàn thành trách nhiệm, yếu tố lỗi thuộc về công ty này, họ sẽ phải bồi thường trên phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cũng nhìn nhận cần làm rõ ngoài quá trình chăm sóc, quá trình trồng cây đã đảm bảo đúng kỹ thuật, độ an toàn hay chưa, từ đó xác định trách nhiệm của nhà trường cũng như đơn vị chăm sóc, quản lý cây.
Từ căn cứ này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định yếu tố lỗi, mức độ thiệt hại do yếu tố lỗi đó gây ra. Trường hợp sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc phải bồi thường dân sự, người có trách nhiệm liên quan còn có thể bị xem xét trách nhiệm về mặt hình sự.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…