Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai phải bồi thường cho người dân sau vụ cháy ở Rạng Đông?

Các luật sư cho rằng Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dù sự cố do công nhân gây ra. Nếu không có khả năng khắc phục hậu quả, công ty sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.

Dân Hạ Đình sơ tán, đóng cửa hàng quán vì sợ nhiễm độc thủy ngân Trái với cảnh tấp nập người qua lại trước kia, phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) từ sau vụ cháy Công ty Rạng Đông luôn vắng người. Nhiều hộ dân phải bỏ nhà, sơ tán khỏi khu vực này.

Liên quan sự cố môi trường xảy ra sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả.

Về phía người dân, ngoài mong muốn sớm làm sạch môi trường, nhiều người quan tâm việc ai phải bồi thường cho các thiệt hại mà họ gánh chịu sau sự cố?

Bưng bít thông tin về hóa chất có thể xử lý hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho biết trước hết cần xác định rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy để làm căn cứ xử lý các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy.

Ông Cường khẳng định pháp luật Việt Nam có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 có một phần riêng quy định các loại tội phạm về môi trường.

Boi thuong vu chay Rang Dong anh 1
Rạng Đông khiến dư luận phẫn nộ khi gian dối trong báo cáo việc sử dụng thủy ngân để làm bóng đèn. Ảnh: Việt Linh.

Để xem xét trách nhiệm thuộc về ai thì cần làm rõ mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm, làm rõ mức độ thiệt hại đối với tài sản và sức khỏe của người dân làm cơ sở để giải quyết.

Với sự cố xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nếu xác định doanh nghiệp này biết rõ lượng hóa chất phát tán vào không khí gây nghiêm trọng nhưng cố tình bưng bít, đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng việc khắc phục sự cố, không tham gia khắc phục sự cố môi trường thì có thể truy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp để xử lý hình sự.

Người vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị xử lý theo Điều 237 Bộ luật Hình sự, với khoản tiền phạt tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất 3 năm.

Theo luật sư, để xảy ra sự cố liên quan việc thủy ngân bị phát tán ra môi trường thì ngoài bị truy cứu hình sự, các tổ chức hay cá nhân sử dụng chất độc hại (nguồn nguy hiểm cao độ) còn phải bồi thường thiệt hại.

Ông Cường nhìn nhận nếu ngay từ đầu, Công ty Rạng Đông cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho cơ quan chức năng, tích cực thông tin kịp thời đến người dân thì hậu quả thiệt hại sẽ giảm bớt.

Rạng Đông phải bồi thường dù không có lỗi

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng sau vụ cháy ở Rạng Đông, nếu xảy ra thảm hoạ môi trường do rò rỉ chất nguy hại thì doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

"Chỉ thiệt hại do bất khả kháng như thảm họa, thiên tai, động đất, sóng thần gây ra thì được xem xét miễn bồi thường", luật sư nhấn mạnh.

Boi thuong vu chay Rang Dong anh 2
Binh chủng Hóa học lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty Rạng Đông. Ảnh: Binh chủng Hóa học.

Theo ông Giáp, Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2014 yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, đồng thời phải bồi thường thiệt hại gây ra.

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ rõ hóa chất là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu để rò rỉ, phát tán hóa chất gây tổn hại tính mạng, sức khỏe của người khác dù người quản lý, sử dụng hoá chất không có lỗi vẫn phải bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Còn Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Đối với pháp nhân là Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, luật sư Giáp cho rằng nếu doanh nghiệp vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường thì có thể bị phạt tiền tối đa 10 tỷ đồng, theo khoản 5, Điều 237 Bộ luật Hình sự.

Thậm chí, nếu pháp nhân phạm tội mà gây thiệt hại, hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường và không có khả năng khắc phục hậu quả thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Trong trường hợp sự cố do công nhân của Rạng Đông gây ra thì doanh nghiệp này vẫn phải bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự. Sau đó, công ty có thể yêu cầu người lao động bồi hoàn.

"Do đó, người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy làm rò rỉ chất nguy hại hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe", luật sư Giáp nêu quan điểm.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Hà Nội khẩn trương xử lý vụ việc Rạng Đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội phối hợp với Bộ TNMT khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.

Ông Nguyễn Đức Chung: TP và quận Thanh Xuân đã kịp thời cảnh báo

Chủ tịch UBND Hà Nội giải thích việc xử lý vụ cháy ở Rạng Đông cần có quy trình và phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra, TP không thờ ơ với sức khỏe của người dân.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm