Ngày 14/8 vừa qua, gương mặt cuối cùng của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16 đã lộ diện. Đó là Phan Tiến Tùng, học sinh THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk.
Tùng sẽ cùng với Lê Duy Bách (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam), Hồ Đắc Thanh Chương (THPT Quốc học Huế) và Lâm Vũ Tuấn (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) tranh tài để giành vòng nguyệt quế vinh quang.
4 gương mặt của vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16. |
Lê Duy Bách - học sinh chuyên Hóa, ham mê Lịch sử
Xuất sắc giành 380 điểm ở cuộc thi quý 1, nam sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đang dẫn đầu đoàn leo núi, đồng thời là người đầu tiên mang về cầu truyền hình trực tiếp cho trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16.
Được bạn bè nhận xét luôn “phiêu” hết mình, sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc chân thật như hò hét, vung chân tay trên sân khấu nhưng ngoài đời, Duy Bách lại rất khiêm tốn.
Dù là học sinh lớp chuyên Hóa, nhưng cậu có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, thường xuyên đọc lại kiến thức về các triều đại Việt Nam thời phong kiến.
Bách tâm sự: "Học Lịch sử là để mình biết sự thật trong quá khứ, nhìn vào đó hiểu được tại sao người xưa làm thế? Cách làm đó đúng hay sai, sai ở đâu? Thời kỳ đó đúng - sai thì hợp lý thế nào?”.
Nam sinh cho biết, ước mơ thi Olympia được nuôi dưỡng từ những năm học cấp 2. Đó cũng là lý do Duy Bách thi vào trường Ams "vì môi trường có nhiều động lực và việc đăng ký thi Đường lên đỉnh Olympia dễ dàng".
Hồ Đắc Thanh Chương - chàng trai vàng trường Quốc học Huế
Với người dân thành phố Huế, Hồ Đắc Thanh Chương là cái tên quen thuộc qua những thành tích học tập xuất sắc: ba giải nhất các môn Toán, tiếng Anh, Ngữ văn cấp tỉnh; huy chương đồng chung kết cuộc thi Chinh phục do VTV6 tổ chức; xếp thứ 3/12 trong cuộc sơ tuyển Tiếp lửa tài năng.
Bên ngoài cuộc thi, cậu học trò trường Quốc học Huế luôn thể hiện sự vui vẻ, hoạt bát nhưng cũng rất thông minh, điềm đạm và hiền lành.
Nhớ lại cuộc thi quý 2, Thanh Chương kể, cậu là học sinh lớp 11 duy nhất, đồng nghĩa việc có nhiều bất lợi nhất: Yếu hơn về kiến thức và cả tâm lý.
"Khi nhanh chóng vượt qua chướng ngại vật, mình rất bất ngờ. Có những lúc chênh lệch điểm lên tới 120, nhưng mình vẫn cố giữ tâm lý thoải mải, cố gắng thi đấu hết mình, chơi hết sức có thể", nam sinh nói.
Bầu không khí hồi hộp, căng thẳng, mọi ánh mắt đổ về Thanh Chương, những tiếng thở phào nhẹ nhõm, từng tràng pháo tay vang lên khi chàng trai xứ Huế giành vòng nguyệt quế.
Thầy Nguyễn Đình Thi - phó hiệu trưởng Quốc học Huế - bày tỏ hy vọng Thanh Chương sẽ giữ vững phong độ trong trận chung kết để mang ngôi vị cao nhất về cho trường, như Hồ Ngọc Hân (quán quân năm thứ 9), học sinh của trường đã làm được cách đây 7 năm.
Lâm Vũ Tuấn tự tin bước vào chung kết
Vũ Tuấn được vào cuộc thi tháng với tư cách thí sinh có điểm nhì cao nhất. "Đây là cơ hội lớn để em sửa chữa sai lầm và khẳng định bản thân trên đỉnh Olympia", chàng trai Nam Định tâm sự.
Tuấn liên tiếp chiến thắng cuộc thi tháng, quý, giành cơ hội mang cầu truyền hình về ngôi trường Chuyên Lê Hồng Phong giàu truyền thống hiếu học.
Khi được hỏi về ba cuộc thi đã qua, Vũ Tuấn chia sẻ, ấn tượng nhất là phần thi Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc vì cậu đều đánh máy sai ít nhất một lần dù đã luyện tập khá kỹ lưỡng.
Ngoài ra, vị trí thứ 4 ở cuộc thi quý cũng khiến cậu lo lắng, vì “mấy bạn kia thi xong cả rồi mới đến mình, không có cơ hội cướp điểm nếu lỡ có thấp quá”.
Trước trận chung kết đầy căng thẳng, Tuấn đang cố gắng trong chặng đua nước rút để giành vị trí cao nhất trên đỉnh Olympia trong sự động viên của cha mẹ, người thân, đặc biệt là các thầy cô giáo của trường Lê Hồng Phong.
Phan Tiến Tùng - cỗ xe tăng điềm tĩnh
Cậu học trò lớp Chuyên Anh, trường THPT Chuyên Nguyễn Du là gương mặt cuối cùng của trận chung kết, cũng là niềm vinh dự và tự hào của ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk. Đây là lần đầu tiên tỉnh này có học sinh lọt vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Xuất sắc giành Vòng nguyệt quế vòng thi quý, vượt trên người về nhì với 230 điểm, ít ai biết Tiến Tùng nuôi ước mơ chinh phục đỉnh Olympia từ những ngày học cấp 2.
Ít nói, ít cười, điềm đạm là ấn tượng của mọi người về chàng trai này. Xuyên suốt các cuộc thi tuần, tháng, quý, Tiến Tùng vẫn luôn giữ phong thái bình tĩnh, chắc chắn trước mỗi câu trả lời của mình.
Là anh cả trong gia đình có hai anh em, Tùng tạo cho mình tính tự lập, tự học, cố gắng là tấm gương cho em noi theo. Tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Tùng không đặt mục tiêu quá cao, bởi ngoài kiến thức, còn có sự may mắn.
“Em may mắn chọn được gói câu hỏi thuộc sở trường nên giành trọn điểm ở nhiều vòng thi”, Tùng khiêm tốn nói.
Song chắc chắn rằng, phía sau thành công ấy, may mắn ấy là nỗ lực, khát khao theo đuổi ước mơ chinh phục “đỉnh núi vinh quang” của nhà leo núi đến từ ngôi trường THPT mang tên Đại thi hào Nguyễn Du.