D
ư luận đang nóng lên trước thông tin một bộ phận thanh thiếu niên (nhất là các em học sinh khối trung học cơ sở, cụ thể ở trường THCS Thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có biểu hiện tham gia trào lưu nguy hiểm "Cá voi xanh". Thậm chí, một số em đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên mạng.
Trước thông tin này, ông Lê Bá Thi - Chánh Văn phòng UBND huyện Cái Bè, Tiền Giang - cho Zing.vn hay hiện chưa phát hiện trường hợp học sinh nào tham gia trò chơi này như dư luận phản ánh.
Thầy Nguyễn Ngọc Thuấn - phó hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Cái Bè - cũng khẳng định hoàn toàn không có hiện tượng "Cá voi xanh" xuất hiện ở trường.
Để trào lưu 'chọn lọc tự nhiên'?
Nhiều người hoài nghi về sức ảnh hưởng của trào lưu này ở Việt Nam, bởi họ vốn chỉ nghe truyền thông, báo chí đưa tin nhiều về các trường hợp ở nước ngoài.
"Trào lưu này phổ biến ở Nga, một số nước khác không có nhiều lắm. Mình nghĩ nó nếu có thật cũng sẽ 'chết yểu' ở Việt Nam thôi", Thành Võ bày tỏ quan điểm.
Dùng dao cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của admin là một trong những thử thách điên rồ mà nạn nhân của "Cá voi xanh" bị xúi giục làm. Ảnh: The Hindu. |
Bên cạnh đó, nhiều độc giả nêu ý kiến rằng bạn trẻ nào thích cứ tham gia, họ không có hơi sức quan tâm. Hơn một lần cụm từ "chọn lọc tự nhiên" được đưa ra để nói về tình trạng ngày càng nhiều bạn trẻ bị "Cá voi xanh" lôi kéo.
Bạn đọc Hoàng nhận định: "Cái này là chọn lọc tự nhiên. Quá trình tiến hóa sẽ chọn lọc tự nhiên các cá thể tốt, loại bỏ các cá thể xấu. Kệ đi, ai chán làm người muốn làm cá voi thì để họ đi cho đỡ gánh gia đình, xã hội".
Tuy nhiên, một số ý kiến phản bác quan điểm "không quan tâm" và nhận định chính sự vô cảm dửng dưng, coi thường ma lực của "Cá voi xanh" khiến trò chơi này ngày càng hoành hành.
LK chất vấn Hoàng rằng nếu anh em của người này là nạn nhân của "Cá voi xanh", liệu anh có thể nói "Kệ" một cách lạnh lùng đến thế không. Nguyễn Thanh Bình cũng đồng tình con người ích kỷ và thiếu trách nhiệm mới có suy nghĩ vô cảm như vậy.
Nhiều người cho rằng "Cá voi xanh" giúp "chọn lọc tự nhiên". Ảnh: Mediaplustn. |
Đừng dại dột hại người, hại mình
Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi trào lưu "xàm xí, vô bổ như Cá voi xanh" có thể du nhập vào Việt Nam. Nhìn chung, trò chơi này chỉ dành cho người dại dột, không biết quý trọng mạng sống.
"Cá voi xanh thường đánh vào tâm lý của những thanh thiếu niên thiếu tình cảm và sự chăm sóc, bảo bọc của gia đình. Ở độ tuổi thích được thể hiện, muốn làm người lớn rất dễ bị sa ngã", một độc giả bình luận.
Trần Khải tức giận cho rằng phụ huynh tốn tiền cho con em ăn học để tích lũy tri thức, song tri thức đâu không thấy, lại a dua theo cái xấu, vô bổ.
"Chẳng lẽ các bạn trẻ không biết tự nhận thức nên hay không nên tham gia?", Quang bức xúc đặt câu hỏi.
Trào lưu "Cá voi xanh" khiến nhiều người lo sợ. |
Từ thực tế danh sách bạn trẻ bỏ mạng vì "Cá voi xanh" trên thế giới ngày càng dài, nhiều người lo sợ trò chơi này thật sự có ma lực thao túng được tâm trí nạn nhân. Những cái chết vì thiếu hiểu biết của giới trẻ Việt là điều họ lo sợ sẽ xảy ra.
"Một trò chơi ngu xuẩn không có tính giáo dục nào lại 'gây sốt' cho mọi người. Đa số là giới trẻ bắt chước. Hãy sống có mục đích, có lý tưởng để đem lại lợi ích và niềm vui cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Đừng dại dột nghe theo những trò vớ vẩn chỉ rước hại cho mình", Anh Nguyễn cảnh báo.
Độc giả Kiên cho biết không cấm hay phê phán nhưng mong giới trẻ đừng suy nghĩ lệch lạc và mang tinh thần "dám nghĩ, dám làm" để làm những điều thể hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước.
"Hy vọng các bạn trẻ đủ tỉnh táo và hiểu biết để không bị ma lực của 'Cá voi xanh' thao túng. Truyền thông liên tục cảnh báo về những nguy hiểm từ trò chơi này nên làm ơn đừng chết vì thiếu hiểu biết", Nguyễn Phương (24 tuổi, nhân viên content marketing) nói.
Thử thách "Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 2 năm trước.
Qua mạng xã hội, quản trị viên (admin) dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi phải chụp ảnh để làm bằng chứng gửi admin.
Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga) được cho là kẻ cầm đầu, đã bị bắt để điều tra. Y bị cáo buộc xúi giục ít nhất 16 thiếu nữ tự sát.
Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.
Tác động của mạng xã hội; tâm lý thích sống ảo, chơi trội; thiếu sự quan tâm của gia đình; cô đơn, trầm cảm... là một số nguyên nhân khiến giới trẻ sa vào lưới của con "cá voi xanh".
Chuyên gia cùng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh giám sát chặt chẽ con cái trong độ tuổi vị thành niên khi thấy con có biểu hiện bất thường.