Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

AI tiếp tay gian lận phỏng vấn

Các bài kiểm tra lập trình đang trở thành bài toán hóc búa với nhà tuyển dụng, khi AI trở thành công cụ cần thiết để tối ưu công việc, vừa là phương tiện gian lận tinh vi.

Thị trường tuyển dụng kỹ sư đang bước vào thời kỳ khủng hoảng niềm tin. Ảnh minh họa: Thisisengineering/Pexels.

“Chúng tôi đã dặn rõ là không được dùng AI trong phần coding đầu tiên, vậy mà họ vẫn gian lận", Henry Kirk (Mỹ), đồng sáng lập công ty phần mềm Studio Init, ngán ngẩm kể lại về những buổi phỏng vấn gần đây.

Một số ứng viên nhìn lệch màn hình, trả lời trễ hoặc dán nguyên đoạn mã thay vì gõ từng bước, khiến ông nghi ngờ họ đang đọc lời gợi ý từ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà không hiểu bản chất. Dù vậy, Kirk thừa nhận AI vẫn là công cụ hữu ích, đặc biệt với quy mô công ty nhỏ như Studio Init, việc lọc 400 đơn ứng tuyển gặp nhiều khó khăn nếu thiếu công cụ hỗ trợ.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều công ty công nghệ hiện nay. Khi ChatGPT và các công cụ AI đã trở thành một phần trong quy trình làm việc, các bài kiểm tra kỹ thuật truyền thống đang dần trở nên lỗi thời, theo Business Insider.

Nghịch lý tuyển dụng

Tình trạng gian lận đang ngày càng phổ biến. Một sinh viên từng theo học Đại học Columbia (Mỹ), Chungin “Roy” Lee, thậm chí còn phát triển công cụ Interview Coder để lách bài kiểm tra đầu vào của Amazon, rồi quay video chia sẻ trên YouTube. Công cụ này đang được rao bán với giá 60 USD/tháng.

Trước thực trạng đó, Amazon yêu cầu ứng viên cam kết không dùng AI trừ khi được cho phép. Google cũng cân nhắc đưa phỏng vấn trở lại hình thức trực tiếp để kiểm soát tốt hơn.

Dù vậy, các nhà tuyển dụng thừa nhận ChatGPT đã làm thay đổi hoàn toàn cách đánh giá ứng viên. Một mặt, kỹ sư phần mềm ngày nay được kỳ vọng phải sử dụng AI để tăng hiệu quả công việc. Mặt khác, việc dùng AI trong quá trình ứng tuyển lại bị xem là “gian lận”.

tri tue nhan tao,  tuyen dung AI,  dung AI tuyen dung,  lo hong AI,  khung hoang tuyen dung, anh 1

Một số công ty tổ chức phỏng vấn trực tiếp để tránh tình trạng ứng viên tận dụng AI. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Nhiều ứng viên cho rằng nếu công việc yêu cầu kỹ năng dùng AI, thì thể hiện năng lực này trong phỏng vấn là hợp lý. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng như Kirk vẫn ưu tiên đánh giá tư duy gốc và cách tiếp cận vấn đề, thay vì khả năng sao chép lời giải.

Theo Annie Lux (Mỹ), nhà sáng lập công ty huấn luyện nghề nghiệp Land That Job, các bài test lập trình giới hạn thời gian không phản ánh đúng năng lực và thiếu công bằng.

"Việc cấm AI trong phỏng vấn nhưng lại yêu cầu sử dụng AI khi làm việc là nghịch lý", bà nói thêm.

Một nghiên cứu năm 2020 từ Đại học Bang North Carolina (Mỹ) và Microsoft cũng cho thấy ứng viên thường giải quyết vấn đề tốt hơn khi không bị giám sát chặt. Điều này lý giải vì sao nhiều kỹ sư kém thể hiện trong phỏng vấn nhưng lại làm việc hiệu quả khi vào công ty.

AI chen chân vào phỏng vấn

Andrej Karpathy (Mỹ), đồng sáng lập OpenAI, gọi cách lập trình mới thời AI là “vibe coding", khi kỹ sư chỉ cần “nhìn, nói, chạy, sao chép” để tạo ra một chương trình hoạt động tạm ổn. Trong bối cảnh này, kỹ năng quan trọng không còn là gõ code, mà là hiểu và chỉnh sửa đoạn mã do AI tạo ra.

Tuy nhiên, với những nhà tuyển dụng như Don Jernigan (Mỹ), phó chủ tịch công ty tuyển dụng công nghệ Experis Services, điều cần đánh giá là khả năng kết hợp giữa năng lực con người và máy móc.

“Ứng viên giỏi là người biết dùng AI đúng lúc và vẫn làm tốt phần việc AI chưa thay thế được”, ông nói.

Henry Kirk thì gọi thị trường tuyển dụng thắt chặt đúng lúc ChatGPT trở nên phổ biến là "cơn bão hoàn hảo". Khi số lượng ứng viên ngày càng nhiều mà số việc thì giảm, nhiều người đã chọn cách gian lận để nổi bật giữa đám đông.

Studio Init hiện lưu lại một danh sách "đen" gồm hàng chục người bị xác định gian lận và hàng trăm người khác bị nghi ngờ. Để giảm thiểu rủi ro, công ty đã chuyển sang tổ chức thêm các buổi kiểm tra trực tiếp tại văn phòng.

tri tue nhan tao,  tuyen dung AI,  dung AI tuyen dung,  lo hong AI,  khung hoang tuyen dung, anh 2

Việc cấm AI trong phỏng vấn nhưng đòi hỏi dùng AI khi làm việc là một nghịch lý. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

“Chúng tôi trả mức lương cao, nên chọn đúng người không chỉ vì quyền lợi công ty mà còn để bảo vệ sự công bằng cho những ứng viên tử tế", ông nhấn mạnh.

Sự thật là việc gian lận trong phỏng vấn kỹ thuật đã xuất hiện từ lâu. Ứng viên từng nhờ bạn bè làm bài giúp hoặc gửi người khác đi phỏng vấn thay mình. Nay, với sự hỗ trợ của AI, mọi thứ trở nên dễ dàng và tinh vi hơn.

Ở chiều ngược lại, nhà tuyển dụng, vốn quá tải vì số đơn tăng vọt, cũng dùng chính AI để sàng lọc hồ sơ. Cuộc đối đầu giữa hai bên ngày càng phụ thuộc vào máy móc, còn con người thì dần mất lòng tin.

Quy trình tuyển dụng cần chạy theo công nghệ

Tại Fonzi, công ty tuyển dụng AI, tỷ lệ ứng viên bị nghi dùng công cụ bên ngoài đến 23% chỉ trong quý I/2025. CEO Yang Mou (Mỹ) cho biết AI có thể phân tích ngữ điệu, độ ngắt quãng và ngôn ngữ chatbot để phát hiện dấu hiệu gian lận, trước khi đội ngũ nhân sự kiểm tra lần cuối.

Tỷ lệ gian lận trong phỏng vấn kỹ thuật do Karat, công ty cung cấp dịch vụ phỏng vấn kỹ thuật, tổ chức đã tăng từ 2% lên 10% chỉ sau 2 năm. Jeffrey Spector (Mỹ), đồng sáng lập Karat, cho biết tình trạng này ngày càng phổ biến. Song, thay vì cấm đoán, ông tin rằng điều cần thay đổi là chính cách phỏng vấn.

"LLM giờ là cánh tay của kỹ sư. Cấm dùng chẳng khác nào bắt họ làm việc mà không có tay chân", Spector nhận định.

Sau khi trải nghiệm AI trong công việc, Hadi Chami (Mỹ), Giám đốc kỹ thuật tại doanh nghiệp xử lý tài liệu kỹ thuật số Apryse, đã thay đổi cách tuyển dụng. Ứng viên vượt vòng sơ tuyển sẽ làm bài tập tại nhà với AI, nhưng phải trình bày lại toàn bộ cách tiếp cận trong buổi gặp sau.

tri tue nhan tao,  tuyen dung AI,  dung AI tuyen dung,  lo hong AI,  khung hoang tuyen dung, anh 3

Thị trường tuyển dụng kỹ thuật đang thiếu một chuẩn mới phù hợp với thời đại số. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

“Quan trọng là họ hiểu vì sao mã chạy được, chứ không chỉ biết AI chạy", ông nói.

Tuy vậy, Chami lo ngại nhiều kỹ sư trẻ giỏi lý thuyết nhưng lúng túng khi làm việc thực tế. Theo Victoria Gates (Mỹ), đồng sáng lập Expert Interviews, gốc rễ của khủng hoảng niềm tin hiện nay là công nghệ phát triển quá nhanh, còn quy trình tuyển dụng thì không theo kịp.

“Thay vì dồn lực giám sát, hãy đào tạo người phỏng vấn đặt ra câu hỏi mà AI không dễ tạo ra”, bà nói.

Ali Ansari (Mỹ), CEO công ty công nghệ Micro1, cho rằng cách viết code đã thay đổi, nên bài test truyền thống không còn phù hợp. Ông dự đoán chỉ trong 1-2 năm nữa, một chuẩn mới cho phỏng vấn kỹ thuật sẽ hình thành.

Nhân sự Hà Nội nhảy việc 3 lần trong 3 năm

Nhiều nhân sự trẻ ở TP.HCM và Hà Nội phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sự nghiệp. Dư âm dịch bệnh, làn sóng cắt giảm và sự đổ bộ của AI khiến công việc của họ lung lay.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm