Đạo diễn: Lee Jae Kyu, Kim Nam Soo.
Diễn viên: Park Ji Hoo, Yoon Chan Young, Cho Yi Hyun…
Thể loại: Thảm họa, học đường, hành động.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Trong những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc liên tục ghi điểm mạnh mẽ qua hàng loạt dự án chất lượng khai thác chủ đề thây ma như Train to Busan (2016), Alive (2020) hay series Kingdom (2019, 2020).
Vì vậy, với các đoạn teaser và trailer mãn nhãn, series All of Us Are Dead (Ngôi trường xác sống) đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả. Chuyển thể từ webtoon kinh dị Now at Our School do Joo Dong Geun chấp bút, bộ phim lấy bối cảnh chính tại ngôi trường trung học giả tưởng Hyosan.
Nhằm giúp cậu con trai nhút nhát trở nên mạnh mẽ hơn để không bị lũ lưu manh trên trường ức hiếp, giáo viên môn sinh học Lee Byeong Chan đã chế ra loại thuốc có khả năng chuyển hóa nỗi sợ thành sự căm phẫn. Thế nhưng, thứ thuốc ấy lại phản tác dụng, biến đổi cậu ta thành xác sống khát máu.
Vài ngày sau, một nữ sinh bỗng nhiên mất tích bí ẩn rồi xuất hiện trong tình trạng điên loạn tương tự con trai của thầy Lee. Cô nàng lao vào cắn xé bất cứ ai mà mình bắt gặp, khiến cho "căn bệnh" zombie nhanh chóng lây lan khắp trường. Nhóm học sinh sống sót giờ đây phải tìm cách sinh tồn, cố gắng chống trả lũ thây ma với hy vọng lực lượng cảnh sát, quân đội sẽ đến giải cứu.
Ý tưởng hấp dẫn, hành động mãn nhãn
Pha trộn giữa thể loại thảm họa và tuổi mới lớn (coming of age), tác phẩm sở hữu ý tưởng cực kỳ thú vị. Nếu Train to Busan chủ yếu nói về tầng lớp trung lưu cùng giới văn phòng phố thị, Kingdom là cuộc chiến vương quyền giữa mấy phe phái thời phong kiến, thì All of Us Are Dead lại tập trung khắc họa tâm trạng, phản ứng của các cô cậu học trò trước cơn ác mộng xác sống.
Mặc dù đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đám trẻ đã phải đối diện với hàng loạt tình huống ám ảnh, vượt ngoài sức tưởng tượng. Đó là việc bất lực nhìn đồng đội ngã xuống, hạ sát đứa bạn chí cốt vừa bị cắn hòng bảo vệ tính mạng bản thân, hay bẽ bàng nhận ra sự tàn nhẫn nơi chính phủ khi sẵn sàng bỏ mặc mình để cứu lấy số đông.
Sử dụng bầy zombie làm chất xúc tác, bộ phim dần phơi bày góc khuất trong ngành giáo dục lẫn xã hội châu Á hiện nay. Đơn cử, vấn nạn bạo lực học đường cũng như căn bệnh thành tích – luôn bao che cho đám đầu gấu nhằm gìn giữ “bộ mặt nhà trường” của ban giám hiệu – chính là nguồn cơn khiến thầy giáo Lee tạo nên chủng virus chết chóc.
Yếu tố kinh dị và những đại cảnh hành động trong phim đều được dàn dựng rất tốt. |
Kế thừa từ mấy tác phẩm zombie Hàn tiền nhiệm, All of Us Are Dead mang đến những thước phim kinh dị, rùng rợn đúng nghĩa. Hình ảnh lũ xác sống với bộ dạng gớm ghiếc, luôn gào thét điên cuồng, vặn vẹo xương khớp răng rắc và tìm giết con mồi theo bầy đàn chắc chắn không làm khán giả thất vọng.
Hơn nữa, phần hình ảnh phim lẫn biên đạo hành động cũng được ê-kíp chăm chút kỹ lưỡng. Nhờ sử dụng dàn diễn viên quần chúng hùng hậu để thể hiện lũ thây ma, hạn chế dùng kỹ xảo cộng thêm nhiều cú máy giả oneshot, bám theo nhân vật, xoay vòng 360 độ… ấn tượng, mỗi trường đoạn đuổi bắt, chiến đấu của dàn nhân vật chính đều đem lại cảm giác chân thực và gay cấn.
Đặc biệt, yếu tố bạo lực trong tác phẩm còn nặng đô, thậm chí tiệm cận mức "gore". Cả phim ngập tràn cảnh đầu rơi máu chảy, nạn nhân xấu số bị phanh thây xẻ thịt – điều mà hiếm nhà làm phim châu Á nào (ngoại trừ Nhật Bản) dám đưa vào một câu chuyện có màu sắc học đường. Vì vậy, những ai yếu tim, sợ máu cần cân nhắc kỹ trước khi thưởng thức.
Tiếc thay, dẫu chiêu đãi chúng ta một bữa tiệc thị giác hoành tráng, bản thân All of Us Are Dead vẫn tồn tại vô số "hạt sạn" to tướng, khó thể nhắm mắt bỏ qua.
Nội dung lê thê, nhiều lỗ hổng lớn
Suốt 6 tập đầu, nếu không tính mấy phân cảnh hành động, bộ phim có tiết tấu rất chậm. Ngoài việc di chuyển từ lớp học này sang căn phòng khác, tìm kiếm điện thoại nhằm cầu cứu cảnh sát, nhóm học sinh lớp 11 dành phần lớn thời gian để nghi ngờ, cãi cọ lẫn nhau. Các màn "đấu võ mồm", drama giữa bọn trẻ bị lạm dụng quá mức, dễ khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi.
Bên cạnh hai nhóm học sinh lớp 11 và 12, All of Us Are Dead sở hữu kha khá tuyến truyện phụ xoay quanh thầy Lee, cha nữ chính, lực lượng cảnh sát, quân đội, chính trị gia… Có lẽ, hai đạo diễn Lee Jae Kyu, Kim Nam Soo muốn cung cấp cho chúng ta bức tranh tổng thể về sự ảnh hưởng của đại dịch tới toàn xã hội, qua đó gợi nhắc thảm kịch Covid-19 hồi năm 2021.
Tuy nhiên, với diễn biến nhàm chán cùng lối chuyển cảnh tùy tiện giữa tuyến chính - phụ, các mảnh ghép trên sớm khiến câu chuyện trở nên lan man, đôi lúc còn đi chệch khỏi "cái lõi" học đường. Thực chất, nội dung phim đáng lẽ chỉ nên gói gọn khoảng 6 tập, nhưng tổ biên kịch đã nhồi nhét vào đứa con tinh thần hàng tá tình tiết khiên cưỡng, thừa thãi nhằm kéo dài thời lượng lên sóng gấp đôi.
Tuyến truyện chính lẫn phụ nhàm chán, khiến tổng thể tác phẩm bị lê thê, dài dòng. |
Chưa hết, All of Us Are Dead tiếp tục giới thiệu tới người xem một khái niệm "mới" mang tên đột biến. Đó là số ít học sinh bị các thây ma cắn nhưng chẳng hề biến đổi thành chúng. Họ không chỉ giữ được lý trí bình thường mà còn nắm giữ sức mạnh bá đạo như giác quan cực nhạy, thể chất tăng cường hay có thể tự chữa lành vết thương…
Những tưởng chi tiết này sẽ giúp tác phẩm tạo dấu ấn riêng, tiếc rằng nó càng làm cho kịch bản phát sinh thêm nhiều lỗ hổng (plot hole) to tướng. Ví dụ, tên đột biến phản diện luôn đánh hơi thấy nhóm học sinh dẫu bọn họ cách xa hắn đến mấy. Trong khi đấy, nhân vật đột biến phe ta lúc thì cảm nhận được gã rõ rệt, lúc thì lại chẳng hay biết gì.
Dàn nhân vật nhạt nhòa gây ức chế
Ngoài cốt truyện lê thê, All of Us Are Dead còn thử thách độ kiên nhẫn nơi khán giả bằng dàn nhân vật gây ức chế. Khi thảm họa xảy ra, không một học sinh nào buồn quan tâm tới an nguy của gia đình mình. Đám trẻ ấy sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ khóc thương đứa bạn đã chết, đòi tự sát theo họ thay vì nỗ lực liên lạc cho thân nhân.
Đâu chịu kém cạnh, tuyến phụ cũng góp phần thêm dầu vào lửa bởi lối hành xử phi logic, đơn cử như chàng cảnh sát Jae Il và ông bố nữ chính, đội trưởng đội cứu hộ kiêm cựu binh đặc công. Mặc dù đi qua bao nhiêu phố xá, họ vẫn không thể kiếm nổi một món vũ khí (dao, súng, rìu…) để chống trả lũ zombie mà toàn chiến đấu bằng đôi tay trần.
Dàn nhân vật, đặc biệt là nữ chính khiến khán giả ức chế bởi lối hành xử, tư duy khác người. |
Đối với một bộ phim bất kể điện ảnh hay truyền hình, nhân vật chính phải giành được sự đồng cảm, ủng hộ từ phía người xem. Tuy nhiên, cô nàng Nam On Jo (Park Ji Hu) lại thất bại ở khoản này. Ái nữ của đội trưởng đội cứu hộ vừa lập lờ, thiếu quyết đoán trong quan hệ tình cảm với hai chàng nam chính, vừa tỏ ra vô dụng trong phần lớn tình huống xuyên suốt 12 tiếng thời lượng.
Chưa kể, nhiều nhân vật phụ bên tuyến truyện nhóm học sinh Hyosan có màn xuất hiện rồi biến mất cực kỳ nhạt nhòa, chóng vánh. Họ không được ê-kíp đầu tư tính cách, quá khứ, động cơ… rõ ràng, quá trình phát triển tâm lý cũng thiếu thuyết phục. Vì thế, sự hy sinh và mất mát của họ không hề để lại ấn tượng gì nơi người xem.
Dẫu gây thất vọng là thế, All of Us Are Dead vẫn nhanh chóng đứng đầu bảng Netflix TV show toàn cầu sau đúng một ngày lên sóng, tái lập thành tích của series Hellbound (2021) cách nay không lâu.
Nhờ đánh đúng thị hiếu khán giả quốc tế (nhất là phương Tây) khi khai thác những đề tài nhạy cảm, nhức nhối trong xã hội châu Á qua lăng kính hài đen, hành động và kinh dị, các loạt phim gốc của Hàn Quốc dễ dàng thu hút được lượng người xem đông đảo. Lấy ví dụ, nếu Squid Game phơi bày sự phân biệt tầng lớp giàu nghèo, Hellbound bóc trần niềm tin mù quáng vào các tổ chức dị giáo tại xứ kim chi.
Nhìn chung, All of Us Are Dead là series dở. Mảng nghe nhìn, hành động của phim tuy hoành tráng nhưng vẫn không thể cứu vãn nổi phần kịch bản cẩu thả, dài dòng. Nếu ưa thích thể loại thảm họa nói chung lẫn xác sống nói riêng, bạn có thể tua nhanh đến các cảnh kinh dị chứ đừng lãng phí hơn nửa ngày trời để xem hết tác phẩm này.