Thảo Thu (28 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội), bị ám ảnh món cháo trong 3 ngày đầu sau khi nhổ răng khôn.
“Mỗi lần mở miệng ăn là đau, vật lộn mãi mới ăn được nửa bát cháo. Vào hôm đầu, tôi gọi 1 suất cháo ăn cả sáng lẫn tối mới hết”, chị Thu nói thêm. Chị thường ăn cháo kèm với thịt, ruốc hoặc nấm.
Nhiều người từng nhổ răng khôn hẳn sẽ cảm thấy trải nghiệm của Thảo Thu quen thuộc. Họ đều là những người có chiếc răng "khôn" khiến chủ nhân hoang mang, hay thậm chí đau đớn. Sau những ngày lo lắng trước khi nhổ răng là những tuần đau sau khi nhổ, câu hỏi bao giờ mình có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường như trước.
Đau đớn 1 tiếng đồng hồ để nhổ răng khôn
Theo NHS, răng khôn là chiếc răng hàm mọc cuối cùng ở mỗi bên hàm, thường mọc ở người trưởng thành từ độ tuổi 18 đến sau 20. Là chiếc răng xuất hiện cuối cùng nên nếu hàm không còn chỗ để mọc, chúng sẽ tự tìm đường khác để nhú lên.
Do đó, trong nhiều trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, mọc chen chỗ răng khác hay mọc ngược về phía xương hàm và đâm vào răng bên cạnh. Ở những trường hợp khác, nó chỉ nhú lên một phần thì ngưng và không mọc nữa.
Đối với những trường hợp mọc lệch hoặc mọc ngầm đã gây biến chứng, người mọc răng sẽ bị đau sưng kéo dài, ảnh hưởng đến ăn uống, cần phải nhổ càng sớm càng tốt.
Tùy thuộc vào vị trí mọc lệch cũng như độ chắc của răng khôn, thời gian nhổ sẽ khác nhau, nhưng trung bình 15–20 phút/răng.
Tuy nhiên, có trường hợp răng mọc thẳng, đúng chỗ mà lại mọc quá chắc khiến nha sĩ phải mất 1 tiếng đồng hồ để nhổ. Đó là trường hợp của Nguyễn Sương (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội).
“Răng mình mọc hơn 10 năm rồi mà ko mọc được nên thành một cái hốc bé. Mình sợ sẽ đọng thức ăn, có mùi nên quyết định đi nhổ. Sau khi chụp hình và khám xong hết, bác sĩ bảo răng mọc thẳng, đúng chỗ nên tầm 10 phút là xong. Mình nhớ có tới 2 bác sĩ nhổ, họ làm gì đó mất 20 phút nhưng răng vẫn chưa lung lay. Lát sau, bác sĩ phải xẻ đôi răng. Mình không cảm nhận được gì ngoài mùi khét khét. Cuối cùng, là mất tầm 1 tiếng mới nhổ được. Họ khâu 3 mũi, hẹn 5-7 ngày sau đến khám lại”, Sương kể.
Thảo Thu kể cô trải qua việc nhổ răng khôn 2 lần, cách nhau khoảng 2-3 tháng.
"Lần đầu do khám tổng quát bác sĩ bảo răng khôn mọc lệch 90 độ nên nhổ. Bác sĩ dự kiến mất 15 phút thôi nhưng không biết sao phải tận 45 phút mới nhổ được. Nhổ xong về thấy hơi đau, nhưng đến nửa đêm nó nhức quá phải dậy chườm đá và uống giảm đau”, cô cho biết.
Chị Quỳnh Trang (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng mất 45 phút đến 1 tiếng để nhổ răng khôn. Chị nhổ 2 chiếc răng khôn ở hàm dưới cách nhau 2 tuần. Chiếc răng đầu tiên do mọc ngầm và đâm vào chân răng 7 nên cắt ra và khâu, cuối cùng, các bác sĩ mất gần 1 tiếng để nhổ xong răng cho cô.
“Đến lượt nhổ chiếc răng thứ 2, không biết sao 1 bên mặt lại sưng như quả cà chua và rất đau, chườm đá cũng không hết. Gọi cho bác sĩ, bác sĩ đưa tên một loại thuốc rồi mua uống 3 lần, sau đó mới đỡ sưng hơn”, chị Trang chia sẻ.
Một suất cháo ăn cả sáng lẫn tối mới hết
Đa số mọi người sau khi nhổ răng khôn đều phải ăn thức ăn mềm, đặc biệt là cháo, 2-3 bữa ăn đầu. Những ngày sau, họ có thể ăn uống bình thường nhưng cần nhai chậm, tránh nhau hàm có răng mới nhổ và vệ sinh răng kỹ sau ăn.
Sau khi nhổ răng, trong vài ngày đầu nên ăn thức ăn mềm để tránh ảnh hưởng đến chỗ vừa nhổ. Ảnh: Thespruceeats. |
Đa số mọi người đều chọn ăn cháo trong 1 đến 3 ngày đầu, có người thì cảm thấy đây là cách thay đổi khẩu vị nhưng phần lớn lại cảm thấy ngán và nhanh đói.
“Ba hôm đầu, mình chỉ ăn cháo hơi ấm ấm thôi. Sang mấy ngày kế tiếp vết nhổ không bị đau mình mới ăn cơm nhưng thức ăn được cắt nhỏ và nấu mềm hơn bình thường”, chị Thanh Thùy, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết.
Như chị Thu, chị Trang cũng có nhiều bất tiện lúc ăn sau khi nhổ răng khôn. Chị không há miệng ăn được, nói chuyện thì bị đau. Chị phải chia nhỏ phần ăn ra và ăn cũng chỉ để no bụng để làm việc.
Trái lại, anh Bảo Châu (30 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) lại cảm thấy khá thoải mái khi ăn cháo. Anh chia sẻ rằng bình thường mình cũng thích ăn cháo, nên trong 2 ngày đầu anh thấy cũng không có gì quá khó khăn.
Lúc đó biết trước là sẽ nhổ răng khôn nên anh mua sẵn trứng muối, tép, thịt bằm, cải thìa và một số loại rau khác để ăn kèm với cháo trắng. Vì thế mà anh thấy ăn khá ngon, lâu lâu đổi khẩu vị cho đỡ ngán.
Mang tiếng là răng khôn, nhưng chiếc răng này, nếu việc mọc không thuận lợi và gặp biến chứng, thường mang đến nhiều đau đớn và bất tiện cho mọi người. Minh họa: New York Times. |
Đồ ăn mất đi vị ngon khi để nguội
Nếu là người thích ăn các món nướng, hay chiên xào nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì có thể sẽ cảm thấy không quen khi ăn lại mấy đồ ăn để nguội.
“Bất tiện nhất mà mình thấy sau khi nhổ răng là phải ăn mấy món nguội. Vì có nhiều món ăn nóng phải chờ nguội sẽ mất đi độ ngon. Chưa hết, khi ăn phải nhai cẩn thận, sợ thức ăn sẽ lọt vào vết nhổ. Việc đánh răng cũng phải thật cẩn thận và chậm hơn bình thường”, chị Thùy cho biết.
Chị Trang chia sẻ: “Bác sĩ khuyên mình ăn đồ ăn ở nhiệt độ bình thường, không quá nóng cũng không quá lạnh. Nên là khi mua cháo về mình phải chờ cho nó nguội mới dám ăn. 3-4 ngày sau, mình ăn cơm hay bún được rồi nhưng ăn xong phải súc miệng bằng nước muối”.
Tuy nhiên, chị cho biết chị lại không kiêng đồ nóng hay lạnh gì cả. Chị ăn cơm cùng gia đình như bình thường, chỉ là không nhai bên phía mới nhổ răng khôn. Theo chị, chuyện ăn kiêng thì cứ theo bác sĩ dặn, thấy mình ổn thì cũng không cần kiêng nhiều quá.
“Mình ăn cá hồi, rau xanh, hoa quả vì tra trên mạng bảo ăn mấy món này nhanh lành. Ngoài ra, mình thấy ăn đồ lạnh nó cũng giảm phù nề và sưng nữa. Nên là khi gọi đồ bên ngoài, mình hay gọi kèm ly sữa đậu hoặc đồ lạnh gì ăn kèm cơm”, chị Thảo Thu cho biết.
Đa số người nhổ răng khôn ăn uống và sinh hoạt lại từ vài ngày đến hơn một tuần sau khi nhổ, những bất tiện cũng biến mất theo.