Gần một năm nay, ông Trần Quyết T. (72 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bỗng thay đổi tâm tính, dễ giận dữ, hay bồn chồn, có những chuyện rất nhỏ nhưng ông luôn lo lắng và hỏi đi hỏi lại con cháu. Ông hay quên đến nỗi vừa ăn cơm xong, hàng xóm hỏi thăm thì ông lại nói con cháu chưa cho ăn uống gì.
Quên cả người thân
Nhiều lần gặp người quen, ông ngơ ngác không nhận ra, rồi vừa hỏi tên xong, chỉ khoảng 15-20 phút sau ông lại hỏi lại. Thấy ông T. như vậy, cả nhà chỉ nghĩ đơn giản rằng tuổi già nên ông hay quên cũng là chuyện bình thường. Cho đến một đêm, ông dậy mở cửa rồi đi ra ngoài lúc nào không ai hay. Đến sáng, một người cùng làng đi chợ sớm, phát hiện ông T. ngồi vật vạ ở ven đường mới gọi điện cho con cháu đưa ông về nhà. Ngay hôm ấy, ông T. được các con đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ (BS) chẩn đoán ông mắc bệnh sa sút trí tuệ tuổi già (Alzheimer) và chỉ định điều trị.
Chia sẻ với BS về tình trạng của người mẹ năm nay 69 tuổi, chị Hoàng Xuân D. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay 2 năm nay, mẹ chị lúc nào cũng bị ám ảnh bởi bệnh tật. Cứ 2-3 tuần bà lại nghĩ mình đang mắc bệnh nào đó và lại tất tả đi khám. BS kết luận không mắc bệnh gì thì bà vui vẻ trong mấy ngày. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, bà lại nghĩ tới bộ phận khác có bệnh.
Bệnh nhân sa sút trí tuệ điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần trung ương. |
Những hiệu thuốc xung quanh nhà "nhẵn mặt" bà vì bà hay ra hỏi mua thuốc bổ, thuốc bệnh. Nếu nhà thuốc từ chối không bán, bà sẽ đến nhà thuốc khác. Theo chị D., gần đây, cả nhà mất ngủ vì bà cứ đi lung tung từ phòng này sang phòng khác, hỏi han giờ giấc rồi thúc giục mọi người dậy. Nhiều lần đi ra chợ, bà không thể nhớ ra là mình muốn mua món gì, rồi cứ mỗi khi ra khỏi nhà là tự hỏi "không biết mình đã khóa cửa nhà chưa?".
Có thể khởi phát khi còn trẻ
BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng Người già Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, cho biết quá trình già hóa dân số ở Việt Nam với tỉ lệ người trên 65 tuổi ngày càng nhanh, kéo theo đó là tình trạng người cao tuổi bị sa sút trí tuệ tăng lên đáng kể.
Hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm một người mắc sa sút trí tuệ. Đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng (không gian, thời gian...), chú ý ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục... Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần trung ương cho thấy bệnh nhân tới khám do sa sút trí tuệ có xu hướng gia tăng nhưng ít người đi khám do triệu chứng hay quên mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo. Trong số này, từ 60%-80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer.
"Có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát" - BS An nói.
Theo các chuyên gia, giai đoạn đầu người bệnh thường hay quên và hay phải tìm những đồ dùng cá nhân (mũ, chìa khóa…), khó nhớ tên người mới gặp, hay lặp đi lặp lại một câu hỏi, thậm chí quên việc định làm… Nếu cứ nghĩ là bệnh tuổi già và bỏ mặc không điều trị, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng phán đoán và suy luận.
GS.TS Phạm Thắng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho biết sa sút trí tuệ có thể khởi phát khi còn trẻ, song chủ yếu là ở tuổi già. Một số nghiên cứu từ nhiều năm trước cho thấy ở lứa tuổi 65, tỉ lệ sa sút trí tuệ là 5%, tương ứng với khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Cứ tăng thêm 5 tuổi, số lượng người sa sút trí tuệ tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì 1/3 số người già mắc hội chứng này. Đây là một trong những gánh nặng về sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn đến nhiều gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, dù là bệnh của người già nhưng không phải tất cả người già đều mắc bệnh.
Nói về hiện tượng hay quên của người trẻ, BS An khẳng định đó chỉ là chứng quên tạm thời và tự bản thân người đó có thể khắc phục được, còn bệnh sa sút trí tuệ thì người bệnh không thể nhớ nổi. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý do chưa có phương pháp trị đặc hiệu nên trong gia đình nếu thành viên lớn tuổi có biểu hiện nhớ nhớ, quên quên, khó khăn trong việc lên kế hoạch hay giải quyết vấn đề; nhầm lẫn về thời gian, không gian..., người thân nên đưa đi khám sớm để BS thiết lập kịp thời phác đồ kiểm soát sớm bệnh.